Báo chí phải đi đầu trong những vấn đề lớn và mới của đất nước

22/12/2023 15:27

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để phát huy những giá trị cốt lõi là tính cách mạng và tính tiên phong, ngày nay báo chí phải đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước và của Đảng.

Đối mặt với những khó khăn về kinh tế, bị mạng xã hội cạnh tranh quyết liệt, nguy cơ đi sau về công nghệ…, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn cần gìn giữ và phát huy giá trị cốt lõi; và cũng cần được hỗ trợ để giải các bài toán của mình. VietNamNet giới thiệu một số ý kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi trò chuyện với Tổng biên tập các cơ quan báo chí.

nguyen manh hung 5.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí phải đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước và của Đảng.

Quản lý báo chí “ba chân” là điều rất đặc biệt của Việt Nam; trong đó Ban Tuyên giáo chỉ đạo nội dung, Bộ TT&TT quản lý Nhà nước còn Hội Nhà báo thì quản lý về đạo đức, tiêu chuẩn nghề nghiệp. Biết vận dụng khéo “ba chân” này sẽ rất tốt; khéo là ở chỗ khi nào thì dùng chân nào làm chính.

Hiện nay, báo chí đang phải đối mặt với một số vấn đề lớn.

Về kinh tế báo chí: Nguồn thu giảm đi do bị mạng xã hội (MXH) lấy mất thị phần, số lượng báo lại nhiều. Thị phần quảng cáo trực tuyến chỉ còn khoảng 30-35%, do MXH chiếm thị phần. Số lượng báo chí lại nhiều. Đa số các báo phải tự chủ, bươn chải thị trường, đời sống khó khăn. Công nghệ thay đổi, báo chí chưa theo kịp.

Khi xã hội hoá, tự chủ báo chí, ngân sách nhà nước hạn chế nên phó mặc cho thị trường, nhưng phó mặc cho thị trường hết cũng không đúng vì là báo chí cách mạng.

Về các nguồn thông tin: MXH phát triển thì ai cũng làm báo được. Trong khi đó, xã hội vẫn nhận thức rằng tin giả là do báo chí, kể cả là tin giả của MXH. Quản lý nội dung xuyên biên giới cũng còn nhiều thách thức.

Hiện tượng buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản báo chí, của Tổng biên tập hay việc quản lý PV, PV thường trú tại các địa phương còn lỏng lẻo. Đạo đức báo chí, tiêu chuẩn nghề nghiệp xuống cấp. Không chỉ đối mặt nguy cơ đi sau về công nghệ, trong làng báo còn tồn tại hiện tượng “báo hoá” tạp chí, trang tin, MXH…

Có một số cách thức tháo gỡ khó khăn cho báo chí.

Về thuế, cần xác định rằng công ty truyền thông khác cơ quan báo chí cách mạng. Nên giảm thuế cho báo chí xuống 10%, còn công ty truyền thông thì giữ ở mức 20%.

Cơ chế đặt hàng báo chí cũng là một giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn. Ngân sách tăng thêm giúp báo chí 0,1%. Đặt hàng là định hướng. Đặt hàng chứ không phải bao cấp. Đây là cách giúp trong lúc báo chí đã bị mất 50% doanh thu quảng cáo vào tay MXH. Trong kinh tế báo chí, bao cấp 100% thì không đúng nhưng 100% tự chủ cũng không đúng. Tỷ lệ ngân sách/tự chủ nên là 30/70. Vì là báo chí cách mạng có phần định hướng, nên phải có tỷ lệ 30% ngân sách.

bao chi.jpg
Ngoài đưa tin, báo chí nên phân tích nhiều hơn, điều tra phóng sự nhiều hơn, những bài viết xã luận nhiều hơn.  Trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại một cuộc họp báo. Ảnh: Hoàng Hà.

Về công nghệ mới, Bộ TT&TT đứng ra đào tạo, giúp đỡ các cơ quan báo chí. Về nhân lực, cần đảm bảo lương cho PV phải theo cơ chế thị trường. Các báo có “phần thị trường” để có thể trả lương theo thị trường.

Với hiện tượng trùng lắp khi mua thông tin nước ngoài, thiếu CSDL để chia sẻ, Bộ TT&TT nghiên cứu chủ đề này để giải quyết. Bộ cũng làm việc với nhà mạng để hỗ trợ băng thông cho cơ quan báo chí.

Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại của báo chí.

Việc sách nhiễu doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng là thiệt hại cho nền kinh tế. Hiện tượng giật tít, đưa tin giật gân còn nhiều. Khai thác quá sâu đời tư, chi tiết. Đưa nhiều tin tiêu cực, tạo nên bức tranh xã hội màu xám.

Trong khâu đánh giá chất lượng, chỉ bám vào view (lượng truy cập) để đánh giá bài viết cũng không tốt. "Báo hoá" tạp chí, "báo hoá" trang tin, "báo hoá" mạng xã hội. Quản lý phóng viên lỏng lẻo. Vai trò của cơ quan chủ quản báo chí, của Tổng biên tập chưa cao. Vai trò một số chi hội nhà báo yếu. Đấu tranh phản bác các sai trái yếu. Một số báo chưa bám sát tôn chỉ, mục đích.

Muốn đi xa thì phải về gần. Báo chí muốn đi tiếp thì phải quay về hơn 90 năm trước đây, khi báo chí cách mạng ra đời, để tìm lại những giá trị cốt lõi của mình. Đó là tính cách mạng và tính tiên phong. Báo chí phải đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước và của Đảng. Báo chí cũng phải đi đầu trong việc bảo vệ những nền tảng giá trị của chế độ ta. Với thời đại thông tin như ngày nay thì đi sau nghĩa là không còn giá trị.

Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam. Dòng chảy chính của xã hội ta là tốt đẹp, công cuộc đổi mới của đất nước đang làm Việt Nam thay đổi từng ngày, hơn 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao, Việt Nam từ một nước nghèo, chậm phát triển đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính đó. Không thể để dòng phụ của xã hội thành dòng chính trên mặt báo.

Báo chí, truyền thông phải tạo đồng thuận, niềm tin xã hội. Dù viết gì, dù khen hay chê, dù đưa tin tốt hay xấu, thì đều phải vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của đất nước, lợi ích của đại cục. Không thể làm xói mòn niềm tin xã hội. Những gương người tốt, việc tốt, doanh nghiệp tốt phải nhiều hơn trên báo chí.

bao chi 1.jpg
Báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình về đưa tin có kiểm chứng, vì lợi ích chung. Trong ảnh: Phóng viên phỏng vấn đại biểu Quốc hội bên hành lang hội nghị. Ảnh: Hoàng Hà.

Báo chí tạo nên khát vọng dân tộc thịnh vượng, hùng cường. Tài nguyên vật chất rồi cũng cạn kiệt, chỉ còn tài nguyên trong não mỗi người Việt Nam là vô hạn. Nhưng điều gì để kích hoạt được tài nguyên vô hạn đó? Đó là khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Khát vọng Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển, thịnh vượng vào năm 2045, khi đất nước tròn 100 năm giành được độc lập. Báo chí phải góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng đó.

Sự xuất hiện của MXH, bên cạnh mặt tích cực thì tin thiếu kiểm chứng, tin xuyên tạc, tin xấu độc gây hại cho người dân, doanh nghiệp và chế độ đang ngày càng gia tăng. Tiếng ồn đó đang có nguy cơ lấn át báo chí.

Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình về đưa tin có kiểm chứng, vì lợi ích chung.

Cuộc đấu tranh chống lại tin xuyên tạc và xấu độc là sứ mạng mới của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định lại vai trò của báo chí trong giai đoạn mới.

Báo chí ngoài đưa tin thì nên phân tích nhiều hơn, điều tra phóng sự nhiều hơn, những bài viết xã luận nhiều hơn. Ngoài đưa tin về những tồn tại thì nhiều hơn những đề xuất góp phần cho đất nước phát triển. Là những cái mà MXH không làm được.

Cái xấu, cái tồn tại luôn có ở ngoài kia. Nhưng chỉ ra cái xấu, cái tồn tại và đấu tranh với nó luôn tạo động lực cho sự phát triển bền vững của chúng ta. Báo chí cách mạng phải luôn tiên phong trong cuộc đấu tranh này.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, khi mà công nghệ, nhất là công nghệ số đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của kinh tế - văn hoá - xã hội. Báo chí phải áp dụng công nghệ nhiều hơn, thậm chí đi đầu trong áp dụng công nghệ mới. Vì chính công nghệ sẽ giúp báo chí giải quyết được các vấn đề của mình, cả vấn đề cũ và vấn đề mới.

Chính phủ sẽ tạo các cơ chế mới cho báo chí phát triển: Tự chủ báo chí phải được hiểu theo nghĩa cái nào tự chủ được thì phải tự chủ hơn, cái nào cần hỗ trợ, đặt hàng, giao nhiệm vụ thì vẫn phải làm. Chính phủ phải có thêm ngân sách để đặt hàng báo chí. Xem xét thuế cho các cơ quan báo chí cách mạng. Đào tạo nhân lực cho báo chí cách mạng phải là một phần trách nhiệm của Chính phủ. Chính phủ sẽ tạo điều kiện để hình thành một số cơ quan báo chí có qui mô lớn, làm đầu tàu cho báo chí Việt Nam. Hỗ trợ công nghệ, CSDL chia sẻ dùng chung. Các công ty cung cấp nội dung, nền tảng xuyên biên giới sẽ phải hoạt động theo luật pháp Việt Nam, giống như các công ty trong nước để đảm bảo sự công bằng cho các công ty trong nước.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Báo chí phải đi đầu trong những vấn đề lớn và mới của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO