Boeing 'chắp cánh' cho ngư lôi săn ngầm Mỹ

28/08/2023 22:12

Tập đoàn Boeing đã ký kết với Hải quân Mỹ hợp tác phát triển một bộ kit cho phép ngư lôi trở thành vũ khí lượn dẫn đường từ máy bay để tấn công mục tiêu tàu ngầm ở khoảng cách xa và từ độ cao lớn.

Bộ kit có tên Phụ kiện phóng trên không từ độ cao lớn dành cho vũ khí chống ngầm (HAAWC), được tích hợp vào ngư lôi Mk-54 trong khuôn khổ hợp đồng trị giá hơn 25 triệu USD giữa Boeing và Bộ tư lệnh đặc trách hệ thống khí tài hải quân (NSSC) thuộc Hải quân Mỹ.

Theo hình ảnh được công bố, HAAWC có phần cánh bay ban đầu được thiết kế cho tên lửa AGM-84H/K SLAM-ER và cụm đuôi được thiết kế cho bom thông minh JDAM, gồm một bộ dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng trang bị cho HAAWC hệ thống liên kết dữ liệu để cập nhật vị trí mục tiêu khi đang trong hành trình bay, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

HAAWC có phần cánh bay ban đầu được thiết kế cho tên lửa AGM-84H/K SLAM-ER. Ảnh: Defense Here

Sau khi được phóng ra, ngư lôi Mk-54 với HAAWC sẽ lướt đến khu vực có mục tiêu nhờ hệ thống GPS. Thậm chí, trong môi trường không có sóng GPS, ngư lôi vẫn có thể hoạt động bình thường bằng cách sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính.

Khi tới gần mặt nước, HAAWC tự động kích hoạt dù hãm tốc để làm giảm tốc độ rơi của ngư lôi, đồng thời khiến nó không bị phát nổ khi chạm mặt nước. Tiếp đó, ngư lôi sẽ tự động di chuyển và tìm kiếm mục tiêu tàu ngầm đối phương. Ngư lôi Mk-54 là sản phẩm của Tập đoàn Raytheon, thường trang bị trên máy bay tuần tra trên biển tầm xa và tác chiến chống ngầm P-8 Poseidon cũng như nhiều loại máy bay tác chiến chống ngầm của Hải quân Mỹ.


Boeing “chắp cánh” cho ngư lôi săn ngầm Mỹ. Nguồn: Haba Net

Mk-54 là sự kết hợp những ưu điểm của các loại ngư lôi cũ và các công nghệ mới, với phần đầu của ngư lôi này là từ ngư lôi Mk-50, bộ chiến đấu và phần thân sau là của ngư lôi Mk-46, trong khi van điều khiển biến tốc là của ngư lôi Mk-48. Ngư lôi Mk-54 chứa đầu đạn dẫn đường nặng khoảng 45kg, vận tốc hơn 70km/giờ, độ sâu hoạt động tối đa 365m.

Với việc “cõng” HAAWC trên lưng, Mk-54 là ngư lôi chống ngầm đầu tiên của Quân đội Mỹ được thả từ độ cao lớn (khoảng 9km, lướt trên không từ 7-10 phút), giúp máy bay không cần bay sát mặt nước để phóng vũ khí chống ngầm.

Xét về chiến thuật, HAAWC vừa giúp tăng hiệu quả của ngư lôi Mk-54, vừa giữ an toàn cho máy bay trước các biện pháp đối phó của đối phương (từ tàu ngầm, tàu mặt nước hoặc hệ thống phòng không bờ biển).

Các dòng ngư lôi nói chung chỉ có thể được biên chế trên các tàu ngầm hoặc tàu mặt nước. Kể cả khi ngư lôi được đưa lên máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng chống ngầm thì những máy bay này phải bay gần mặt nước thả ngư lôi từ độ cao không quá 30m. Điều đó có thể gây nguy hiểm cho chính máy bay bởi mặc dù tàu ngầm đang lặn dưới mặt nước nhưng vẫn có thể tấn công máy bay bay thấp bằng tên lửa hạm đối không tầm trung (SAM) trang bị trên tàu.

Giám đốc chương trình phát triển HAAWC của Hải quân Mỹ Dewayne Donley đánh giá: “HAAWC có tiềm năng lớn và mang lại tính linh hoạt cao hơn cho ngư lôi Mk-54. Giờ đây, vũ khí này có thể được triển khai ở độ cao lớn hơn và khoảng cách xa hơn đáng kể so với trước đây”. Trong khi đó, Naval News cho biết Phó chủ tịch phụ trách vũ khí của Boeing Bob Ciesla tin tưởng rằng HAAWC sẽ đưa năng lực chống ngầm của Hải quân Mỹ lên một tầm cao mới.

CHUNG ANH (theo Naval News)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Boeing 'chắp cánh' cho ngư lôi săn ngầm Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO