Ngày 17/4, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cùng 11 đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Trả lời trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn trình bày, chủ trương "gửi vật tư" đã có trước khi ông về làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (2012 – 2020). Ông Tuấn cũng chỉ đạo cấp dưới cho doanh nghiệp gửi để bệnh viện có hàng hóa, thiết bị vào điều trị.
"Làm sao mua được hàng bằng hoặc thấp hơn giá trước mình đã mua vì những mặt hàng này là truyền thống, bệnh viện đã dùng nhiều năm", ông Tuấn nói nguyên tắc chỉ đạo "gửi vật tư" của mình.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thừa nhận không có báo giá các mặt hàng, thiết bị và mua sắm chỉ dựa trên việc "đối chiếu với năm trước và các bệnh viện khác", thấp hơn thì mua.
Ông Tuấn cho rằng "chỉ định thầu là sai nhưng không còn cách nào khác", đồng thời thừa nhận bản thân có trách nhiệm chính trong vụ án này. Bị cáo nói thêm, nếu lúc đó có so sánh với bảng giá thị trường sẽ không phát sinh sai phạm.
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn khai được các công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát tặng số quà Tết gồm 10.000 USD, một chai rượu, hộp xì gà trong các năm 2016 – 2017. Đến nay, ông đã nộp lại số tiền này và còn được vợ nộp thay 6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trên còn tài trợ cho các hoạt động chung của Bệnh viện Tim Hà Nội nhưng số tiền bao nhiêu thì bị cáo không nhớ.
Cấp dưới của ông Tuấn, bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cũng thừa nhận sai phạm trong quá trình chỉ đạo đấu thầu, từ thẩm định giá, lập hồ sơ… và khẳng định "cáo trạng truy tố tôi đúng".
Bà Hưởng cho hay được ông Tuấn chỉ đạo trong các cuộc họp, yêu cầu việc mua sắm phải "đảm bảo tiến độ, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp, hoàn thiện hồ sơ sau này".
Theo cáo trạng, từ năm 2015, ông Tuấn với cương vị là người đứng đầu, Chủ tịch hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư. Từ đó bệnh viện có vật tư sử dụng trước, sau đó ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới hợp thức các thủ tục cho doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.
Do mối quan hệ quen biết từ trước, ông Tuấn đồng ý cho Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát được bán các mặt hàng vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch vào bệnh viện.
Giai đoạn năm 2016-2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu riêng 5 gói thầu chuyên mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỷ đồng. Trong đó, gói số 5 năm 2016 tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi 223 mặt hàng, trị giá trên 247 tỷ đồng. Còn 4 gói năm 2017 được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn mua 538 mặt hàng, trị giá gần 348 tỷ đồng.
Công ty Hoàng Nga sau đó tham gia và trúng 5 gói thầu các thiết bị như stent (thiết bị giúp đường đi của máu thông thoáng), dụng cụ thả dù, dù đóng ống động mạch... Công ty Kim Hòa Phát trúng 4 gói thầu gồm 400 stent và một số vật tư khác.
Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch cho hai công ty trên, ông Tuấn cùng cấp dưới đã lợi dụng quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Nhóm này có sai phạm được xác định từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại đến việc ban hành chứng thư thẩm định giá. Đến đầu năm 2017, ông Tuấn và một số người tiếp tục hợp thức hóa thủ tục chỉ định thầu với 4 gói chỉ định thầu rút gọn.
Các bị cáo sử dụng đơn giá vật tư của gói thầu năm 2016 để thanh toán hàng ký gửi, hàng đã sử dụng trước cho Công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát. Ở gói thầu này, các bị can đã gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng cáo buộc hành vi của ông Tuấn và các đồng phạm gây thiệt hại tổng cộng hơn 53,6 tỷ đồng.
Đổi lại, Công ty Hoàng Nga hàng năm hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty Hòa Phát 60 triệu đồng. Bị can Tuấn và Nguyễn Đức Đảng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga) khai vào các dịp Tết âm lịch năm 2016, 2017, Đảng đã biếu ông Tuấn 10.000 USD để cảm ơn đã tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga trúng thầu.