Bệnh nhân phải đi hàng trăm cây số, khổ sở để xin giấy chuyển tuyến

Thanh Hà| 26/10/2023 18:04

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, đúng là có tình trạng bệnh nhân phải quay đi quay lại hàng trăm cây số để hoàn thành thủ tục, xin giấy chuyển tuyến.

Bệnh nhân phải đi hàng trăm cây số, khổ sở để xin giấy chuyển tuyến
Xin giấy chuyển tuyến là thủ tục hành chính khiến nhiều người dân gặp phiền hà trong quá trình điều trị bệnh. Ảnh: Thùy Linh

Mới đây, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã có những kiến nghị về việc xem xét, hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến để thuận lợi cho người dân tham gia khám chữa bệnh.

Kiến nghị hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh

Theo quy định hiện hành, trước khi chuyển tuyến, người bệnh được khám và kiểm tra lần cuối cùng. Người có thẩm quyền của cơ sở y tế ký giấy chuyển tuyến và giao giấy cho người hộ tống/người bệnh/người đại diện hợp pháp của người bệnh. Sau đó, người bệnh giao nộp lại giấy này cho cơ sở khám chữa bệnh chuyển đến.

Đây là thủ tục hành chính khiến nhiều người dân gặp phiền hà trong quá trình điều trị bệnh. Để đảm bảo mức bảo hiểm y tế được hưởng, họ đành lặn lội quay về nơi điều trị ban đầu để xin giấy chuyển tuyến rồi mới lên tuyến trên điều trị, bất kể tình trạng bệnh, điều kiện kinh tế hay sức khỏe.

Có thực trạng bệnh nhân phải quay đi quay lại để xin giấy tờ

Trao đổi với phóng viên Lao Động, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - khẳng định, kiến nghị bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh là rất đúng đắn.

“Tôi rất đồng ý với đề xuất của các đại biểu. Từ lâu, tôi đã rất muốn làm sao để thủ tục đơn giản, tiện lợi cho người dân. Phải có quy định như thế nào để người dân tiếp cận y tế ở tất cả các tuyến được tiện lợi nhất. Đúng là có rất nhiều trường hợp bệnh nhân phải quay đi quay lại hàng trăm cây số để hoàn thành thủ tục chuyển viện, rất khổ sở”, ông Cơ nói.

A
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Cơ cho biết, giấy chuyển viện chỉ là thủ tục hành chính. Trong khi hiện nay, chúng ta đều đang chuyển đổi số, mã hóa dữ liệu - hồ sơ của bệnh nhân. Các thông tin hoàn toàn có thể liên thông giữa các cơ sở.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: “Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những quy định đơn giản hơn, để người dân được hưởng lợi, đỡ gây khó khăn, phiền hà cho họ. Tôi cho rằng, các đơn vị hữu quan nên ngồi lại với nhau, tìm ra một phương án, làm sao tốt cho người dân nhất. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tính toán, đưa ra phương án hợp lý hơn trong bối cảnh hiện nay”.

Giao trách nhiệm cho đơn vị tiếp nhận bệnh nhân

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thu Hà - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện E - cho hay, thủ tục chuyển tuyến quy định là phải khám cho bệnh nhân và có chỉ định chuyển. Nếu bệnh nhân đã đi rồi, tức không có ở đó, mà bác sĩ vẫn cho giấy chuyển, là cho khống, sai quy định. Điều này rất khó cho bác sĩ. Tuy nhiên, các đơn vị tuyến trên khi tiếp nhận bệnh nhân thì có thể linh động.

“Tùy theo trường hợp, chúng tôi vẫn linh động trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân, làm sao để họ được hưởng tối đa mức bảo hiểm của mình” - Thạc sĩ Hà nói.

Bà lấy ví dụ với những trường hợp gãy xương, hiện nhiều cơ sở vẫn đòi hỏi giấy chuyển tuyến nhưng tại Bệnh viện E thì có thể linh động tính cho bệnh nhân vào dạng cấp cứu, để được hưởng bảo hiểm mà không cần giấy chuyển tuyến. Tất nhiên, không phải tất cả trường hợp đều được linh động như thế.

Đồng ý với việc nên bỏ giấy chuyển tuyến, bà Hà vẫn cho rằng ngành y tế sẽ có một số vấn đề vướng mắc. Bởi khi thủ tục được đơn giản hóa, đương nhiên nhiều người dân sẽ chọn lên thẳng tuyến trên để khám và điều trị. Nếu bệnh nặng, hợp lý để chuyển tuyến thì không sao. Nhưng sẽ có những trường hợp bệnh nhẹ vẫn lên tuyến trên, gây quá tải, còn tuyến dưới lại lãng phí nguồn lực, trong khi đó bệnh viện tuyến trên không được phép từ chối bệnh nhân.

Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để bệnh nhân không còn phải xin giấy chuyển tuyến nhưng cũng tránh cho các cơ sở y tế tuyến trên rơi vào tình trạng quá tải.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - kiến nghị, cần giao trách nhiệm rõ ràng cho đơn vị tiếp nhận bệnh nhân.

Ông nói: “Các bác sĩ tuyến trên đã xác định bệnh nhân cần nhập viện rồi thì phải cho bệnh nhân nhập và hưởng bảo hiểm luôn để điều trị, chứ không phải quay lại để xin giấy. Các đơn vị tuyến trên, có thể là tuyến tỉnh, tuyến trung ương, phải chịu trách nhiệm về việc này. Họ tiếp nhận thì họ phải chịu trách nhiệm về việc đó. Tức cho họ quyền này và buộc phải chịu trách nhiệm”.Ông cũng cho rằng, phụ thuộc vào cách làm, chính sách bảo hiểm và chính sách quản lý, việc tiến tới bỏ giấy chuyển tuyến là khả thi.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/benh-nhan-phai-di-hang-tram-cay-so-kho-so-de-xin-giay-chuyen-tuyen-1259415.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/xa-hoi/benh-nhan-phai-di-hang-tram-cay-so-kho-so-de-xin-giay-chuyen-tuyen-1259415.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh nhân phải đi hàng trăm cây số, khổ sở để xin giấy chuyển tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO