Ngày 11/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Thanh Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận, cho biết đơn vị đang soạn thảo quy trình để trình UBND tỉnh, tìm đơn vị tư vấn mới để cập nhật các nội dung cần bổ sung trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Ngoài ra, đơn vị cũng đang trình UBND tỉnh các thủ tục, quy định, hồ sơ để chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn ĐTM dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Nguyên nhân chấm dứt hợp đồng do Quốc hội có nghị quyết điều chỉnh (mới nhất tháng 6) nên các báo cáo ĐTM trước đây không còn phù hợp, phải cập nhật và làm lại.
"Sau khi Quốc hội thông qua thay đổi chủ trương đầu tư tháng 6 vừa qua, làm thay đổi một số vấn đề nên chúng tôi phải thay đổi, bổ sung thêm hồ sơ báo cáo ĐTM để đúng quy định.
Đặc biệt thêm hai vấn đề cần giải quyết, phối hợp các chuyên gia để bổ sung tài liệu quan trọng vào hồ sơ ĐTM. Đó là mô hình sự cố vỡ đập và mô hình tác động rừng bảo tồn đánh giá bổ sung lập mô hình đa dạng sinh học", ông Nguyễn Sỹ Đông, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết.
Vì bổ sung hồ sơ, chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn đúng chuyên ngành (về đa dạng sinh học) mới thực hiện được nội dung bổ sung. Trong khi đơn vị tư vấn cũ không đủ chức năng để thực hiện các nội dung trên.
Theo ông Phan Thanh Hoàng, UBND tỉnh Bình Thuận đang xem xét chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn cũ nên chưa tìm được đơn vị tư vấn mới để cập nhật các nội dung cần bổ sung trong ĐTM của dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Đầu tháng 10, đánh giá công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, Chính phủ cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được báo cáo này. Bộ sẽ xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong quá trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận sẽ trình cấp thẩm quyền xin chủ trương lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực tiếp tục thực hiện các công việc liên quan để hoàn thiện báo cáo này.
Nêu khó khăn, vướng mắc trong việc này, Chính phủ giải thích tỉnh Bình Thuận đã thực hiện xong hồ sơ báo cáo ĐTM vào tháng 9/2020.
Tuy nhiên, do dự án phải trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM.
Bên cạnh đó, theo quy định mới ban hành năm 2022, sau khi dự án được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư, phải tiến hành lập lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường theo biểu mẫu mới.
Trong đó phải bổ sung thêm tài liệu mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học do dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn. Việc này đã làm ảnh hưởng đến thời gian phê duyệt báo cáo ĐTM và thời gian quyết định đầu tư dự án.
Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Thuận khẩn trương hoàn thành báo cáo ĐTM trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Trong đó cần rà soát, đánh giá khách quan những vấn đề mà dư luận xã hội còn băn khoăn.