Bộ Y tế nêu 6 tỉnh có tỉ suất tử vong mẹ và bé cao nhất cả nước

Thùy Linh| 30/09/2023 16:05

Theo Bộ Y tế, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á - về tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam đang ở vị trí thứ 4.

Bộ Y tế nêu 6 tỉnh có tỉ suất tử vong mẹ và bé cao nhất cả nước
Bộ Y tế kêu gọi toàn dân quan tâm, chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ em. Ảnh: Bộ Y tế

Ngày 30.9, UBND tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế đã phát động tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 với chủ đề "Làm mẹ an toàn - Sức khoẻ cho mẹ, tương lai cho bé".

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đã hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong 20 năm qua (từ giai đoạn 2000-2001 đến 2021-2022).

Trong đó, tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,9‰) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm hơn 2 lần (từ 29,5‰ xuống còn 12,1‰).

Tuy nhiên, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á - về tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam đang ở vị trí thứ 4.

Việt Nam chúng ta hiện nay còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cao gấp 2 đến 3 lần so với vùng thành thị, đồng bằng...

Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Nông, Lào Cai vẫn có tỉ suất tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi cao nhất hiện nay, gấp 2-3 lần so với trung bình cả nước.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, nguyên nhân chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn hạn chế, gặp không ít khó khăn.

Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em; tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, đẻ tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế và yếu về năng lực chuyên môn.

Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế cùng các Bộ ban ngành có liên quan và các địa phương đã và đang thực hiện triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế 51 tỉnh/TP chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn tỉnh tổ chức tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 tại các địa phương theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1.10 đến ngày 7.10.2023 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Bộ Y tế, trong tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn.

100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương, ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã và ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã được cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế nêu 6 tỉnh có tỉ suất tử vong mẹ và bé cao nhất cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO