Bao giờ hết cảnh chờ đợi xin chữ ký lãnh đạo trong bệnh án, giấy chuyển viện?

28/08/2023 13:16

Tại nhiều cơ sở y tế, cảnh nhân viên các khoa phòng giành nhiều giờ để chờ lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa ký giấy tờ, công văn, bệnh án, duyệt ra viện rất quen thuộc.

Tiến sĩ Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội), cho biết từ khi sử dụng chữ ký số, không còn chuyện nhân viên gọi điện “cháy máy” mỗi khi ông không có ở phòng làm việc, chỉ để hỏi khi nào ông có thể trở về cơ quan để ký duyệt hàng tập văn bản, bệnh án, giấy chuyển viện, ra viện...

Truy cập vào một ứng dụng (app) do chính bệnh viện phát triển, sử dụng nội bộ, bác sĩ Khuyến có thể kiểm tra các hồ sơ, giấy tờ chờ ký, đã được ký duyệt hoặc cần xem xét lại. Cơ sở y tế này đã chính thức chuyển sang dùng bệnh án điện tử từ ngày 12/8.

Trước đây, khi bệnh nhân có chỉ định chụp phim sẽ phải chờ đến khi có phim X-quang nhựa in ra, kèm theo kết quả đọc phim của bác sĩ X-quang kỹ thuật viên xét nghiệm và có xác nhận ký của nhân viên này, mang phim X-quang nhựa đến trực tiếp bác sĩ để ra kết luận cuối cùng.

Bác sĩ có thể xem bệnh án điện tử, kết quả chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân bất kỳ thời gian nào. Ảnh: Võ Thu 

Hiện nay, với việc triển khai bệnh án điện tử, sau khi chụp phim xong, bệnh nhân không phải chờ, kỹ thuật viên chụp phim sẽ đưa kết quả chụp trên hệ thống PACS, đẩy về trực tiếp cho bác sĩ khám bệnh qua app hoặc phần mềm Quản lý bệnh viện. Sau khi bác sĩ nhìn phim trên hệ thống PACS sẽ đọc kết quả và ký số vào kết quả.

Cách giải phóng bất cập của chữ ký thường

"Quy trình này tiết kiệm nhiều thời gian cho nhân viên y tế, bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân cấp cứu hoặc bệnh nhân trong phòng mổ cần thực hiện nhanh chóng khâu thực hiện cận lâm sàng", bác sĩ Khuyến nói.

Chữ ký số là nội dung quan trọng để một cơ sở khám chữa bệnh được công nhận chuyển dùng bệnh án điện tử. Theo quy định trong Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế, về nguyên tắc, hồ sơ bệnh án điện tử phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử.

Chữ ký số được thực hiện tiết kiệm nhiều thời gian cho thầy thuốc, bệnh nhân. Ảnh: Võ Thu 

Theo quy định của Bộ Y tế, nhân viên y tế, người bệnh hoặc người đại diện cho người bệnh sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số hợp pháp trong hồ sơ bệnh án điện tử. Trong trường hợp người nhập thông tin vào hồ sơ bệnh án điện tử sử dụng chữ ký điện tử thì người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh hoặc trưởng phó khoa hoặc người được phân công, ủy quyền, sử dụng chữ ký số hợp pháp để xác nhận chữ ký điện tử.

Trên cả nước, hiện có khoảng 50 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử. Tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên của Quảng Ninh chuyển sang bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc trung tâm, cho biết đang sử dụng chữ ký số USB Token do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp miễn phí và xác thực cho tất cả khoa phòng trong hồ sơ bệnh án điện tử. Tổng cộng, hiện cơ sở này có 140 người được cấp chữ ký số.

“Dùng chữ ký số vừa tiện lợi, khoa học, đặc biệt là thời gian thực, hiển thị thời gian tới từng giây tại thời điểm ký, do vậy chữ ký số thúc đẩy tính trách nhiệm với việc chung, thực hiện ký kịp thời để đáp ứng tính pháp lý của hồ sơ bệnh án điện tử. Chữ ký số cũng có tính bảo mật cao vì mỗi người có mật khẩu riêng”, bác sĩ Hùng cho biết.

Chữ ký số giúp “giải phóng” những bất cập của chữ ký thường, như tốn công sức in ấn văn bản, ký tay, chuyển tiếp ký, thậm chí chờ nửa ngày lãnh đạo bệnh viện, khoa phòng mới đi họp về để ký; đặc biệt chữ ký thường dễ bị giả mạo, bắt chước, nên không có tính xác thực cao.

Khác với Trung tâm Y tế Hải Hà, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình sử dụng hình thức chữ ký số HSM server, y bác sĩ, nhân viên không cần phải mang theo thiết bị USB, không lo ngại chuyện virus tấn công hệ thống máy tính của bệnh viện hoặc cổng của máy tính bị hỏng, không lo quên mật khẩu. Hình thức chữ ký số này cũng có thể ký trên nhiều thiết bị như máy tính bảng, app, trong khi USB token chưa thực hiện được việc này.

Hiện có 50% cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Vân Đình được cấp chữ ký số (khoảng 250 người). Họ là những người trực tiếp viết trên bệnh án điện tử, như điều dưỡng, dược sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh - các cán bộ này chịu trách nhiệm rất cao trong công tác lập, cập nhật ghi chép hồ sơ bệnh án điện tử.

Giải pháp thứ 2 là nhân viên y tế của bệnh viện này dùng chữ ký điện tử để ký, sau đó dùng chữ ký số để xác nhận chữ ký điện tử. Với các bệnh viện công bố bệnh án điện tử trên cổng thông tin của Bộ Y tế và sử dụng chữ ký số hiện đã được BHYT chấp nhận thanh toán. Với chữ ký điện tử, vân tay, ảnh chữ ký… được xác nhận lại bởi chữ ký số thì cũng được chấp nhận.

Còn những băn khoăn

Dù Bộ Y tế cho phép sử dụng chữ ký số hợp pháp để xác nhận chữ ký điện tử, nhưng chia sẻ với VietNamNet, một lãnh đạo bệnh viện ở Hà Nội bày tỏ băn khoăn về tính pháp lý với chữ ký điện tử, vân tay, ảnh chữ ký…

“Thực tế, một số công ty tài trợ cho các cơ sở khám chữa bệnh dùng một chữ ký số ủy quyền để chứng nhận nhiều chữ ký điện tử khác. Điều này giải quyết tốt về vấn đề kinh phí, có thể tiết kiệm cả trăm triệu đồng mỗi năm với một đơn vị có khoảng 250 chữ ký số cần thuê. Tuy nhiên, căn cứ pháp lý của vấn đề này ra sao vẫn chưa rõ ràng. Nếu sau này việc chứng nhận bởi chữ ký số này không được công nhận sẽ nảy sinh rắc rối vì hồ sơ đó không thể ký lại, bệnh nhân đã ra viện…”, vị này cho hay.

Còn tại Hải Hà, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng cho biết trong quá trình sử dụng, có một số thiết bị Token bị lỗi không sử dụng được, đơn vị phải làm thủ tục trình Ban Cơ yếu Chính phủ phê duyệt và cấp lại thiết bị. Do đó, trong thời gian này, người dùng sẽ không có thiết bị Token để có thể ký số trong bệnh án điện tử.

Giải pháp nào với những giấy tờ cần chữ ký "tươi"?

Liên quan đến chữ ký số, nhiều bệnh viện băn khoăn trong tình huống cấp cứu, cần chữ ký "tươi" của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người giám hộ…, họ sẽ phải ký vào đâu nếu không được cấp chữ ký số, chữ ký điện tử?

Theo Tiến sĩ Khuyến, dù đã chuyển sang dùng bệnh án điện tử nhưng một số nội dung hiện vẫn chưa thể số hóa được hết. Ví dụ, trường hợp văn bản cần có chữ ký “tươi” như bảng công khai thuốc, vật tư, dịch vụ đầu giường, kết quả điện tim được in ra từ các dòng máy điện tim cũ không hỗ trợ kết nối với hệ thống phần mềm, hoặc như tình huống cấp cứu, khoa, phòng vẫn lấy chữ ký “tươi”, sau đó cần scan để đưa vào hồ sơ bệnh án điện tử tương ứng, dùng chữ ký số của nhân viên y tế xác nhận và chuyển bản có chữ ký “tươi” về lưu trữ theo quy định.

Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đang thực hiện theo quy trình scan những giấy tờ đã có chữ ký “tươi” của bệnh nhân để lưu trữ vào bệnh án điện tử, đồng thời vẫn phải lưu lại bản giấy đưa vào hồ sơ lưu trữ.

“Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về việc cho phép người bệnh sử dụng chữ ký điện tử, sử dụng bảng ký điện tử, sử dụng thiết bị sinh trắc học,… để ký số lên bệnh án điện tử”, bác sĩ Hùng cho hay.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bao-gio-het-canh-cho-doi-de-xin-chu-ky-trong-benh-an-giay-chuyen-vien-2182087.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/bao-gio-het-canh-cho-doi-de-xin-chu-ky-trong-benh-an-giay-chuyen-vien-2182087.html
Bài liên quan
  • Vì đâu các bệnh viện lớn xóa sổ bệnh án giấy với tốc độ 'rùa bò'?
    Theo lộ trình của Bộ Y tế, các bệnh viện hạng I trở lên (135 bệnh viện) hết năm 2023 phải triển khai bệnh án điện tử, nhưng đến nay cả nước mới chỉ có 50 cơ sở y tế thực hiện trong đó chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào thực hiện (Việt Đức, Bạch Mai, K, Trung ương Quân đội 108, Trung ương Huế…).
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết cảnh chờ đợi xin chữ ký lãnh đạo trong bệnh án, giấy chuyển viện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO