Bí mật trong nhà thờ cổ nhất xứ 'hoa vàng, cỏ xanh'

19/07/2023 07:00

Được xây dựng năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ nhất Phú Yên. Không chỉ gây ấn tượng với kiến trúc cổ xưa, nơi đây còn lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Vị linh mục đưa tôi vào bên trong hang động trước nhà thờ. Qua nhiều ngõ ngách, đến trước chiếc tủ nhỏ bằng kính sáng trưng đèn điện, ông rút chìa khóa mở tủ. Cuốn sách bên trong được lấy ra. Ông lật từng trang, diễn giải...

Phép giảng tám ngày

Ông là linh mục Trương Minh Thái, chánh xứ giáo xứ Mằng Lăng (xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên). Ngôi nhà thờ Mằng Lăng cổ kính trang nghiêm cũng là nơi lưu giữ cuốn sách quí giá này.

Đường vào nhà thờ Mằng Lăng. Nhà thờ cách quốc lộ 1A chỉ 2km.

Chúng tôi đến thăm nhà thờ vào một buổi chiều mưa lất phất bay. Linh mục Thái niềm nở đón tiếp chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi tham quan.

Cánh cửa tủ được mở. Bên trong còn một chiếc hộp. Mở chiếc hộp kính này, linh mục Thái rất cẩn thận và trịnh trọng đưa sách ra ngoài. Cuốn sách được đặt trên mặt kính.

Bìa bọc vải khó thấy rõ chữ. Lật vào bên trong, ngay trang đầu tiên có dòng chữ "Cathechismvs pro ijs, qui volunt suscipere baptismvm in octo dies diuisus" bằng tiếng La tinh.

Linh mục Thái chỉ cho chúng tôi xem dòng chữ ghi tên tác giả là Alexandre de Rhodes (tức Đắc Lộ). Cuốn sách được in tại Roma năm 1651, được tòa thánh Vatican cho phép in và phát hành. Đây là cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên với 319 trang, mỗi trang in thành 2 cột.

Toàn cảnh nhà thờ Mằng Lăng.

Dưới đó, dòng chữ tiếng Việt vào thời kỳ sơ khai: "Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chiụ phép rứa tọi, ma beào đạo thánh Đức Chúa Blời", có nghĩa là: "Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà theo đạo thánh Đức Chúa Trời".

Bên trái bằng tiếng La tinh và bên phải tiếng Việt. Sách do thánh bộ Truyền bá đức tin tài trợ và chủ trì việc in ấn. Để chứng minh đây là ấn bản chính thức còn lưu lại, linh mục Thái đưa cuốn sách lên cao, lật một trang áp sát ánh đèn, dấu vân riêng hiện ra giống như trên tờ giấy bạc.

Trang đầu ghi tên tác giả là Alexandre de Rhodes (tức Đắc Lộ). Cuốn sách được in tại Roma năm 1651 (trong vòng tròn).

Cùng tác giả với Phép giảng tám ngày, cuốn tự điển Việt - Bồ - La cũng được xuất bản và phát hành trong cùng thời điểm. Hiện nay, bản chính của cuốn tự điển này không tìm thấy mà chỉ có bản in lại.

Trang cuối.

Linh mục Alexandre de Rhodes (1591- 1660, người Pháp) là một nhà truyền giáo dòng Tên. Ông còn là một nhà ngôn ngữ học. Nhờ vào việc phổ biến Kitô giáo tại Việt Nam, ông đã hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng cách hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh.

Cũng chính những dòng chữ này được phổ biến rộng rãi, được cải tiến nhiều để đến hôm nay trở thành chữ quốc ngữ chính thức của dân tộc Việt Nam.

Đối với công cuộc khai sinh và truyền bá chữ quốc ngữ của giáo sĩ Đắc Lộ, nguyệt san Missi do các linh mục dòng Tên chủ trương đã khẳng định: "Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ".

Nhà thờ Mằng Lăng

Nhà thờ Mằng Lăng được linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân) khởi công xây dựng vào năm 1892. Ông là linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này.

Linh mục Trương Minh Thái, chánh xứ giáo xứ Mằng Lăng bên cuốn "Phép giảng 8 ngày".

