Miễn phản biện độc lập
Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM vừa tổ chức Lễ tốt nghiệp cho 22 tiến sĩ (TS). Nổi bật trong số này có nghiên cứu sinh (NCS) Lữ Thị Mộng Thy (SN 1984), ngành kỹ thuật hóa học gây bất ngờ khi công bố 6 bài báo khoa học (1 bài Q1, 3 bài Q2, 1 bài Q3 và 1 bài Q4) thuộc Web of Science/Scopus.
Cùng với tổng hệ số trích dẫn bài báo cao IF = 11,807, Mộng Thy được miễn phản biện độc lập dù không nằm trong diện ưu tiên miễn phản biện.
Chia sẻ về các công trình nghiên cứu của mình, chị Lữ Thị Mộng Thy cho biết chị nghiên cứu về vật liệu nano oxit kim loại từ tính trên cơ sở Graphen oxit (GO).
Graphen oxit là một trong những vật liệu cấu trúc nano cacbon siêu mỏng, bao gồm nhiều lớp với các nhóm chức có khả năng liên kết với các kim loại nặng, chất ô nhiễm (hay còn gọi là khả năng hấp phụ).
Nhằm hạn chế tình trạng các lớp GO tích tụ lại với nhau, các oxit kim loại từ tính là Fe3O4 và MnFe2O4 đã được đưa vào giữa các lớp GO. Kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng trong xử lý các tác nhân gây ô nhiễm môi trường như chất màu, kim loại nặng,...
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Khoa kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa, 6 bài báo được cộng đồng quốc tế công nhận là minh chứng cho các đóng góp mới về mặt học thuật cũng như tính ứng dụng khả thi của luận án.
"Các loại vật liệu mới này có khả năng góp phần giải quyết những hệ lụy kéo theo từ sự phát triển của nền công nghiệp cũng như ngăn ngừa các tác nhân gây hại đến sức khỏe con người", giảng viên Hiếu nhận định.
Đưa nghiên cứu vào thực tế
Ở cương vị là một giảng viên khoa công nghệ hóa học - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, nghiên cứu đối với Mộng Thy là bước đệm để nâng cao trình độ và năng lực giảng dạy. Thế nhưng để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu này, đam mê, kết quả nghiên cứu mới là yếu tố giữ chân Thy.
Theo kết quả thực hiện, NCS Mộng Thy đã có thể hoàn thành đúng hạn 3 năm học TS, tuy nhiên vì muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn các loại vật liệu này, chị dành thêm thời gian nghiên cứu tại phòng thí nghiệm một năm tiếp theo.
Chia sẻ với Dân trí, tân tiến sĩ cho biết chương trình đào tạo ở Trường ĐH Bách khoa bắt buộc người học phải có số lượng công bố nhất định trên các tạp chí uy tín (trong nước và quốc tế), do đó đòi hỏi ở người học sự tự nỗ lực cao, nếu không có đam mê sẽ rất dễ bỏ cuộc.
Nữ giảng viên tự nhận ngoài đam mê, chị còn nhận được nhiều hậu thuẫn từ gia đình, đơn vị công tác và đơn vị đào tạo. Mộng Thy cho rằng để giảng viên có thể thuận lợi nâng cao trình độ rất cần sự hỗ trợ từ nơi làm việc.
"Không chỉ đồng ý cho cán bộ đi học, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM còn hỗ trợ chi phí học tập trong 4 năm cho giảng viên, số tiết giảng dạy chuẩn theo quy định được giảm, hỗ trợ về cơ sở vật chất. Nghiên cứu sinh có thành tích tốt, có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín được nhà trường khen thưởng, hỗ trợ bằng tiền mặt", chị Mộng Thy cho hay.
Tương tự, Trường ĐH Bách Khoa TPHCM cũng cử cán bộ hướng dẫn, tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh nghiên cứu tại phòng thí nghiệm và nhiều hỗ trợ khác. Chị Mộng Thy còn giành được nhiều học bổng từ ĐH Quốc gia TPHCM và các tổ chức khác.
PGS.TS Hoàng Trang - Trưởng phòng Đào tạo Sau ĐH, Trường ĐH Bách khoa - cho biết, quy trình đào tạo chặt chẽ tạo điều kiện để NCS vừa trau dồi kiến thức chuyên môn, vừa nâng cao bản lĩnh, kỹ năng ứng xử trong môi trường học thuật. Trong ba năm qua, trường xây dựng hệ thống nhắc nhở NCS về tiến độ nghiên cứu, nhờ đó đốc thúc NCS đẩy nhanh quá trình hoàn thành luận án.
Bên cạnh đó, nhà trường còn thiết lập chính sách thu hút NCS thông qua các học bổng (75 triệu/năm cho người có thành tích tốt); cơ chế hỗ trợ cho các công bố khoa học xứng đáng với chất lượng công trình; quy định miễn phản biện độc lập đối với các nghiên cứu chất lượng cao nhằm rút ngắn thời gian cho NCS; hệ thống hỗ trợ, phục vụ NCS trong các quy định học vụ,...
Dù vậy chị Thy cũng gặp không ít khó khăn như ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải làm việc, nghiên cứu online, phải tự học hỏi trau dồi thêm như phần mềm, sự hợp tác…
Sau bảo vệ, để đề tài không xếp vào ngăn kéo, TS Mộng Thy khẳng định chắc chắn phải tiếp tục nghiên cứu.
"Đề tài này có thể ứng dụng để xử lý tại các nhà máy dệt nhuộm, nước màu… Thầy giáo hướng dẫn và tôi đang tìm đơn vị để hợp tác triển khai đưa nghiên cứu vào thực tiễn", tân TS cho hay.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu nhận định kết quả nghiên cứu này có thể phối hợp với các đơn vị xử lý nước thải để thử nghiệm thực tế vật liệu. Ngoài ra, trong luận án còn nêu ra bộ thông số điều kiện hấp phụ tối ưu của các vật liệu này, tạo cơ sở để tư vấn cho các đơn vị sử dụng.
Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa, NCS tốt nghiệp đợt này có nhiều công trình khoa học mang tính ứng dụng cao, trung bình mỗi NCS có 4,6 bài báo được đăng trên tạp chí và hội nghị quốc tế uy tín. Theo quy định của nhà trường, để đủ điều kiện đầu ra, NCS cần đảm bảo tối thiểu hai bài báo khoa học.