"Vậy, tại sao bạn không tận hưởng khung cảnh của chùa Cầu, phố cổ và đèn lồng ngay từ bây giờ", SCMP, nhật báo hàng đầu Hong Kong, chia sẻ.
Phố cổ Hội An vẫn còn vắng du khách quốc tế sau đại dịch.
Chợ Hội An là bản giao hưởng của âm thanh, màu sắc và mùi vị. Tiếng còi xe liên tục, dồn dập. Các giác quan dường như bị tấn công, nhưng với Việt Nguyễn, hướng dẫn viên du lịch, thị trường du khách vẫn quá yên tĩnh.
"Những năm trước đại dịch, vào tầm này, buổi sáng chợ chật ních du khách quốc tế. Nhưng giờ chỉ toàn người địa phương. Tôi ước tính chỉ khoảng 30% lượng khách du lịch so với 2019. Như vậy là chưa đủ với Hội An. Chúng tôi cần du khách quay trở lại", Việt nói.
Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế vào tháng 3, ngay sau đại dịch. Dòng chảy du khách quốc tế hiện vẫn nhỏ giọt, chưa trở thành dòng nước lũ nhưng điều đó chắc chắn sẽ sớm xảy ra khi khách du lịch Trung Quốc có thể đi du lịch trở lại. Có nghĩa, bây giờ sẽ là thời điểm tốt nhất để đến thăm Hội An.
Nằm trên bờ biển của tỉnh Quảng Nam, Hội An phát triển dựa vào dòng sông Thu Bồn và đô thị cảng cổ từ thế kỷ 15 này vẫn đang được bảo tồn khá tốt, được UNESCO công nhận di sản thế giới năm 1999. Phần lớn sự quyến rũ của Hội An là sự kết hợp giữa các nền văn hóa với thiết kế và kiến trúc bản địa, ảnh hưởng của cả Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc...
Khu phố cổ Hội An có nhiều căn nhà truyền thống mở cửa cho công chúng tham quan, nhiều nhà trong số đó vẫn thuộc sở hữu của con cháu các thương nhân đã xây dựng chúng từ thời xưa. Chẳng hạn, cách chùa Cầu không xa là căn nhà có tên Tân Kỳ được xây dựng cách đây hai thế kỷ và trải qua 7 thế hệ, hiện các thành viên của gia đình vẫn đang ở đây. Nội thất căn nhà thể hiện rõ ràng những ảnh hưởng của Nhật Bản và Trung Quốc, từ dầm mái cho đến các khảm xà cừ...
"Thật khó khăn nhưng tôi tin điều tồi tệ nhất đang ở phía sau. Những du khách trước đây còn do dự giờ rất muốn đi du lịch trở lại và Hội An đang sẵn sàng chào đón", ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Victoria Hội An trao đổi với SCMP.