Tương truyền, nhà thờ được xây dựng trên vùng đất có nhiều cây mằng lăng. Mằng lăng là một loại danh mộc dùng trong xây dựng. Trong số những cây mằng lăng bị đốn hạ khi xây dựng nhà thờ, một cây có đường kính rất lớn được tận dụng để làm 4 chiếc bàn tròn. Một chiếc hiện còn lưu giữ tại nhà thờ.

Nằm trong khuôn viên rộng hơn 5.000 m2, nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng theo kiến trúc Gothic vốn hưng thịnh ở châu Âu trong suốt thế kỷ 19. Bên trong thánh đường có những họa tiết hoa văn mang đậm nét phương đông.

Chiếc bàn làm từ gỗ mằng lăng.

Có thể gọi đây là sự giao thoa văn hóa đông tây rõ nét nhất. Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá. Bao bọc mặt tiền nhà thờ là những lối vào hình mái vòm. Trần nhà được làm bằng gỗ, không có kiểu mái vòm đặc trưng.

Bên trong thánh đường với những họa tiết hoa văn mang đậm nét phương đông.

Không chỉ mang nét kiến trúc Gothic xuất xứ Châu Âu, nhà thờ Mằng Lăng vẫn có những nét Việt Nam. Đó chính là những họa tiết chạm trổ tinh xảo, toát lên một chất mộc mạc rất Việt Nam  trên những cánh cửa chính bằng gỗ. 

Chúng tôi bước vào bên trong. Thánh đường rất trang nghiêm. Ở giữa là lối đi. Hai bên hai hàng ghế dài chạy từ cổng đến nơi hành lễ. Tại đây chúng tôi cũng được nhìn thấy nấm mồ của Cố Xuân. Một tấm bia cẩm thạch nằm im lìm bên trên có khắc tên linh mục Joseph de La Cassagne, người có công xây dựng nhà thờ Mằng Lăng.

Toàn bộ nhà thờ toát lên một vẻ cổ xưa với sơn phủ ngả màu và rêu phong bám đầy trên vách. So với các nhà thờ nổi tiếng khác trên toàn quốc, nhà thờ Mằng Lăng khiêm tốn hơn nhiều.

Tuy nhiên, điểm ấn tượng nhất của nhà thờ là hang thánh đường trong lòng một quả đồi nhân tạo ở bên trái nếu đi từ ngoài vào cổng chính. Nơi đây chính là điểm thu hút mạnh mẽ những người du khách đến tham quan.

Đền Anre Phú Yên trong hầm.

Hang không rộng, không ngoằn ngoèo nhưng thâm u. Bước vào hang, du khách chợt cảm thấy lòng mình chùng lại. Những vướng mắc những toan tính đều để ngoài hang bởi bên trong một sự thanh tịnh gần như thoát tục.

Lần theo con đường trong hang, chúng tôi đến nơi đặt cuốn sách. Chiếc tủ gỗ kê sát tường. Trên tường, những bức ảnh của cha Đắc Lộ, của Á thánh Anre Phú Yên và nhiều bức ảnh khác ghi lại công trạng của những người đã hết lòng vì đạo...

Bên trong hầm còn có nhiều tác phẩm điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về Á thánh Anre Phú Yên.

Tượng Anre Phú Yên trên đỉnh đồi.

Chúng tôi ra khỏi hang, ngước nhìn lên trên quả đồi. Tượng Anre Phú Yên, một vị tu sĩ của giáo xứ Mằng Lăng - người đầu tiên tử vì đạo được phong Á thánh -  sừng sững trước gió. Sau lưng, ngôi nhà thờ Mằng Lăng cổ kính đang ngày đêm hấp dẫn du khách bốn phương.

Phép giảng tám ngày, từ điển Việt - Bồ - La và nhà thờ Mằng Lăng là những chứng tích để đến hôm nay nhìn lại, chúng ta mới thấy được sự tiến hóa của ngôn ngữ Việt Nam. Từ đó, các thế hệ bây giờ và mai sau luôn trân trọng và giữ gìn những chứng tích quí báu đó...

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 10/08/2018   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/du-lich/kham-pha-bi-mat-trong-nha-tho-co-nhat-xu-hoa-vang-co-xanh-468694.html?fbclid

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bí mật trong nhà thờ cổ nhất xứ 'hoa vàng, cỏ xanh'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO