Chủ cửa hàng là chị Lê Thị Quỳnh Nha (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) những tưởng gọi điện thoại để mắng cô bé vì sao đặt hàng mà không nhận, đến khi nghe cô bé phân trần, biết được hoàn cảnh đáng thương của cháu Ca đã không giấu được xúc động mà bật khóc.
Cô bé kể qua điện thoại với chủ cửa hàng: Trong khi mẹ mắc bệnh phải nằm viện, mưa liên tục, quần áo giặt không kịp khô, Ca lên mạng đặt mua đồ cho mẹ. Nhặt từng vỏ lon, ve chai trong 3 ngày nhưng cô bé chỉ bán được vỏn vẹn 30.000 đồng, số tiền này không đủ để mua một bộ quần áo giá 90.000 đồng cho người mẹ đang bị bệnh, bất đắc dĩ cô bé mới không nhận hàng khi được giao tới.
Ngay sau đó, chị Nha lập tức gọi điện cho người giao hàng nhờ gửi tặng Ca bộ đồ đã đặt mua cho mẹ, còn mượn của anh này một triệu đồng để tặng cô bé. Người chủ cửa hàng còn đến tận nhà bé Ca, biết mẹ cô bé mắc chứng bệnh lạ, nếu không có thuốc thì máu sẽ chảy ra khắp người, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chị gửi tặng thêm 2 triệu đồng để ủng hộ gia đình.
Một câu chuyện ấm áp và đẹp đẽ vô cùng giữa những ngày mùa đông đang chuyển lạnh! Chúng ta được chứng kiến cách xử sự đầy tính nhân văn trong một tình huống xảy ra rất đỗi gần gũi giữa đời thường.
Trong thời đại mà mỗi ngày lên mạng là vô số tin tức tiêu cực lan truyền, mỗi lần nhắc máy hay đọc tin nhắn lại bắt gặp đầy rẫy các "bẫy" lừa đảo… tôi nghĩ chẳng phải riêng tôi mà rất nhiều người cũng hình thành phản xạ "tự vệ".
Ví như khi gặp những người tàn tật ăn xin bên vệ đường hay những đứa trẻ lang thang xin tiền nơi quán xá, ta vừa mủi lòng thương cảm thì lại chứng kiến đằng sau họ là những kẻ chăn dắt. Họ bị lợi dụng, còn ta cũng bị lừa gạt.
Đến ngay cả những hoạt động từ thiện trên mạng xã hội, cứ ngỡ tốt đẹp biết bao nhiêu, lại vẫn có thể là giả mạo để trục lợi trên lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm. Lực lượng công an thời gian vừa qua liên tục triệt phá những vụ viết bài kêu gọi quyên góp từ thiện giúp đỡ các trường hợp khó khăn, xây chùa, các công trình phúc lợi… rồi chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ hàng nghìn cá nhân trên cả nước.
Rồi khi ta chứng kiến đâu đó những chuyện không hay, nào tranh chấp lợi ích trong gia đình đến nỗi đi ngược luân thường đạo lý, nào là chiếm đoạt tài sản ngoài xã hội, ta sẽ dễ mà "quy nạp" về tính phức tạp có xu hướng tiêu cực về đời sống xung quanh, ta hoài nghi về mọi thứ:
-"Liệu rằng những lời giải thích, trình bày mà chúng ta nghe có thật hay không?".
-"Điều ta nghe, những gì ta thấy là thật hay chỉ là một vở kịch? Người kia trung thực hay chỉ là đang diễn?"
Sự hoài nghi lặp đi lặp lại rất dễ khiến con người ta vào lúc này lúc khác có thể tỏ ra lãnh đạm, vô cảm. Như cố nhà văn Nam Cao đã từng viết: "Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương."
Thế nên, việc người chủ cửa hàng ở câu chuyện trên dù trong tình huống bực mình vì bị "bom" hàng lại vẫn dành thời gian để lắng nghe cô bé Ca kể về hoàn cảnh gia đình, nhận ra được sự chân thật trong mỗi lời nói của bé, ấy đã là điều đáng quý.
Thời điểm ta lắng lòng mình lại để cảm thông cho người khác chính là khi ta đã sống vị tha và biết thương yêu.
Em bé Ca hiếu thảo, chị chủ cửa hàng Quỳnh Nha tốt bụng - họ không phải là những anh hùng hay nhân vật hư cấu trong các bộ phim mang tính chất chữa lành - họ là những con người bình thường bằng xương bằng thịt, và câu chuyện của họ bởi vậy gợi lên những cảm xúc mãnh liệt về tình người, truyền thêm niềm tin vào con người và cuộc sống.
Chúng ta cũng nhận ra, không chỉ bản thân mình phải đối mặt với những khó khăn, thử thách mà ngoài kia còn bao mảnh đời, bao hoàn cảnh bất hạnh. Hóa ra, 90.000 đồng có lúc lại có giá trị lớn lao đến như vậy, đến mức gấp 3 lần số tiền nhặt phế liệu suốt 3 ngày của một bé gái. 90.000 đồng vẫn là quá sức, vượt xa tầm với đối với một số người…
Dẫu vậy, cái nghèo, cái khó không làm hoen mờ tình cảm trong sáng, sự yêu thương chân thành của cô bé đang học lớp 9 đối với mẹ. Vật chất không bao giờ có thể là lý do để sống thiếu trách nhiệm, thiếu sự tử tế, thiếu nhân văn! Hoàn cảnh cùng cực không thể khiến con người ta đánh mất đi những điều tốt đẹp nhất, là tình yêu, là lòng hiếu thảo, không thể ngăn bất cứ ai "sống tốt" và ngay thẳng nếu họ muốn!
Đồng thời, mỗi chúng ta thấy được bản thân mình và những giá trị mà bản thân muốn hướng tới khi nhìn vào nghĩa cử của chị Quỳnh Nha. Rõ ràng ai cũng phải vất vả với bộn bề những mối lo toan trong cuộc sống. Người bán hàng dĩ nhiên lấy doanh số, lợi nhuận làm mục tiêu nhưng đó không phải là tất cả. Giá trị của 1 bộ quần áo lớn hơn gấp nhiều lần mức giá 90.000 đồng khi được trao đúng người cần kíp. Sự giúp đỡ đúng lúc, đúng nơi chẳng những quý giá với gia đình bé Ca mà còn có giá trị lan tỏa trong xã hội, cũng là động lực để chính chị Quỳnh Nha và chúng ta sống đẹp hơn mỗi ngày.
Tôi nhìn thấy những nghĩa cử âm thầm, đẹp đẽ như chị Nha ở những người bình thường khác: Là những người lao động đều đặn hàng tháng trích 50.000 đến vài trăm nghìn đồng trao gửi cho các hoàn cảnh nhân ái qua báo Dân trí; là những tấm áo ấm, những bữa cơm, những hộp sữa được chia sẻ từ miền xuôi lên miền ngược; là tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn ở mỗi khu phố, xóm làng…
Dĩ nhiên, tôi cũng kỳ vọng các cơ quan hữu quan sẽ tích cực hơn nữa để đấu tranh loại bỏ những điều xấu xa, lọc lừa; sẽ có nhiều hơn nữa sự chung tay, góp sức của các tổ chức lớn để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, để mọi cá nhân, gia đình đều có thể đi lên, theo kịp sự phát triển của xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tình người vẫn hiện hữu, thường trực, dẫu có thể là âm thầm nhưng bền bỉ. Cuộc sống vẫn luôn chứa đựng những điều đẹp đẽ, tựa như cây táo vẫn nở hoa…
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.