Nhìn con trai đẩy chiếc máy đi từng đường cày gọn gàng trên mảnh vườn trước nhà, ông Mai Văn Lâm, 60 tuổi, ở thôn Lục Hải, xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa nở nụ cười mãn nguyện: "Từ khi đi chấp hành án về, nó ngoan hẳn, không còn lêu lổng, chơi bời, mà tu chí làm ăn. Người làm cha, làm mẹ như chúng tôi cảm thấy hạnh phúc".
Để dạy dỗ cậu con trai nghịch ngợm, ham chơi trưởng thành như ngày hôm nay, theo ông Lâm, gia đình đã phải chấp nhận đánh đổi, "nuốt nước mắt vào trong" nhìn con vào trại giam chấp hành án phạt tù.
Năm 2018, Mai Văn Long (23 tuổi) tốt nghiệp THPT, sau đó học tiếng rồi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Thời gian đầu ở xứ người, chàng trai chăm chỉ làm việc, dành dụm gửi về cho gia đình 25-30 triệu đồng/tháng. Một thời gian sau, Long gây gổ, đánh nhau, buộc phải về nước sớm hơn dự định.
Năm 2021, khi đang làm công nhân giày da, Long theo bạn bè tụ tập đánh bạc. Hết tiền, chiếc xe máy được mua bằng tiền đi làm ở nước ngoài cũng bị Long mang đi cầm cố tại một cơ sở cầm đồ ở huyện Hà Trung.
Càng đánh càng thua, Long đến cơ sở cầm đồ nói muốn chuộc lại tài sản, rồi cướp xe tháo chạy, mang đi cầm cố ở một cơ sở khác.
Không có tiền trả nợ, 2 chủ cơ sở cầm đồ khởi kiện. Lúc này, bên bị hại yêu cầu Long trả số tiền 50 triệu đồng.
"Họ nói chỉ cần trả đủ tiền Long đã "mượn" sẽ rút đơn kiện. Dù có thể lo đủ tiền, giúp con thoát tội nhưng gia đình tôi thống nhất hoãn trả nợ. Chấp nhận con bị bắt giam, cải tạo với suy nghĩ bố mẹ không dạy được thì nhờ luật pháp trừng trị", ông Lâm tâm sự.
Tháng 4/2021, Long bị Công an huyện Hà Trung bắt giữ. Tòa án nhân dân huyện Hà Trung đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Long 18 tháng tù giam vì tội Trộm cắp tài sản.
Theo ông Lâm, dù chuẩn bị tâm thế cho con đi cải tạo và luôn dặn lòng đây là khung hình phạt nghiêm khắc giúp con trưởng thành, sống có ích, nhưng sâu thẳm trong tâm can là sự đau đớn tột cùng. Nhiều đêm, vợ chồng ông không ngủ, thức trắng vì thương, lo cho con.
Cuối năm 2021, sau một thời gian chấp hành án và có ý thức lao động, cải tạo tốt, Long được ân xá trước thời hạn.
"Hôm đoàn tụ cả gia đình ôm nhau khóc. Con nói, xin lỗi cả nhà và hứa từ nay sẽ thay đổi, tu chí làm ăn", ông Lâm kể.
"Phá tiền trăm, bạc triệu, giờ em nhặt từng đồng tiền lẻ, làm lại cuộc đời từ nấu rượu, nuôi lợn, nuôi gà và trồng rau", Mai Văn Long, vừa nhổ rau, vừa tâm sự.
Long cho biết, với 2.000m2 đất, gia đình trồng gối vụ, mùa nào rau nấy nên ngày nào cũng có hàng đi chợ. Cứ 4-5h dậy ra vườn thu hoạch, đi chợ nhập hàng, mang "tiền tươi, thóc thật" về đều đều.
Ngoài trồng rau, Long còn chăn nuôi gà, lợn. Đàn lợn của chàng trai trẻ lúc đông nhất là 50 con, đàn gà lên đến cả trăm con. Vì nuôi bằng bã nấu rượu, rau, củ và cám gạo nên lợn, gà lớn nhanh, được thương lái ưa chuộng, tìm mua.
Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí sản xuất, chăn nuôi, Long thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Theo Long, những năm trước chàng trai chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ khởi nghiệp, làm lại cuộc đời với trồng trọt, chăn nuôi vì thấy làm nông thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên những tháng ngày trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình sau song sắt đã giúp chàng trai trẻ nghiệm ra nhiều điều.
Nhớ lại những ngày đầu vào trại giam, Long suy sụp, người gầy sọp, buồn, hối hận về hành vi của mình. Đêm đến nghĩ về bố mẹ, chàng trai bi quan, chán nản. Nhờ sự quan tâm của cán bộ quản giáo, sự động viên của gia đình, Long đã cố gắng cải tạo tốt.
Trở về trong sự yêu thương, đùm bọc của những người thân, Long dần mở lòng và quyết tâm làm lại cuộc đời.
Mới đây khi Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nga Sơn có chương trình cho vay vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, ông Lâm đứng ra bảo lãnh vay 100 triệu đồng cho con trai phát triển kinh tế.
Có thêm vốn, Long đầu tư, mở rộng chuồng trại, mua con giống, phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga Giáp, cho biết, từ khi đoàn tụ với gia đình, em Mai Văn Long chịu khó làm ăn, không còn tụ tập chơi bời. Mô hình trồng trọt, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà của Long rất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình.
Theo ông Dũng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội dành cho người sau chấp hành án phạt tù là cơ hội để mở ra một cuộc đời mới cho những người từng "lầm đường lạc lối", giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Nội dung: Hạnh Linh
Thiết kế: Minh Ngọc