Tác giả Jason Uen (trái) và Luis F. Rodriguez tiến hành một nghiên cứu có hệ thống về tính khả thi của việc sản xuất năng lượng sinh học từ rác thải thực phẩm ở Illinois. (Nguồn: Đại học Illinois Urbana-Champaign)
Quá trình chuyển đổi rác thải thực phẩm thành năng lượng sinh học có thể trở thành ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận trong tương lai.
Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại Đại học Illinois Urbana-Champaign của Mỹ.
Các nhà khoa học tại Đại học Illinois Urbana-Champaign đã nghiên cứu tính khả thi của hoạt động sản xuất năng lượng từ rác thải thực phẩm tại bang Illinois.
Thông qua phân tích toàn diện hệ thống logistics chuỗi cung ứng, các nhà khoa học sẽ quyết định xem hệ thống chuyển thức ăn thừa thành năng lượng và các sản phẩm sinh học khác có mang lại lợi nhuận hay không.
Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Cleaner Production cho thấy việc lắp đặt hệ thống xử lý kỵ khí tại các nhà máy xử lý nước thải (với tổng công suất hằng năm lên tới 9,3 triệu tấn) có thể tạo ra 8,3% lợi tức đầu tư, đồng thời giảm khoảng 1 triệu tấn CO2/năm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính rác thực phẩm chiếm tới 30-40% nguồn cung thực phẩm tại Mỹ. Tác giả chính của nghiên cứu, nghiên cứu sinh Jason Uen của Đại học Illinois Urbana-Champaign nhấn mạnh Mỹ hiện có lượng lớn chất thải hữu cơ, đa số được đem tới bãi chôn lấp và sản sinh ra khí nhà kính.
Tuy nhiên, công nghệ sinh học kỵ khí sẽ hỗ trợ chuyển đổi rác thải thành năng lượng tái tạo, giải quyết lượng thức ăn dư thừa, đóng góp vào quá trình sản xuất năng lượng bền vững./.