Bỏ xếp hạng trên bằng tốt nghiệp THCS, có gì đáng lo?

21/01/2024 13:29

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố bỏ xếp hạng (giỏi, khá, trung bình) trên bằng tốt nghiệp THCS và sẽ áp dụng chính thức kể từ 15/2. Việc này đang được nhiều học sinh, thầy cô và phụ huynh hoan nghênh. Nhưng đồng thời có một nhóm khác thì lại lo lắng là nếu bỏ xếp hạng thì các em mất động lực.

Thật ra trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ xếp hạng trên bằng tốt nghiệp THCS thì năm 2022, Bộ cũng ra quyết định bỏ xếp hạng trên bằng tốt nghiệp PTTH. Và mọi việc sau quyết định này vẫn xuôi chèo mát mái.

Bỏ xếp hạng trên bằng tốt nghiệp THCS, có gì đáng lo? - 1

Học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Cần thấy rằng những quyết định trên không phải mới mẻ gì. Các nước trên thế giới đã không sử dụng hình thức ghi xếp hạng trên bằng tốt nghiệp THCS và PTTH từ lâu.

Vì sao họ làm vậy? Nói nôm na thì họ không coi trọng việc ghi xếp hạng trên bằng, khi học sinh THCS hay PTTH nộp hồ sơ vào cấp học cao hơn (tức là PTTH hay đại học) thì các em sẽ phải nộp bảng điểm từ học bạ.

Bảng điểm này với các quốc gia phát triển mới là tài liệu quan trọng nhất chứ không phải là bằng. Bởi vì đó là tài liệu chứng thực cho năng lực học hành trong thực tế của học sinh. Bảng điểm rất cụ thể và chi tiết. Từ đó, nhà trường biết được học sinh học tốt và không tốt môn nào, tổng điểm trung bình môn là bao nhiêu, các nhận xét của từng thầy cô.

Nếu chỉ nộp bằng không đính kèm bảng điểm từ học bạ thì chỉ thấy cái ngọn mà không thấy gốc. Hơn nữa, ở các quốc gia phát triển, việc chuyển điểm số của học sinh từ trường đang học hoặc vừa tốt nghiệp tới bất cứ nơi nào khác là trách nhiệm của trường đó. Ví dụ một học sinh chuyển từ cấp học thấp lên cấp học cao hơn, hay tốt nghiệp đi xin việc làm, thì nhà trường nơi các em vừa học xong sẽ chuyển hồ sơ của các em đi chứ không phải học sinh hay phụ huynh tự mang đi nộp như ở ta.

Vì sao họ làm vậy? Là vì họ quy trách nhiệm đảm bảo điểm số trung thực cho một tổ chức cụ thể, qua đó cũng tránh trường hợp học sinh mang hồ sơ ra ngoài rồi chỉnh sửa, làm giả.

Việc cấp bằng tốt nghiệp THCS hay PTTH không cần có xếp hạng sẽ giảm tốn kém về thời gian, công sức do phải rà danh sách, xác nhận trên danh sách và ghi rõ từng loại vào phôi bằng. Không có mục xếp hạng nên từ nay trở đi bằng tốt nghiệp chỉ ghi họ tên học sinh, trường đã học và công nhận đã tốt nghiệp là xong. Các vấn đề khác sẽ căn cứ vào học bạ có bảng điểm.

Như đã nêu ở trên, trong học bạ ghi chi tiết kết quả học tập theo từng năm, từng môn, nên học sinh vẫn phải nỗ lực học tập chứ không phải vì không ghi xếp hạng trên bằng mà khiến các em mất động lực.

Một điểm mới của quy định cấp bằng tốt nghiệp THCS lần này là cho phép các trường thay vì chỉ được xét cấp bằng mỗi năm một lần, nay có thể cấp tối đa 2 lần một năm. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, vì phần lớn học sinh tốt nghiệp cùng một dịp trong năm, tuy nhiên vẫn có những em vì lý do bất khả kháng không thể tốt nghiệp đúng hạn. Cấp bằng 2 lần trong năm giúp các em này có thể học tiếp và chuẩn bị đủ điều kiện để được cấp bằng tốt nghiệp sau vài tháng, không bỏ lỡ việc học lên PTTH hay đi học trường nghề trong năm đó.

Những quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đi theo thông lệ quốc tế, đáng được ủng hộ. Mong rằng các nhà quản lý giáo dục ngày càng có những cải tiến như vậy để giảm thiểu những việc hành chính phiền phức, mang tính hình thức cho thầy cô và học sinh.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bỏ xếp hạng trên bằng tốt nghiệp THCS, có gì đáng lo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO