'Bí mật' của khu rừng Đại tướng

20/09/2024 10:04

Người dân Điện Biên thường gọi khu rừng MƯỜNG PHĂNG là “Rừng Đại tướng”, bởi đây chính là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, nơi phát ra những chỉ thị, mệnh lệnh có tính chất quyết định để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cùng với hệ thống di tích lán trại, hầm hào và những tên tuổi lưu dấu lịch sử oanh liệt từ 70 năm trước, khu rừng Mường Phăng ngày nay còn là một địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa với rất nhiều “bí mật” hấp dẫn, đợi chờ du khách khám phá.

bi-mat-khu-rung(1).jpg

"MƯỜNG PHĂNG" MỘT TÊN VÀNG CHÓI LỌI

Bảy mươi năm đã trôi qua, từ “Mường Phăng” là niềm tự hào trong tâm tưởng người Việt Nam. Trong suốt 105 ngày từ 31/1 đến 15/5/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với toàn bộ Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ở và làm việc tại đây. Với sự tự tin của quân Pháp khi bắt đầu Chiến dịch cho đến khi bị đập tan cứ điểm được coi là “bất khả xâm phạm”- thì Mường Phăng là một điều “bí mật” không thể nào ngờ tới.

muong-phang.jpg
Rừng Mường Phăng nằm cách TP Điện Biên Phủ khoảng 40km đường núi ngoằn nghèo khá hiểm trở nhưng cũng mang vẻ đẹp nguyên sơ ngoạn mục.

Cho đến bây giờ, với khách du lịch nước ngoài và đặc biệt là với người Pháp, hai tiếng “Mường Phăng” ẩn chứa trong đó cả một sự kỳ bí đến mức “không sao hiểu nổi”, như chính báo chí phương Tây từng viết.

Người ta “không sao hiểu nổi” nhờ vào sức mạnh nào mà một quân đội trang bị vũ khí ít ỏi, thô sơ, phương tiện vận chuyển nghèo nàn; mà lại dám đánh và hơn thế còn đánh thắng, trước một tập đoàn cứ điểm gồm toàn những đơn vị tinh nhuệ, được trang bị vào loại tối tân nhất trong toàn cõi Đông Dương ngày ấy?

muong-phang(1).jpg
Lối vào Sở chỉ huy ẩn mình dưới tán rừng nguyên sinh bạt ngàn cây cối.

Đến ngày 31/1/1954 Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển về địa điểm mới đặt tại khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn (thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên hiện nay). Khu rừng già cách trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ở lòng chảo Mường Thanh khoảng 10km đường chim bay và khoảng gần 40km đường bộ.

bi-mat-cua-rung_vietbao.jpg
Nằm bên trái con đường ngoằn ngoèo dẫn vào thành phố là rừng Mường Phăng được người dân Điện Biên gọi là khu rừng Đại tướng.

Mường Phăng là địa điểm thứ ba và cũng là địa điểm cuối cùng Sở chỉ huy chiến dịch đóng quân, nơi đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nằm trong quần thể di tích “Khu vực chiến trường Điện Biên Phủ”, di tích Mường Phăng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia”, ngày 28/4/1962.

khu-vuc-chien-truong-dien-bien-phu.jpg
Lối vào khu lán trại của Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thuý.

Bắt đầu là những trạm gác và nhà thông tin đơn sơ nhỏ bé, chúng tôi đi qua khu lán trại của Trưởng ban Thông tin Chiến dịch Hoàng Đạo Thúy, đấy là nơi bắt đầu khu trung tâm của Sở Chỉ huy. Vừa có thể hình dung sơ đồ bố trí Sở Chỉ huy ngày trước, du khách ngày nay có thể vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng khi cuối xuân bên hông nhà còn sót lại cây đào nở muộn, tiếng suối chảy róc rách chen rõ cả tiếng chim.

dat_7870-4096x2731.jpg

Lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhỏ bé đến mức rất khó để nhận ra đó là nơi làm việc của vị Tổng Tư lệnh, Tổng chỉ huy chiến dịch.

Mái tranh vách đất, trước cửa nhà cây bưởi đơm hoa tỏa mùi hương dịu nhẹ, lán có diện tích 18 m2 ngăn hai phòng: nơi làm việc và nơi nghỉ của Đại tướng. Người dân nơi đây gọi căn hầm của Đại tướng là “nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”.

Phía sau lán làm việc của Đại tướng có một con đường hầm ngoằn ngoèo xuyên qua núi, hầm cao 1,7m, đoạn giữa đường hầm có một căn phòng họp cũng khá rộng, có lỗ thông hơi. Dọc theo đường hầm có những ngách nhỏ để đặt máy thông tin, nơi có thể báo cáo, nhận chỉ thị trực tiếp từ Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch...

dai-tuong-vo-nguyen-giap.jpg
Người dân nơi đây gọi lán làm việc của Đại tướng là “nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”. Bên cạnh lán có một con đường hầm ngoằn ngoèo xuyên qua núi.

So với căn hầm của Tướng De Castrie thì có lẽ con đường hầm này dài rộng và đầy đủ “tiện nghi” không kém. Đường hầm này là lối thông sang nhà làm việc của Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái, cùng với nhà tác chiến, nơi họp giao ban quân sự của Sở Chỉ huy mỗi ngày, và một số lán trại khác. Được biết, đường hầm xuyên núi này là công trình đồ sộ nhất của Sở Chỉ huy ở Mường Phăng, được bộ đội ta đào và xây trong gần 1 tháng.

Đi trong căn hầm xuyên qua núi buổi chiều cuối xuân trước thềm Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tham quan khu bếp Hoàng Cầm và những chiếc lán đơn sơ ngày trước được gọi là “hội trường”, “nhà tác chiến”, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài, Ban thông tin… chúng tôi gặp gia đình ông Pierre Bronsard, một du khách người Pháp đến từ thị trấn Lochrist (tỉnh Morbihan, vùng Bretagne, Pháp).

nha-tac-chien_vietbao.jpg
Gia đình ông Pierre Bronsard, một du khách người Pháp đến từ thị trấn Lochris.

Ông Pierre và vợ là người Việt cùng hai con đã đến Điện Biên Phủ và lên tận khu rừng Mường Phăng để “tìm hiểu về lịch sử của chính đất nước chúng tôi, để biết vì sao quân Pháp lại thua trận trước đất nước Việt Nam nhỏ bé”. Ông Pierre chia sẻ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là ‘một tiếng vang lớn’ với người dân Việt Nam và đây cũng là một dấu mốc quan trọng đối với Pháp”.

dat_8004-2281x1521.webp
Từ liếp cửa lán làm việc của Đại tướng nhìn ra lối đi và con suối nhỏ phía trước.
dat_7998-2334x1540.webp
Lán có diện tích 18m2 ngăn hai phòng: nơi làm việc và nơi nghỉ của Đại tướng.
dat_7987-2291x1297.webp
Lối đi vào hầm nằm bên cạnh lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
dat_8007-2212x1475.webp
Cổng vào hầm.
dat_8017-2560x1707.webp
Lối đi trong hầm.
dat_8018-2271x1514.webp
Nơi hội họp trong hầm.
dat_8019-2304x1536.webp
Ngách thông tin - nơi đặt thiết bị thông tin liên lạc tới Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch.

KHU DU LỊCH SINH THÁI, VĂN HÓA HẤP DẪN

Rừng Mường Phăng nằm cách TP Điện Biên Phủ khoảng 40km đường núi ngoằn nghèo khá hiểm trở nhưng cũng mang vẻ đẹp nguyên sơ ngoạn mục. Ngoài giá trị lịch sử, rừng Mường Phăng còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm.

Với hơn 290 ha rừng đặc dụng, trong đó, gần 80 ha vùng lõi tại trung tâm khu di tích, toàn bộ khu rừng Mường Phăng là một hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm được bảo tồn. Đi dưới tán rừng, có thể quan sát, chiêm ngưỡng, nhiều cây cổ thụ thuộc nhóm gỗ quý, có đường kính lớn, mùa xuân hoa trẩu, hoa ban và nhiều loài nở thơm ngạt ngào.

dat_7964-2857x3628.jpg
Ngoài giá trị lịch sử, rừng Mường Phăng còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm.

Theo lối mòn dẫn lên đỉnh núi, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh địa hình vùng ngoại vi thành phố Điện Biên với những bản người Thái bình yên dưới chân núi và có thể phóng tầm mắt quan sát một vùng lòng chảo xưa là chiến sự ở phía xa.

dat_7960-4096x2731.jpg
Đi dưới tán rừng, có thể quan sát, chiêm ngưỡng, nhiều cây cổ thụ thuộc nhóm gỗ quý, có đường kính lớn.

Địa hình Mường Phăng là một thung lũng trải dài được bao bọc bởi những dãy núi cao. Con đường đến Mường Phăng nhiều khúc quanh, nhưng du khách luôn thích thú vì trên hành trình rong ruổi về điểm di tích lịch sử, được thong thả ngắm núi rừng, hít căng vào lồng ngực không khí trong lành, thoang thoảng mùi mạ non từ những thảm lúa xanh ngợp mắt.

Xa xa, trên những quả đồi nằm thoai thoải, các bản làng người Thái mang một nét đẹp rất đặc trưng, với những nếp nhà sàn nằm san sát nhau, lưng tựa vào đồi, hướng tầm nhìn ra ruộng lúa bát ngát.

dji_0718-4096x2301.jpg
Rừng Mường Phăng đến nay vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ nguyên sơ.

Rừng Mường Phăng – “Rừng Đại tướng” với những tán rừng cổ thụ che chở những di tích lịch sử hơn 70 năm qua, đến nay vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ nguyên sơ.

Đi bộ xuyên rừng đối với du khách ngày hôm nay không chỉ để tận mắt nhìn thấy và tìm hiểu những vấn đề về lịch sử quân sự, mà còn là một trải nghiệm tuyệt vời khi được tận hưởng không khí trong lành, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về hệ sinh thái đa dạng, phong phú nơi đây. Ngay trên đường vào rừng, có thể bắt gặp bà con ngồi bán những sản phẩm đơn sơ giản dị của núi rừng, họ nở nụ cười mời chào khách bên tiếng suối chảy rì rầm nghe một cảm giác vừa bình yên vừa sôi động.

dat_7911-4096x2617.jpg
Ngay trên đường vào rừng, có thể bắt gặp bà con ngồi bán những sản phẩm đơn sơ giản dị của núi rừng.

Ngày nay, tại các bản Che Căn, Đông Mệt, Cang, Yên, Phăng... nằm bên cạnh khu rừng, những đồng ruộng được gieo bằng giống mới và tiến hành canh tác theo phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Người dân nơi đây vừa lao động sản xuất làm thúc đẩy sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông lâm nghiệp, vừa nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

dat_7967-4096x2595.jpg
Đi bộ xuyên rừng du khách được tận hưởng không khí trong lành, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về hệ sinh thái đa dạng, phong phú nơi đây.

Nằm sát khu rừng Mường Phăng, bản Che Căn là một địa điểm lý tưởng cho du khách lưu trú và khám phá văn hoá đời sống của đồng bào dân tộc Thái. Che Căn có địa thế dựa lưng vào một phần dãy núi Pú Đồn, có đỉnh cao nhất là Pú Huốt, cao hơn 1.700m so với mặt biển.

Những nếp nhà sàn truyền thống nằm san sát nhau, chênh chếch trên quả đồi. Bản Che Căn có gần 100 hộ dân tộc Thái sinh sống, trong đó có 1 homestay và gần 20 hộ làm dịch vụ du lịch. Đường vào bản nay đã được bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại.

dat_7912-copy-4096x2304.jpg
Đi dưới tán rừng, có thể quan sát, chiêm ngưỡng mùa xuân hoa trẩu, hoa ban và nhiều loài nở thơm ngạt ngào.

Bản cũng được biết đến bởi có những homestay lý tưởng cho khách dừng chân, nhiều năm qua đón không ít du khách nước ngoài đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Australia… Đồng bào Thái đen ở tại bản Che Căn ý thức rất rõ và luôn tự hào tạo nên những sản phẩm du lịch từ chính việc giữ gìn bản sắc: từ nhà cửa, trang phục, ẩm thực…

dat_7958-4096x2584.jpg
"Rừng Mường Phăng – “Rừng Đại tướng” với những tán rừng cổ thụ che chở những di tích lịch sử hơn 70 năm qua, đến nay vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ nguyên sơ".

Ông Lò Văn Hợp, người dân tộc Thái đen, hiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Phăng, vừa hướng dẫn các du khách nước ngoài tại bản Che Căn – mô hình du lịch của cộng đồng người Thái, cho biết: Các món ăn của người Thái Mường Phăng mang hương vị rất riêng, gia vị tạo nên “cái riêng” ấy là các loại củ quả và hoa lá có rất nhiều trên rừng Mường Phăng.

Bữa cơm của người Thái thường là xôi đồ, rau rừng, cá hoặc thịt chấm với chẩm chéo hoặc làm nộm, măng ngâm chua nấu cá hoặc phơi khô. Một món ăn rất riêng nữa là món rau chế biến từ rong rêu dưới suối. Đồ uống của đồng bào Thái là rượu cần hoặc rượu trắng, nguyên liệu chính là gạo và củ sắn, ủ bằng men lá rừng cùng một số thảo dược bí truyền; uống say mà trí tuệ vẫn hoàn toàn tỉnh táo, say mà không hề đau đầu, không hề mệt mỏi.

Các món ăn của người Thái Mường Phăng mang hương vị rất riêng, gia vị tạo nên “cái riêng” ấy là các loại củ quả và hoa lá có rất nhiều trên rừng Mường Phăng.
Ông Lò Văn Hợp

Rời Mường Phăng khi mặt trời vừa tắt, từ phía Điện Biên nhìn lên có thể nhìn thấy ánh sáng huyền ảo lấp lánh của những khu nhà homestay du lịch cộng đồng người Thái lác đác như sao sa trên núi. Mường Phăng hôm nay đã mang một nhịp sống mới với những người con bản làng biết gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa người Thái, giá trị của di tích thuộc Quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Bởi vậy, du lịch nơi đây không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn là điểm đến mong đợi của rất nhiều du khách nước ngoài.

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HÀ MY - LÊ LAN - THIÊN LAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: NGỌC DIỆP

Theo special.nhandan.vn
https://special.nhandan.vn/bi-mat-khu-rung-Dai-tuong/index.html
Copy Link
https://special.nhandan.vn/bi-mat-khu-rung-Dai-tuong/index.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Bí mật' của khu rừng Đại tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO