Ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, cho biết, các đoạn đường Vành đai 3 TPHCM đi qua Bình Dương gồm TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An. Các địa phương trên đang nỗ lực chi tiền bồi thường, hỗ trợ và nhận bàn giao mặt bằng từ người dân.
Nhiều cơ quan liên quan đang nỗ lực, phấn đấu khởi công dự án trong tháng 6. Trong đó, những đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng sẽ khởi công trước như khu vực nút giao Bình Chuẩn, cầu Bình Gởi.
Vành đai 3 TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài 26,06 km. Tổng diện tích các địa phương phải bàn giao cho dự án Vành đai 3 TPHCM là 85,8ha với số tiền bồi thường khoảng 13.000 tỷ đồng.
Có hơn 1.500 trường hợp bị ảnh hưởng, dự kiến bố trí 518 trường hợp tái định cư.
Trong đó, TP Thủ Dầu Một, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 12,6ha, kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.660 tỷ đồng, với 235 trường hợp bị ảnh hưởng, dự kiến bố trí 8 trường hợp tại khu tái định cư Phú Hòa và Phú Mỹ.
TP Thuận An có diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 51ha, kinh phí giải phóng mặt bằng gần 5.000 tỷ đồng, với 764 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 205 trường hợp tái định cư, dự kiến bố trí tại khu tái định cư Lái Thiêu, An Thạnh và khoảng 30 nền còn thiếu.
UBND TP Thuận An đã thống nhất với UBND TP Thủ Dầu Một bố trí tại khu tái định cư Phú Hòa và Phú Mỹ (TP Thủ Dầu Một).
TP Dĩ An có diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 22,2ha, kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 6.400 tỷ đồng, với 504 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 305 trường hợp tái định cư. Hội đồng bồi thường dự kiến bố trí 284 nền tái định cư tại 6 khu tái định cư trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, 198 nền tại hạ tầng đất công phường Đông Hòa, 24 nền ở khu mì Hòa Hợp, 14 nền ở khu tái định cư Đồng Chàm, 6 nền ở khu trung tâm hành chính phường Bình Thắng, 2 nền ở khu tái định cư Tân Hào 2, 24 nền xây dựng khu tái định cư Tân Đông Hiệp và giải tỏa đền bù xây dựng trường THCS Đông Chiêu là 18 nền.