Báo Mỹ tiết lộ cách Israel chế 'con ngựa thành Troy thời hiện đại' – máy nhắn tin phát nổ

19/09/2024 18:30

Tờ New York Times dẫn lời các quan chức tình báo và quốc phòng cho biết tình báo Israel không can thiệp vào những chiếc máy nhắn tin phát nổ của Hezbollah. Họ chế tạo chúng như một phần của một âm mưu tinh vi kiểu "con ngựa thành Troy".

Chú thích ảnh
Bộ đàm được sử dụng bởi thành viên lực lượng Hezbollah tại Beirut, Liban ngày 18/9. Ảnh: THX/TTXVN

Những chiếc máy nhắn tin bắt đầu kêu bíp bíp ngay sau lúc ba rưỡi chiều tại Liban ngày 17/9, báo hiệu cho các thành viên Hezbollah về một thông điệp từ ban lãnh đạo của họ, giữa một điệp khúc của tiếng chuông, giai điệu và tiếng vo ve.

Nhưng đó không phải là thông điệp từ những thủ lĩnh Hezbollah. Thông tin đã được gửi tới bởi kẻ thù không đội trời chung của Hezbollah, và chỉ trong vài giây, theo sau âm thanh báo hiệu là những tiếng nổ và tiếng kêu đau đớn, hoảng loạn trên đường phố, trong các cửa hàng và ngôi nhà trên khắp Liban.

Chỉ cần một vài gam hợp chất nổ được giấu trong các thiết bị, loạt vụ nổ đã khiến những người đàn ông cao lớn bay khỏi xe máy và đập vào tường; những người đi mua sắm ngã xuống đất, quằn quại trong đau đớn, khói bốc lên từ túi của họ.

Mohammed Awada, 52 tuổi và con trai ông đã lái xe ngang qua một người đàn ông có máy nhắn tin phát nổ. Ông kể: "Con trai tôi hoảng loạn và bắt đầu hét lên khi nhìn thấy bàn tay của người đàn ông đó bay khỏi cơ thể ông ta".

Đến cuối ngày, ít nhất 10 người đã chết và hơn 2.700 người bị thương, nhiều người trong số họ nguy kịch. Và ngày hôm sau, thêm 20 người nữa đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương khi loạt máy bộ đàm ở Liban cũng bắt đầu phát nổ một cách bí ẩn. Một số người chết và bị thương là thành viên Hezbollah, nhưng những người khác thì không; bốn trong số những người chết là trẻ em.

Chú thích ảnh
Đám tang một thành viên Hezbollah tử vong trong vụ nổ máy nhắn tin ngày 17/9. Ảnh: New York Times

Israel không xác nhận cũng không phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong các vụ nổ, nhưng 12 quan chức quốc phòng và tình báo hiện tại và trước đây, những người đã được thông báo về vụ tấn công, cho biết người Israel đứng sau vụ việc, mô tả hoạt động này là phức tạp và đã được lên kế hoạch từ lâu. Họ đã trao đổi với tờ The New York Times trong điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của chủ đề.

Máy nhắn tin và bộ đàm có gắn bẫy là “loạt đạn” mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Hezbollah. Căng thẳng giữa hai bên đã leo thang sau khi chiến tranh bắt đầu ở Dải Gaza tháng 10 năm ngoái.

Chú thích ảnh
Các xe máy bị hư hại sau vụ nổ hàng loạt bộ đàm tại Baalbek, Liban ngày 18/9. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhóm được Iran hậu thuẫn như Hezbollah từ lâu đã dễ bị Israel tấn công bằng các công nghệ tinh vi. Ví dụ, vào năm 2020, Israel đã ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bằng một robot được A.I hỗ trợ và được điều khiển từ xa qua vệ tinh. Israel cũng đã sử dụng tin tặc để ngăn chặn sự phát triển hạt nhân của Iran.

Tại Liban, khi Israel hạ các chỉ huy cấp cao của Hezbollah bằng các vụ ám sát có chủ đích, thủ lĩnh của họ đã đi đến kết luận: Nếu Israel sử dụng công nghệ cao, Hezbollah sẽ sử dụng công nghệ thấp. Thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah đã nói rõ rằng Israel đang sử dụng mạng lưới điện thoại di động để xác định vị trí các thành viên của ông.

Ông phát biểu công khai trên truyền hình hồi tháng 2: "Các bạn hỏi tôi điệp viên ở đâu. Tôi nói với các bạn rằng điện thoại trong tay các bạn, trong tay vợ các bạn và trong tay con cái các bạn chính là điệp viên". Sau đó, ông đưa ra lời kêu gọi: “Chôn nó đi. Hãy cất nó vào một chiếc hộp sắt và khóa lại".

Trong nhiều năm, ông Nasrallah đã thúc đẩy Hezbollah đầu tư vào máy nhắn tin, chúng có thể nhận dữ liệu mà không tiết lộ vị trí của người dùng hoặc thông tin gây tổn hại khác.

Nhưng các quan chức tình báo Israel đã nhìn thấy một cơ hội.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah, phát biểu trên truyền hình trước những người ủng hộ. Ảnh: New York Times

Ngay cả trước khi ông Nasrallah quyết định mở rộng việc sử dụng máy nhắn tin, Israel đã đưa ra kế hoạch thành lập một công ty vỏ bọc đóng giả là một tổ chức quốc tế.

Theo các dấu hiệu, B.A.C. Consulting là một công ty có trụ sở tại Hungary đã ký hợp đồng nhượng quyền sản xuất các máy nhắn tin của công ty Đài Loan có tên Gold Apollo. Trên thực tế, theo ba sĩ quan tình báo được thông báo về hoạt động này, công ty tại Hungary này là một phần của mặt trận Israel. Họ cho biết ít nhất hai công ty vỏ bọc khác cũng được thành lập để che giấu danh tính thực sự của những người chế tạo ra máy nhắn tin: tình báo Israel.

B.A.C đã tiếp nhận các khách hàng thông thường, nơi công ty này sản xuất một loạt máy nhắn tin thông thường. Nhưng khách hàng duy nhất thực sự quan trọng của họ là Hezbollah, và máy nhắn tin dành cho họ không hề bình thường. Theo ba sĩ quan tình báo, chúng được sản xuất riêng, chứa pin có tẩm chất nổ PETN.

Các máy nhắn tin bắt đầu được vận chuyển đến Liban vào mùa hè năm 2022 với số lượng nhỏ, nhưng sản lượng đã nhanh chóng tăng lên sau khi thủ lĩnh Hezbollah, Nasrallah lên án điện thoại di động.

Nỗi lo sợ của ông Nasrallah một phần xuất phát từ các báo cáo của các đồng minh rằng Israel đã có được phương tiện mới để hack vào điện thoại, kích hoạt micrô và camera từ xa để theo dõi chủ sở hữu. Theo ba viên chức ngành tình báo, Israel đã đầu tư hàng triệu USD để phát triển công nghệ này, và tin đồn lan truyền trong Hezbollah cũng như các đồng minh rằng, không có phương tiện liên lạc nào qua điện thoại di động - ngay cả các ứng dụng nhắn tin được mã hóa - là an toàn nữa.

Chú thích ảnh
Trụ sở chính của B.A.C. Consulting tại Budapest. Ảnh: Getty Images

Ông Nasrallah không chỉ cấm điện thoại di động trong các cuộc họp của các thành viên Hezbollah mà còn ra lệnh rằng không bao giờ được trao đổi thông tin chi tiết về các hoạt động và kế hoạch của Hezbollah qua điện thoại di động - theo ba viên chức tình báo kể trên. Ông ra lệnh cho các sĩ quan Hezbollah phải luôn mang theo máy nhắn tin, và trong trường hợp xảy ra chiến tranh, máy nhắn tin sẽ được sử dụng để báo cho các chiến binh biết nơi cần đến.

Theo hai viên chức tình báo Mỹ, trong suốt mùa hè vừa qua, các lô hàng máy nhắn tin đến Liban đã tăng lên, với hàng nghìn chiếc được chuyển đến nước này và được phân phát cho các sĩ quan Hezbollah và đồng minh của họ.

Đối với Hezbollah, chúng là biện pháp phòng thủ, nhưng ở Israel, các sĩ quan tình báo coi máy nhắn tin là "nút bấm" có thể kích hoạt khi thời cơ chín muồi.

Và dường như khoảnh khắc đó đã đến trong tuần này.

Phát biểu trước nội các an ninh của mình vào ngày 16/9, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ làm mọi cách cần thiết để hơn 70.000 người Israel phải sơ tán do giao tranh với Hezbollah có thể trở về nhà. Ông cho biết những cư dân đó không thể trở về nếu không có "một sự thay đổi cơ bản về tình hình an ninh ở phía bắc", theo một tuyên bố từ văn phòng thủ tướng.

Vào ngày 17/9, lệnh kích hoạt máy nhắn tin đã được đưa ra. Theo ba quan chức tình báo và quốc phòng, để kích hoạt các vụ nổ, Israel đã kích hoạt máy nhắn tin để phát ra tiếng bíp và gửi cho người dùng một thông điệp bằng tiếng Arab có vẻ như đến từ ban lãnh đạo cấp cao của Hezbollah. Chỉ vài giây sau, Liban rơi vào hỗn loạn.

Do quá nhiều người bị thương và hỗn loạn, xe cứu thương bò trên đường phố và các bệnh viện nhanh chóng quá tải. Hezbollah cho biết ít nhất 8 chiến binh của họ đã thiệt mạng, nhưng những người không tham chiến cũng trở thành nạn nhân.

Ở miền Nam Liban, tại ngôi làng Saraain, bé gái Fatima Abdullah vừa mới về nhà sau ngày đầu tiên học lớp 4 thì nghe thấy máy nhắn tin của cha mình bắt đầu kêu bíp. Cô bé cầm máy lên để mang đến cho cha và đang cầm thì nó phát nổ, giết chết cô bé. Fatima mới 9 tuổi.

Chú thích ảnh
Đám tang cô bé Fatima Jaafar Mahmoud Abdullah ngày 18/9, một ngày sau vụ nổ máy nhắn tin khiến em tử vong. Ảnh: New York Times

Ngày 18/9, khi hàng nghìn người tụ tập ở vùng ngoại ô phía nam Beirut để tham dự một đám tang ngoài trời đưa tiễn hai người thiệt mạng trong vụ nổ, thì tình trạng hỗn loạn lại bùng phát: Một vụ nổ khác.

Giữa làn khói cay xè, những người đưa tang hoảng loạn chạy ra đường, tìm nơi trú ẩn trong các sảnh của các tòa nhà gần đó. Nhiều người lo sợ rằng điện thoại của họ, hoặc điện thoại của một người đứng cạnh họ trong đám đông, sắp phát nổ.

"Tắt điện thoại đi!", một số người hét lên. "Tháo pin ra!". Ngay sau đó, một giọng nói trên loa phóng thanh tại đám tang cũng thúc giục mọi người làm điều này.

Đối với người dân Liban, làn sóng nổ thứ hai là sự xác nhận cho bài học vừa ngày hôm trước: Họ hiện đang sống trong một thế giới mà các thiết bị truyền thông phổ biến nhất có thể biến thành công cụ giết người.

Một người phụ nữ tên Um Ibrahim đã chặn một phóng viên giữa lúc hỗn loạn và cầu xin được sử dụng nhờ điện thoại di động để gọi cho con mình. Tay run rẩy, cô quay số rồi gào lên trong hoảng sợ: “Tắt điện thoại của con ngay!”.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Báo Mỹ tiết lộ cách Israel chế 'con ngựa thành Troy thời hiện đại' – máy nhắn tin phát nổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO