Cá voi "cụt đuôi" trầy trật sinh tồn ngoài khơi biển Thái Bình Dương

Minh Khôi| 17/08/2024 08:20

Máy bay không người lái ghi lại cảnh một con cá voi lưng gù bị mất vây đuôi, nghi ngờ do vướng vào ngư cụ.

Cá voi cụt đuôi trầy trật sinh tồn ngoài khơi biển Thái Bình Dương - 1

Máy bay không người lái ghi lại hình ảnh con cá voi "cụt đuôi" ngoài khơi biển Thái Bình Dương (Ảnh: The Whale Museum).

Một con cá voi lưng gù (tên khoa học: Megaptera novaeangliae) dường như bị rách đuôi, mất đi vây thùy, do vướng vào ngư cụ được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển tiểu bang Washington, thuộc Thái Bình Dương.

Những nhận định ban đầu cho rằng con cá voi có thể bị mất vây đuôi do bị vướng vào dây câu hoặc các bộ phận ngư cụ khác.

Giới chuyên gia cho biết, mặc dù con cá voi này đang cố gắng thích nghi với tình trạng thiếu hụt bộ phận cơ thể, nhưng nhiều khả năng nó sẽ chết vì đói và kiệt sức.

Được biết, vây thùy là bộ phận chính chịu trách nhiệm tạo lực đẩy khi bơi cho cá voi. Nếu thiếu đi bộ phận này, cá voi sẽ gặp khó khăn trong di chuyển, ngay cả khi vết thương không quá nghiêm trọng.

"Con cá mất đi một phần rất quan trọng của cơ thể", Jessica Farrer, Giám đốc nghiên cứu tại Bảo tàng Cá voi Friday Harbor (Mỹ) cho biết. "Chúng ta biết rằng con người đã gây ra điều đó".

Cá voi cụt đuôi trầy trật sinh tồn ngoài khơi biển Thái Bình Dương - 2

Cận cảnh phần cơ thể bị cụt của cá voi (Ảnh: The Whale Museum).

"Mắt của chúng rất lớn và đại dương của chúng ta có rất nhiều dây câu nên việc cá lưng gù vướng vào dây câu và kéo theo chúng là chuyện bình thường", Farrer cho biết.

Theo Mạng lưới Động vật có vú mắc cạn San Juan, con cá voi này được đặt tên là Catalyst. Nó lần đầu tiên được nhìn thấy vào ngày 5/7 ở phía đông Đảo Swindle (Canada), và sau đó xuất hiện trở lại vào ngày 10/7 gần cửa sông Campbell, thuộc bờ biển phía đông của Đảo Vancouver (Canada).

Mặc dù bị thương, Catalyst đã di chuyển được quãng đường gần 600 km kể từ lần đầu tiên nó được nhìn thấy. Trung bình, con cá voi di chuyển từ 5,5 đến 7,5 km/h.

Farrer nhấn mạnh lại rằng nếu không có vây đuôi, cá voi có thể sẽ chết vì đói hoặc kiệt sức. Nhưng ông cũng cho biết thêm, nếu Catalyst có thể thích nghi với kỹ thuật bơi mới, nó có thể sống sót.

"Trong tình huống này, cá voi sẽ bắt đầu di chuyển bằng vây ngực. Sau đó, nó sẽ thích nghi để bắt đầu sử dụng cuống vây (bộ phận nối giữa vây đuôi và thân) theo một kiểu chuyển động từ bên này sang bên kia", Farrer giải thích.

Vướng phải bẫy và các tàu thuyền là mối đe dọa lớn đối với quần thể cá voi trên toàn thế giới. Theo ước tính của Ủy ban Cá voi Quốc tế, có khoảng 300.000 con cá voi chết vì vướng vào lưới đánh cá mỗi năm.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ca-voi-cut-duoi-tray-trat-sinh-ton-ngoai-khoi-bien-thai-binh-duong-20240817074702087.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ca-voi-cut-duoi-tray-trat-sinh-ton-ngoai-khoi-bien-thai-binh-duong-20240817074702087.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cá voi "cụt đuôi" trầy trật sinh tồn ngoài khơi biển Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO