Cần Giờ là huyện đảo duy nhất của TP.HCM giáp biển, đi lại phụ thuộc chủ yếu vào đường thủy phức tạp. Đặc biệt, xã đảo Thạnh An nằm tách biệt trung tâm huyện khoảng 8km, với hơn 5.000 cư dân sinh sống.
Người dân ở đây thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt, vì vậy việc di chuyển cấp cứu cho người bệnh rất khó khăn, nhất là mùa mưa bão, như Tuổi Trẻ đã phản ánh qua loạt bài khởi đăng từ ngày 4-6: Hiểm nguy cấp cứu trên biển, Những "hiệp sĩ" trên đảo Thạnh An, Ước có tàu cấp cứu hiện đại cho xã đảo ở Cần Giờ...
Loạt bài này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn đọc với mong muốn trong đất liền có xe cấp cứu, ngoài xã đảo có tàu cấp cứu.
Nhằm giúp người bệnh trên xã đảo tận dụng được "thời gian vàng", tiếp cận sớm nhất với y bác sĩ, cơ sở y tế khi cần cấp cứu khẩn cấp hay những trường hợp cần cứu hộ, cứu nạn..., báo Tuổi Trẻ và Thành Đoàn TP.HCM phát động chương trình "Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ".
"Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ" sẽ là tàu chuyên dụng có thể tổ chức sơ cứu ban đầu, sau đó đưa người bệnh phải cấp cứu từ xã đảo Thạnh An và vùng lân cận đến trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa mà phương tiện đường bộ hay đường không chưa tiếp cận được.
"Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ" sẽ hỗ trợ cho những người dân yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn được sử dụng miễn phí khi có nhu cầu khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, tính mạng.
Với tinh thần đó, ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được sự đồng hành của bạn đọc gần xa cùng chung tay góp sức, ủng hộ kinh phí hoặc trang thiết bị y tế cho bà con huyện đảo Cần Giờ có được tàu cấp cứu đường thủy.
Mọi sự ủng hộ của bạn đọc đều vô cùng ý nghĩa, tạo sự lan tỏa trong xã hội và mở thêm cơ hội cho người dân Cần Giờ tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ y tế.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM rất hoan nghênh và kỳ vọng với sự đồng hành của nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể..., chương trình sẽ sớm hiện thực hóa giấc mơ cho người dân Cần Giờ, đặc biệt là người dân Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói: Nếu ai từng đến Thạnh An, từng chứng kiến hoặc nghe kể về sự gian nan của hành trình cấp cứu trên biển đều có chung mong muốn rồi đây điều kiện chăm sóc sức khỏe của người dân sẽ được tốt hơn. Đặc biệt là có đủ phương tiện cấp cứu, chuyển bệnh, chăm lo sức khỏe cho người dân xã đảo này.
Rất cần "bệnh viện thu nhỏ"
* Ông với vai trò là người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, đã có rất nhiều lần "vi hành" ra xã đảo Thạnh An. Mỗi lần ra đảo trở về điều gì đọng lại trong ông nhiều nhất?
- Vẫn là nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân. Nếu so sánh với các phường, xã trong đất liền, việc chăm sóc y tế ban đầu trên đảo không khác biệt. Xã đảo có trạm y tế cơ bản, nhưng chỉ thế thôi chưa đủ.
Tôi cho rằng hiện xã đảo vẫn còn hai vấn đề đáng quan tâm là y tế chuyên sâu và cấp cứu. Về y tế chuyên sâu, càng sớm càng tốt làm thế nào để bà con sống ở xã đảo tiếp cận được y tế chuyên sâu khi có nhu cầu, đặc biệt đối với các bệnh cấp tính.
Về cấp cứu, phải có giải pháp nhanh và an toàn hơn, vì thực tế bà con khi đi cấp cứu còn phải mất nhiều thời gian di chuyển với một hành trình vất vả.
Điều tôi suy nghĩ là phải đảm bảo thực thi công bằng y tế giữa đất liền và xã đảo. Và muốn thực hiện được điều đó, vấn đề ưu tiên số 1 bây giờ của Thạnh An là sớm đầu tư một tàu cấp cứu đúng nghĩa.
* Ông nói Thạnh An cần đầu tư một tàu cấp cứu đúng nghĩa và đây là vấn đề "ưu tiên số 1". Phải chăng các phương tiện hiện có không đảm bảo chức năng vận chuyển cấp cứu?
- Nếu chúng ta xem các clip giữa đêm khuya ca nô chở bệnh lao ra giữa biển đêm sấm chớp đì đùng đưa bệnh nhân vào đất liền cấp cứu, nếu chúng ta biết được có người bệnh mất ngay trên ca nô cấp cứu, nếu chúng ta biết có người may mắn được cứu sống nhưng đã qua "thời gian vàng" điều trị... thì chúng ta sẽ hiểu tại sao tàu cấp cứu là ưu tiên số 1 với Thạnh An nói riêng và vùng biển Cần Giờ (cả các khu vực lân cận) nói chung.
Cấp cứu với người dân nơi đây đang phụ thuộc vào ca nô, ghe gỗ - vốn nhỏ bé, lạc hậu, không được trang bị các phương tiện cấp cứu cần thiết.
Chẳng hạn như đột quỵ, nếu đưa lên chiếc ca nô ngay mùa dông bão thì khó có thể chạy được, nếu chạy cả nhân viên y tế và người bệnh đều sẽ gặp nguy hiểm. Trên ghe gỗ cũng thế, không thể cấp cứu kịp thời cho người bệnh được.
Và chỉ có tàu cấp cứu mới có thể chạy được trong điều kiện sóng to gió lớn, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế và người bệnh.
Chưa kể nếu có đủ điều kiện, tàu này sẽ như "bệnh viện thu nhỏ", được trang bị băng ca đặc thù, hệ thống oxy, monitor theo dõi; các loại máy thở di động, hút đàm, sốc điện, ép tim tự động và các túi dùng dụng cụ, thuốc cấp cứu chống nước phù hợp với mọi điều kiện.
Cấp cứu cho cả ngư dân trên vùng biển Cần Giờ - Vũng Tàu
* Nhiều người cũng tỏ ra lo ngại về tính khả thi khi sắm một tàu cấp cứu chuyên dụng ở Cần Giờ. Việc vận hành hệ thống tàu cấp cứu đòi hỏi cần nhiều nhân lực có chuyên môn và không phải lúc nào cũng cần đến tàu cấp cứu, thưa ông?
- Đây là điều chúng tôi đã suy nghĩ, tính toán rất kỹ. Cần hiểu rằng tàu cấp cứu này nếu được trang bị không chỉ phục vụ bà con xã đảo mà còn phục vụ bà con lân cận như đảo Thiềng Liềng, phục vụ cả những ngư dân đánh cá tại vùng biển Cần Giờ - Vũng Tàu.
Không chỉ phục vụ riêng cấp cứu mà tàu cũng có thể vận chuyển người bệnh đi điều trị các bệnh lý cấp tính chuyên sâu.
Tôi cho rằng sắp tới đây khi mạng lưới y tế vùng được thiết lập, sẽ không còn chuyện phân biệt người dân của TP hay của các nơi khác. Và nếu tuyến đường sông phát triển, tàu cấp cứu này có thể chuyển bệnh chạy thẳng về tới bến Bạch Đằng (quận 1), giúp tiết kiệm "thời gian vàng" cho người bệnh.
* Ngoài ưu tiên tàu cấp cứu, đến nay ngành y tế đã làm gì để đảm bảo "công bằng y tế" cho bà con xã đảo Thạnh An?
- Thấu hiểu sự khó khăn, hiểm nguy trong chăm sóc sức khỏe của người dân xã đảo, có thể nói từ vài năm trở lại đây với vai trò quản lý ngành, chúng tôi đã tập trung đề xuất, tham mưu nhiều chính sách mang tính đột phá nhằm nâng cao năng lực y tế Cần Giờ.
Cần Giờ là địa phương duy nhất (đầu tiên) của TP.HCM có hẳn một đề án nâng cao năng lực y tế. Và mới đây, trong đề án đa dạng hóa cấp cứu ngoại viện được phê duyệt, Cần Giờ cũng được chọn là nơi khởi đầu phát triển mô hình cấp cứu bằng đường thủy.
Ra đảo nhiều lần, bằng "mắt thấy tai nghe, trái tim cảm nhận", chúng tôi đã chủ động triển khai một số hoạt động nhằm giảm sự mất công bằng về y tế cho bà con ở xã đảo.
Nếu như trước đây, xã đảo chỉ có một bác sĩ (trưởng trạm y tế) thì nay đã có giải pháp luân phiên các bác sĩ tình nguyện tại các bệnh viện trong TP ra đảo để đảm bảo lúc nào cũng có bác sĩ có chuyên môn tốt.
Đặc biệt, lần đầu tiên một hệ thống máy X-quang kỹ thuật số tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh được đưa vào hoạt động.
Và mới nhất là thiết lập đơn vị chạy thận nhân tạo ngay tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, giúp người bệnh không còn phải lặn lội đường sá xa xôi, tốn kém thời gian và tiền bạc lên trung tâm TP chạy thận.
* Ông đánh giá thế nào về chương trình "Tàu cấp cứu cho Cần Giờ" mà báo Tuổi Trẻ và Thành Đoàn TP.HCM sẽ phát động?
- Tôi đánh giá đây là ý tưởng tốt và rất thực tế. Chương trình này trùng với mong muốn của tôi trong chuyến công tác Trường Sa mới đây.
Khi đến Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, công trình do bạn đọc báo Tuổi Trẻ chung tay xây dựng, tôi vô cùng bất ngờ bởi ở đây có một chiếc tàu cấp cứu hiện đại. Trong đầu tôi lúc ấy chợt lóe lên câu hỏi tại sao Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM - lại chưa có. Và lúc ấy tôi nghĩ ngay đến Tuổi Trẻ.
Tôi trân trọng ghi nhận sự nỗ lực của báo Tuổi Trẻ, từ những ngày đầu đã chủ động tìm tòi chia sẻ nhiều câu chuyện về hành trình gian nan chữa bệnh của bà con xã đảo Thạnh An. Đây là những câu chuyện thời sự xúc động làm lay động lòng người.
Và với việc phát động chương trình "Tàu cấp cứu đường thủy cho Cần Giờ", báo Tuổi Trẻ đã thể hiện vai trò đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân.
Sẽ tái thành lập Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh sau cuộc làm việc với UBND huyện Cần Giờ mới đây. Cụ thể, ngoài phương tiện cấp cứu sẽ phải tái thành lập Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, bởi đây là địa bàn đặc thù cách xa trung tâm TP.
Việc này nhằm mục đích triển khai hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là các bệnh mạn tính không lây thường gặp và tổ chức khám tầm soát theo chuyên khoa, phát hiện sớm bệnh cho người dân thu nhập thấp.
Anh Ngô Minh Hải (bí thư Thành Đoàn, chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP.HCM):
Phát động ủng hộ công trình trong thanh thiếu nhi TP
Chương trình "Tuổi trẻ TP.HCM vì biên giới, biển đảo" đã có nhiều công trình, phần việc tại các vùng biên giới, biển, đảo trên mọi miền đất nước, khơi gợi lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ TP với biên giới, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổ chức Đoàn TP.HCM cũng xác lập xây dựng xã đảo Thạnh An thành "Đảo thanh niên", góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM phát triển xã đảo duy nhất của TP và nhiều đợt tình nguyện được tuổi trẻ TP tổ chức tại đây.
Việc trang bị tàu cấp cứu tặng bà con xã đảo Thạnh An là giải pháp rất cụ thể của báo Tuổi Trẻ thực hiện cùng tuổi trẻ TP với sự chung sức của các tầng lớp nhân dân xây dựng Thạnh An ngày một phát triển.
Chiếc tàu cấp cứu giúp người dân xã đảo cũng như ngư dân hoạt động lân cận được kịp thời điều trị trong tình huống khẩn cấp, nhất là khi thời tiết không thuận lợi là hết sức ý nghĩa. Đây cũng là mong mỏi của người dân nơi đây, sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngành y tế TP thực hiện tốt chức năng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân tại chỗ.
Tổ chức Đoàn - Hội - Đội TP phát động toàn thể cán bộ Đoàn - Hội - Đội; đoàn viên, hội viên, thanh niên, sinh viên, thiếu nhi; cùng quý nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, cùng báo Tuổi Trẻ lan tỏa dự án tặng tàu cấp cứu cho nhân dân xã đảo Thạnh An.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long (giám đốc Trung tâm cấp cứu 115):
Cần có sự phối hợp nhiều đơn vị
Nếu có tàu cấp cứu chuyên dụng hiện đại, năng lực cấp cứu người dân ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) cũng như các khu vực khác sẽ được nâng cao, đặc biệt tận dụng được "thời gian vàng" cấp cứu.
Tàu cấp cứu cần phải được trang bị đầy đủ các máy móc theo dõi dấu hiệu sinh tồn, y bác sĩ có thể hồi sức tim phổi cơ bản ngay trên tàu.
Chiếc tàu này không chỉ phục vụ bà con TP.HCM mà còn giúp bà con các vùng lân cận như Vũng Tàu, Đồng Nai.
Tôi cho rằng việc đầu tư và duy trì sự hoạt động của tàu cấp cứu trên biển cần phải có sự chung tay phối hợp của nhiều lực lượng như cảnh sát giao thông đường thủy, thanh niên xung phong, bộ đội biên phòng... Điều này nhằm giúp tàu cấp cứu vận hành hiệu quả, nhất là những mùa mưa bão có sóng to, gió lớn ở Cần Giờ.
Bác sĩ Luân Thanh Trường (trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An):
Tàu cấp cứu giữ "thời gian vàng" cho người bệnh
Cả xã đảo chỉ có phương tiện cấp cứu duy nhất là chiếc ca nô nhỏ của UBND xã đảo Thạnh An mới được trang bị chỉ có sức chứa tối đa hai người bệnh.
Tôi và các đồng nghiệp trên đảo đã không biết bao lần bất đắc dĩ phải đưa người bệnh lên ca nô vượt biển vào đất liền cấp cứu trong đêm dông bão với nguy cơ ca nô lật bất cứ lúc nào.
Có ca may mắn thành công, nhưng có ca không kịp giành lại sự sống cho người bệnh.
Nhu cầu cấp cứu của người dân trên xã đảo rất đa dạng các bệnh lý sản khoa, nội khoa, ngoại khoa... đều có thể xảy ra.
Nếu có được chiếc tàu cấp cứu chuyên dụng sẽ tiết kiệm được "thời gian vàng" cấp cứu cho người dân, khách du lịch, ngư dân đánh bắt trên biển.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ (giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ):
Ưu tiên phương tiện chuyển viện an toàn
Trạm y tế xã đảo Thạnh An và ấp Thiềng Liềng trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ luôn có sự phối hợp nhịp nhàng mỗi khi vận chuyển người bệnh cấp cứu như tăng cường nguồn lực, trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển...
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất và đáng tập trung nhất là phương tiện cấp cứu trên biển gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi dông bão, lực lượng nhân viên y tế và người bệnh trong hoàn cảnh rất nguy hiểm.
Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong muốn có được chiếc tàu cấp cứu hiện đại an toàn, chịu được sóng gió.
Hơn nữa trường hợp có những ca bệnh quá nặng, y bác sĩ có thể điều trị cho bệnh nhân ngay trên tàu rất tiện và an toàn trước khi vào bờ. Đây là điều cần thiết và cấp bách đối với bà con xã đảo Thạnh An nói riêng và người dân huyện Cần Giờ nói chung.