Cá thể rùa mai mềm lớn nhất tại hồ Đồng Mô đã 2 lần nằm trong lưới quây của đội bắt rùa, nhưng đều tẩu thoát thành công. Cá thể rùa được cho là nặng tới 150kg này từng dìm 2 chiếc thuyền của đội săn bắt chúi xuống nước…
Anh Nguyễn Tài Thắng, Quản lý dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm Việt Nam chia sẻ như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí, đồng thời anh cũng "hé lộ" về bức ảnh chụp cá thể rùa khoảng 1 tạ ở một địa phương ngoài Hà Nội vào năm trước…
Sau cái chết của cụ rùa ở Hồ Gươm và những cái chết của cá thể rùa ở Tô Châu, Trung Quốc, cá thể rùa ở hồ Đồng Mô tháng 4 vừa rồi, trên thế giới chỉ còn 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm, gồm 1 cá thể ở Tô Châu, Trung Quốc, 1 cá thể ở hồ Xuân Khanh, Việt Nam; nhiều người đã nghĩ đến sự tuyệt chủng của loài này. Việc các anh vừa công bố thông tin về 2 cá thể lớn rùa mai mềm liên tục nổi ở hồ Đồng Mô đầu tháng 5 vừa qua cùng một số hình ảnh về những cá thể rùa ở đây đã khiến nhiều người bớt "bi quan" hơn. Vậy nhưng, 2 cá thể này có phải rùa Hoàn Kiếm không, thưa anh?
- Trước hết, tôi khẳng định, Chương trình bảo tồn rùa châu Á ATP và Tổ chức Indo - Myanmar Conservation IMC chưa công bố 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô như một số tờ báo đăng tải. Thực tế, những bức ảnh đó do tôi chụp và có ngày tháng đầy đủ.
Tuy nhiên, như tôi nói trước đó, để công bố một cá thể là rùa Hoàn Kiếm, tên khoa học Rafetus swinhoei thì cần có những bằng chứng khoa học xác thực mà điều các nhà khoa học quan tâm nhất đó là xác định giải trình tự gen.
Trong 20 năm ATP nghiên cứu về rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô có 2 lần chúng tôi bắt được rùa Hoàn Kiếm, đó là cá thể sổng ra sông Tích năm 2008 và cá thể chúng tôi bắt năm 2020. Hai cá thể này được phân tích, giải trình tự gen và được khẳng định là Rafetus swinhoei.
Ngay từ năm 2004 chúng tôi bắt đầu có những hoạt động nghiên cứu đầu tiên ở hồ Đồng Mô. Trong quá trình quan sát, chúng tôi có một số lần ghi được hình ảnh 2 cá thể rùa trong một bức ảnh.
Không những cán bộ chuyên sâu của IMC, ATP mà cả ngư dân địa phương cũng nhìn thấy một vài cá thể lớn đi cùng nhau và những cá thể này có kích thước rất khác nhau. Có cá thể chỉ khoảng 20-30kg, có cá thể đến 40kg, có cá thể khoảng 150kg.
Tuy nhiên, những cá thể đó có phải rùa Hoàn Kiếm không, chúng tôi chưa thể khẳng định và chưa hề công bố. Chúng tôi chỉ nói rằng, những cá thể đó là rùa mai mềm có đặc điểm hình thái tương đồng với rùa Hoàn Kiếm.
Cá thể rùa 150kg như anh nói ở trên khác với cá thể rùa Hoàn Kiếm đã chết hồi tháng 4 vừa rồi và cũng to hơn rất nhiều?
- Theo quan sát của chúng tôi và các ngư dân, con rùa này khác hơn và to hơn con đã chết rất nhiều. Nhưng cá thể rùa này có phải rùa Hoàn Kiếm hay không, chúng tôi chưa khẳng định, mặc dù nó mang tất cả đặc điểm hình thái của loài đó.
Các anh đã từng bắt hụt cá thể này mấy lần?
- Cá thể này từng một lần mắc lưới, một lần nằm trong lưới quây của chúng tôi. Lần nằm trong lưới quây, cá thể này nhiều lần nổi, nhưng không mắc lưới. Đội săn bắt dùng 6 thuyền đánh động, nhưng nó không chạy vào lưới. Quây gần nửa tháng mà không làm gì được, chúng tôi phải… thu quân.
Còn lần cá thể này mắc lưới, chúng tôi cử người đi thuyền ra kéo lên, nhưng con rùa dìm hai thuyền của chúng tôi - thuyền rộng 1,8m, dài 11m - chúi xuống nước. Hai người phụ trách kéo lưới khi lên bờ vẫn còn tái mặt.
Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh mặc dù được công bố từ nhiều năm trước, nhưng chúng ta chưa từng bắt được. Thực tế, một số người vẫn hoài nghi về sự hiện hữu của rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh?
- Chúng tôi công bố rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh bằng tổng hợp các phương pháp. Thứ nhất, quan sát bằng hình ảnh - chúng tôi nghiên cứu từ năm 2012, đến năm 2017 đã chụp được ảnh cá thể rùa này và hiện tại chúng tôi có 4 bức ảnh. Thứ hai, trong nước hồ Xuân Khanh có gen của rùa Hoàn Kiếm - điều được chứng minh bởi công nghệ giải trình tự gen lấy gen môi trường từ nước.
Trở lại với hồ Đồng Mô, cá thể rùa Hoàn Kiếm duy nhất được công bố tại đây đã chết. Vậy sao các anh không lấy gen từ môi trường nước ở hồ Đồng Mô giống như cách đã làm với hồ Xuân Khanh để khẳng định hồ Đồng Mô vẫn còn rùa Hoàn Kiếm?
- Công nghệ gen môi trường rất hiệu quả và theo nghiên cứu của chúng tôi, ở nhiệt độ 23 độ C, gen có thể sống được đến 72 giờ, tùy khoảng cách khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại nước hồ đang rất nóng. Hơn nữa, nếu chúng tôi công bố gen môi trường ở thời điểm hiện tại, rất nhiều người băn khoăn gen đó của cá thể đã chết hay của cá thể đang sống.
Vì vậy, chúng tôi chờ thời điểm tháng 10 năm nay đến tháng 2 năm sau, nhiệt độ nước khoảng 18-20 độ C, thích hợp nhất để lấy gen môi trường. Thứ hai, thời điểm đó không ai có thể nghi ngờ gen bắt được là của con đã chết.
Công nghệ này cũng chỉ khẳng định được có rùa Hoàn Kiếm hay không, chưa xác định được số cá thể, thưa anh?
- Đúng vậy, công nghệ đó chỉ giúp mình đếm loài, không đếm cá thể.
Được biết, các anh đã đi khảo sát, nghiên cứu tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm ở nhiều đầm, hồ nước tại hàng loạt tỉnh miền Bắc trong suốt những năm qua. Cho đến thời điểm này các anh chưa tìm được dấu vết nào?
- Không, nhiều chứ! Đối với loại động vật quý hiếm này khi mình chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng cộng với việc có quá nhiều người quan tâm thì mình công bố bất kỳ cá thể nào cũng có thể gây nguy hại đến cá thể đó. Ngoài hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô còn tới 30 hồ nữa có thông tin của rùa Hoàn Kiếm.
Các hồ này có thể rộng từ hơn một ngàn ha đến vài ngàn ha, thậm chí vài chục ngàn ha, nhưng để khẳng định có rùa Hoàn Kiếm không thì quá khó khăn vì nhân lực chúng tôi có hạn.
Tất cả các hồ đó đều đang được chúng tôi theo dõi và có thông tin cung cấp hàng ngày. Khi có bất kỳ thông tin nào "nhạy cảm" là chúng tôi đến ngay lập tức.
Anh có thể chia sẻ thêm một chút về dấu vết nghi của rùa Hoàn Kiếm ở những nơi trên?
- Tôi sẽ không nói tên bất kỳ một hồ cụ thể nào… Mới năm ngoái, tại một hồ trong số kể trên chúng tôi đã chụp được ảnh một cá thể rùa lớn.
Mất bao lâu để các anh chụp được bức ảnh đó?
- Lúc đầu, đoàn chúng tôi gồm 2 người đi một tháng, khảo sát các hồ, đập… của tỉnh đó. Khi đến hồ nói trên, tất cả ngư dân được phép đánh cá tại hồ nói rằng, có một con rùa mai mềm lớn, khoảng 1 tạ, có các đặc điểm hình thái mô tả giống với đặc điểm hình thái của loài rùa Hoàn Kiếm.
Chúng tôi về nghỉ ngơi một tuần rồi 3 người quay lại đó trong vòng 2 tháng thì quan sát được vài lần, tuy nhiên chỉ chụp được một bức ảnh duy nhất vào tháng 9/2022. Khi chúng tôi gửi bức ảnh tham vấn các nhà khoa học về rùa trên thế giới thì họ đều rất hứng thú.
Năm 2018 cơ quan bảo đảm thực thi Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã của Trung Quốc (Cites) có công văn đề nghị Cites Việt Nam và Bộ NN&PTNT hợp tác, bảo tồn rùa Hoàn Kiếm - Trung Quốc gọi là giải Thượng Hải. Việc hợp tác này trong thực tế là rất khó, thưa anh?
- Sau khi nhận văn bản từ phía Trung Quốc, chúng ta đã tổ chức hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học. Chúng ta đồng ý thôi, nhưng phương án triển khai chưa thể làm được.
Rõ ràng Trung Quốc có thuận lợi khi cá thể của họ được nuôi giữ được trong vườn thú, còn những cá thể của chúng ta lại ở trong tự nhiên. Khi mình chưa bắt được, chưa nhốt được thì chưa thể nói đến chuyện ghép đôi được.
Những năm trước, Hà Nội đã ban hành kế hoạch bảo tồn rùa Hoàn Kiếm, trong đó có lộ trình về việc phát hiện, bắt những cá thể rùa, xác định giới tính, ghép đôi để sinh sản. Liệu đến thời điểm nào chúng ta có thể ghép đôi sinh sản, thưa anh?
- Theo tôi việc ghép đôi khả thi khi chúng ta có đầy đủ dữ liệu về sinh thái, môi trường, tập tính của những cá thể đó... Cho đến bây giờ chúng ta mới đang đi bẫy bắt để xác định số lượng, giới tính. Tuy nhiên, việc bắt không hề đơn giản chút nào.
Một hồ bé như hồ Xuân Khanh, hơn 60ha mà năm 2021 chúng tôi nằm ở đó 3 tháng, từ 1/10 đến 31/12, thuê 30 người, 10 tấn lưới mà không bắt được cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ. Chúng tôi thả lưới vét, lưới vây, quây cá thể rùa vào trong lưới rồi, tất cả mọi người nhìn thấy rồi mà vẫn… bắt trượt. Việc bắt rùa còn khó khăn thế này thì việc ghép đôi sinh sản còn xa lắm.
Trong khi chúng ta chưa thể ghép đôi thì việc sinh sản của những cá thể rùa trong tự nhiên là điều rất được trông đợi. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, Đồng Mô thiếu những cồn cát để rùa sinh sản?
- Trước đây, khi chúng tôi phỏng vấn những ngư dân già ở Đồng Mô thì được biết, những năm 80, 90 ở đây còn rất nhiều cá thể rùa lớn và chúng thường lên đồi đẻ. Lúc đó có nhiều đồi bỏ hoang, còn sau này tất cả đều được sử dụng để canh tác, hoạt động du lịch.
Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng một bãi đẻ từ 2015, nhưng đến nay chưa ghi nhận được rùa lên đó đẻ.
Việc xây dựng bãi đẻ chưa phát huy tác dụng, nhưng những bềnh cỏ các anh làm dường như đã có sức hút mạnh với rùa ở Đồng Mô?
- Trong quá trình quan sát, nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, mùa đông, thời tiết âm u, lạnh, rùa thường xuất hiện trên bãi bềnh cỏ. Chúng tôi đã làm 8 bềnh cỏ nổi để dẫn dụ rùa lên phơi nắng cũng là tạo nơi cá đẻ, làm giàu môi trường. Đến nay rùa đã xuất hiện 7/8 bềnh và thời gian xuất hiện lâu nhất là từ 10h đến 16h.
Với những cá thể rùa đã được phát hiện, anh có nghĩ rằng, một ngày nào đó rùa Hoàn Kiếm có thể trở lại hồ Hoàn Kiếm không?
- Đó là điều trăn trở, điều mong mỏi của tất cả những người làm bảo tồn rùa. Tất cả chúng tôi ăn chực nằm chờ cả chục năm trời để tìm kiếm một cá thể thì không phải chỉ nhằm chụp tấm ảnh mà mình chụp để biết nó còn đó rồi đem đến đâu đó nhân giống, bảo tồn giống như Campuchia đã làm được với loài rùa khổng lồ Pelochelyscantorii.
Họ đã làm rất tốt khi ghép để có trứng, tái thả về tự nhiên...
Anh có cho rằng sau khi cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm chết, sự quan tâm tới rùa Hoàn Kiếm không còn lớn như trước?
- Cá thể rùa hồ Hoàn Kiếm có giá trị đặc biệt vì liên quan đến tâm linh, truyền thuyết và được quan tâm không những chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới…
Nhưng tôi thấy rằng, càng ngày người ta càng quan tâm hơn tới rùa Hoàn Kiếm. Trước đây người ta quan tâm đến cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Hoàn Kiếm với tính chất tâm linh; còn ở thời điểm hiện tại mọi người quan tâm các nhà khoa học đã, đang làm gì và cố gắng đến đâu để phát hiện thêm những cá thể rùa khác để bảo tồn cho mai sau.
Ngày xưa người ta coi cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm là một vật chứng của truyền thuyết, còn bây giờ người ta muốn truyền thuyết đó mãi không chết.
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Nội dung:Cấn Cường - Nguyễn Sơn
Thiết kế:Đỗ Diệp
01/06/2023