Bộ trưởng Nội vụ: 'Tập trung tổng lực' cho việc sáp nhập huyện, xã

Phùng Minh| 07/07/2023 20:43

Từ nay đến 2025, có 33 huyện và hơn 1.300 xã thuộc diện phải sáp nhập. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà quán triệt việc này cần thực hiện thận trọng, chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội.

Tại hội nghị với các địa phương ngày 7/7, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong những tháng cuối năm.

"Đất nước càng khó khăn, thách thức đối với ngành nội vụ càng lớn, áp lực càng cao", Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ.

Một nhiệm vụ khó được lưu ý, theo Bộ trưởng, là việc ban hành Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục đích chung và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Bộ trưởng Nội vụ: Tập trung tổng lực cho việc sáp nhập huyện, xã - 1

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Anh Cao).

Bên cạnh đó, bà Trà cho biết ngành Nội vụ cần "tập trung tổng lực" cho việc quán triệt và tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Tinh thần được nữ Bộ trưởng nhấn mạnh là thận trọng, chắc chắn, khoa học nhưng hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội.

Người đứng đầu ngành Nội vụ nhấn mạnh cần tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bởi đây là vấn đề nóng bỏng và cấp thiết.

"Yêu cầu bảo đảm đến năm 2026 hoàn thành giảm 5% biên chế công chức, giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước", Bộ trưởng nêu mục tiêu.

Trước thực trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai và cán bộ bỏ việc, thôi việc, bà Trà nhấn mạnh cần có những giải pháp kịp thời, phù hợp.

"Với tâm huyết, trách nhiệm và quyết tâm cao, đồng sức, đồng lòng, nhất định ngành nội vụ sẽ hoàn xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo", Bộ trưởng Nội vụ tin tưởng.

Khái quát nhiều kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, Bộ trưởng Nội vụ cho biết Bộ đã đề xuất điều chỉnh tăng 20,8% mức lương cơ sở; giải quyết bài toán về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố...

Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống. Đến nay đã đồng bộ được gần 1,98 triệu/hơn 2 triệu hồ sơ (đạt trên 96%).

Dù vậy, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận công tác xây dựng thể chế, chính sách có nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành và thực tiễn đặt ra.

Nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ hơn, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm.

Ngoài ra, theo bà Trà, việc tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn khó khăn, hạn chế và có mặt lúng túng.

33 huyện, hơn 1.300 xã thuộc diện sáp nhập đến 2025

Theo báo cáo của 63 địa phương, giai đoạn 2023-2025 sẽ sáp nhập 33 huyện và hơn 1.300 xã thuộc diện "bắt buộc sắp xếp", chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 vừa được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ ký, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nội vụ: 'Tập trung tổng lực' cho việc sáp nhập huyện, xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO