Bộ Công an sẽ điều tra những gì ở giai đoạn 2 vụ chuyến bay giải cứu

08/04/2023 19:33

Ngoài tiếp tục làm rõ hàng loạt lời khai về việc đưa tiền cho nhiều cá nhân, Cơ quan ANĐT còn chuyển hồ sơ điều tra hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng.

Trong kết luận điều tra vụ chuyến bay giải cứu, Cơ quan ANĐT đề nghị truy tố 54 bị can về 5 tội danh. Ngoài ra, CQĐT cho biết sẽ tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý nhiều tình tiết liên quan đến các cá nhân ở giai đoạn sau của vụ án.

Nhiều lời khai đưa, nhận tiền chưa làm rõ

Tại Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Quang Linh (nguyên Trợ lý Phó thủ tướng) bị cáo buộc tội danh Nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng. Ông Linh còn nói về việc trong số tiền nhận hối lộ, bị can đã đưa một phần cho người khác. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ở giai đoạn sau.

Các bị can Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Quan hệ quốc tế thuộc VPCP) và Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên vụ này) bị cáo buộc nhận hối lộ tổng số tiền 3,46 tỷ đồng10.000 USD. Ông Thân còn chủ động khai đã nhận tiền của một số doanh nghiệp khác. Lời khai này được CQĐT tiếp tục làm rõ.

Chuyen bay giai cuu anh 1
Hai cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng (trái) và Vũ Hồng Nam.

Tại Bộ Ngoại giao, 2 cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng, Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) và 7 cựu cán bộ khác bị cáo buộc nhận hối lộ tổng số tiền hơn 44 tỷ đồng và trên 900.000 USD. Còn cựu Đại sứ tại Malaysia Trần Việt Thái và 3 cán bộ đơn vị này thu tiền của công dân qua tài khoản cá nhân, không qua tài khoản Đại sứ quán, gây thiệt hại 11,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số bị can thuộc Bộ Ngoại giao khai nhiều cán bộ khác của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đều nhận được tiền bồi dưỡng. Việc này cũng được CQĐT tiếp tục làm rõ.

Với Bộ Y tế, bị can Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên thuộc Cục Y tế dự phòng) bị xác định tội danh Môi giới hối lộ trên 3,3 tỷ đồng. Ông Hoàng khai còn đưa 650 triệu đồng cho bà Lê Thị Phượng (phó phòng thuộc UBND tỉnh Hải Dương). CQĐT chưa có đủ căn cứ xác định bà này có hay không nhận tiền từ Hoàng, nên tiếp tục điều tra.

Ở Bộ Giao thông vận tải, bị can Vũ Hồng Quang (cựu Phó phòng Vận tải thuộc Cục Hàng không Việt Nam) nhận hối lộ hơn 1,9 tỷ đồng của 2 doanh nghiệp. Bị can hưởng lợi hơn 1,7 tỷ và đưa hơn 240 triệu đồng cho cấp dưới. Lời khai này sẽ được CQĐT làm rõ.

Tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, bị can Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Phòng tham mưu) nhận hơn 4,5 tỷ đồng từ bị can Trần Thị Hà Liên. Sau đó, Cường đưa cho bị can Lê Thị Ngọc Anh 1,2 tỷ để xin cấp phép 4 chuyến bay cho Công ty Skyone. Liên đang bỏ trốn nên ngày 31/3, Cơ quan ANĐT tách vụ án hình sự để tiếp tục làm rõ.

Ở tỉnh Quảng Nam, ngoài bị can Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh) bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ đồng, CQĐT tiếp tục làm rõ việc một số cá nhân khác đã nhận tiền của bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Bầu trời xanh).

Bên cạnh những cá nhân có lời khai nêu trên, 7 bị can là đại diện các doanh nghiệp hoặc người trung gian còn trình bày đã đưa tiền cho nhiều cá nhân khác. Cơ quan ANĐT khẳng định sẽ điều tra để xử lý ở giai đoạn sau.

Có dấu hiệu nhận hối lộ ở Bộ Quốc phòng

CQĐT cũng xác định nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc một số cơ quan, đơn vị và UBND có hành vi liên quan. Trong số này có ông Đinh Quốc Hùng (Phó chánh văn phòng UBND TP Hà Nội).

Theo lời khai của Lê Thị Ngọc Anh (nhân viên thuộc Ban Đối ngoại Trung ương), bị can nhờ ông Hùng phát hành sớm công văn chủ trương cách ly cho Công ty Á Châu. Sau đó, Ngọc Anh cám ơn ông này và ông Lê Hải An (Phó phòng thuộc UBND Hà Nội) mỗi người 5 triệu đồng. CQĐT đánh giá việc đưa và nhận số tiền này không cấu thành tội phạm.

Chuyen bay giai cuu anh 2
Một khách sạn ở Quảng Nam được chọn để cách ly phòng dịch. Ảnh: @y_dam.

Ông Lê Quang Long (Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt, Đức) và một số cựu cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Đức và Nga cũng bị cáo buộc nhận tổng số tiền hơn 350 triệu đồng từ bị can Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty công đoàn Đường sắt). Kết quả điều tra cho thấy Hiệp đưa tiền để họ mua xì gà, chúc mừng ĐSQ dịp 2/9 và trả phí quảng cáo trên báo Nga, nên không xử lý hình sự.

Tương tự, ông Đinh Văn Đông (Tổng lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg, Nga) bị cáo buộc cuối năm 2021, đã liên hệ và mua của Công ty Thuận An 25 vé máy bay trên chuyến bay combo rồi bán lại cho bị can Đào Thị Chung Thúy. Ông Đông hưởng chênh lệch 105 triệu đồng. CQĐT xác định đây là giao dịch dân sự.

Còn nguyên Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Lê Dũng giới thiệu bị can Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G Việt Nam 19) với bị can Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) và chuyển giúp túi quà của Hạnh cho bị can Dũng và bị can Đỗ Hoàng Tùng. Ông Lê Dũng không biết thỏa thuận giữa các bị can, không biết trong túi có gì và mục đích đưa quà, nên không cấu thành tội phạm.

Ngoài ra, ông Đinh Văn Tuấn (Tổng giám đốc Công ty Pacific Airlines) được CQĐT xác định đã gửi quà 10 triệu đồng cho bị can Đỗ Hoàng Tùng và quà 40 triệu đồng chúc mừng Cục Lãnh sự nhân kỷ niệm 75 năm thành lập qua bị can Lưu Tuấn Dũng. Ông Hiếu (cán bộ Pacific Airlines) cũng gửi quà 10 triệu đồng chúc tết Cục này qua bị can Lưu Tuấn Dũng. Việc làm này của ông Tuấn và ông Hiếu không liên quan đến hành vi xin cấp phép chuyến bay, nên không cấu thành tội phạm.

Đối với hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng, CQĐT Bộ Công an đã ra quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan, chuyển hồ sơ đến CQĐT Hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công an sẽ điều tra những gì ở giai đoạn 2 vụ chuyến bay giải cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO