Bánh mì Sài Gòn và 2 thứ thấy 'kì kì'

Minh Minh| 24/12/2021 12:20

Tôi sống ở Sài Gòn cũng tròm trèm 30 năm, còn về mặt giấy tờ, thì đã là chánh thức là dân của thành phố này từ mười mấy năm. Nhưng nhiều khi, trong chuyện ăn uống, vẫn lòi ra cái gốc nhập cư từ miền Trung. Thí dụ như chuyện nước chan và chuyện giá cái bánh mì.

Bạn tôi gọi điện hỏi ăn bánh mì không, mua cho một ổ. Đang tính nói thôi, gì chớ bánh mì thì đâu cũng như nhau, cần chi mời mọc, chưa kể chạy từ Phú Nhuận qua quận 11 để ăn ổ bánh mì thì mất công quá. Nhưng, khi nghe bạn nói đây là chỗ bán bánh mì có rưới nước chan ngon có tiếng của quận 11, chỉ bán buổi tối. Thế là tôi gật đầu vù qua liền!

Bạn biết thừa tôi khó mà từ chối, vì từ khi lập nghiệp ở Sài Gòn, tôi, cũng như bạn và nhiều người gốc gác miền Trung tha hương khác, còn mang theo cả nỗi nhớ, sự thèm ổ bánh mì có rưới nước chan.

h-3.jpg
Một ổ bánh mì giá 20.000 đồng ở quận 11, có nước chan.

Kể cũng lạ, có cảm giác như bánh mì Sài Gòn, hễ cái gì cho vào ổ bánh được là người ta cho tất cả vào thì phải, chỉ trừ và thiếu một thứ vĩnh viễn đã làm nên cái hồn của ổ bánh mì miền Trung: nước chan. Cứ rảo một vòng khắp các tiệm nổi tiếng là biết! ( Dù nghe nói, xưa kia ổ bánh mì có nước chan từng xuất hiện khắp nơi và tôi cũng chưa tìm được ai trả lời vì sao nó bỗng “tuyệt chủng”, chỉ trừ khi người ta bán thứ bánh mì quá đặc trưng như xíu mại, nhưng đó lại là gu bánh mì từ Đà Lạt du nhập Sài Gòn rồi!)

Cũng xin nói thêm, so với bánh mì Sài Gòn, bánh mì Đà Nẵng là vô địch về số loại nhân-mà các bạn trẻ bây giờ hay gọi là “topping”, không hề thua kém, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Từ chả heo, thịt nguội, bơ, chà bông, pha tê, thịt quay đến chả cá, chả bò, khô bò, cá rim, thịt nướng, thịt xíu, bột lọc …

Người bán không tham, khách ăn loại gì thì cho loại đó vào theo yêu cầu của khách, một cách vừa phải. Nên ổ bánh không bao giờ bị quá tải, ứ hự. Và giá tiền, vì thế, cũng hợp lý, bình dân.

Bao nhiêu năm ở Sài Gòn, tôi vẫn không hiểu sao, bánh mì dù ngọc ngà nổi tiếng với giá trên trời cách mấy cũng không xài nước chan như bánh mì miền Trung. Sau khi kết thúc phần cho nhân vào bánh xong, người bán chỉ cầm chai nước tương tung tẩy xịt sơ xịa lên ổ bánh mì, thêm chút muối tiêu. Hoặc có lẽ, ổ bánh nó có quá ứ hự topping rồi nên không cần nước chan nữa nhỉ?

Riêng với tôi, cho nước chan rưới lên ổ bánh là rất cần thiết, như bữa ăn cơm ngồi vào bàn dù đã có 5-7 món ngon, thì nhất định vẫn cần một chén nước chan vậy đó.

Gọi là nước chan, nước sốt hay đại loại một thứ nước tương tự như vậy, mà thần thánh lắm. Thường là người bán tự làm, nên mỗi tiệm, dù cũng là nước chan, lại có hương vị riêng như một cách để giữ chân thực khách. Có thể đó là nước thịt, nước xíu mại, nước sốt… mà nhờ món nước ấy rưới vô, làm ổ bánh mì thêm đậm vị, làm những phần nhạt của ruột bánh mà các loại nhưng kẹp vô không đủ sức thấm, được mặn mà hơn. Nó như món giúp kết nối giữa ổ bánh mì và các loại nhân kẹp vào trong đó vậy.

Điều thứ nhất tôi thấy “kỳ kỳ” ở bánh mì Sài Gòn là vậy đó.

h-2(1).jpg

Thực khách thèm nước chan, nhiều khi đành mua bánh mì bò nướng, mới có nước sốt rưới lên, coi như đỡ thèm vậy.

Điều thứ nhì, là giá ổ bánh mì không biết sao mà lần, chưa ở nơi đâu mà ổ bánh mì có nhiều giá như ở Sài Gòn.

Thành phố này có lẽ là nơi hiếm hoi mà giá bánh mì nơi thì thấp vừa tầm tay người lao động, chỗ thì phải có cái sào mới với lên tới trời. Có khi chỉ cách nhau một cây cầu, khác nhau vị trí mà giá ổ bánh có thể chênh nhau đến 4-5 lần và hơn thế nữa!

Ở khu Phú Nhuận, 15.000 đồng/ ổ là bình thường, nếu bạn bỏ tiền ra mua ăn ổ bánh mì giá 20-25.000 đồng còn tạm chấp nhận. Thỉnh thoảng ta bắt gặp mấy xe bánh mì thịt nướng dạo có mái che của mấy cô mấy dì miền Trung, bán có 12.000 đồng/ổ, mà nhiều khi thấy khách thương thương thôi lấy 10.000 đồng cũng được. Nghĩa là, theo cái sự điều tra bỏ túi của tôi, quanh khu Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, không thấy chỗ nào bán lên đến mức 30.0000/ổ, mà nếu có thì sẽ bị cho là quá mắc, dân tình sẽ bảo thôi ăn tô hủ tiếu hay bún bò Huế bình dân còn hợp lý hơn!

Nhưng chỉ cần băng qua cầu Bông, cầu Kiệu hay cầu sắt Trần Khánh Dư, tiến vào quận 1, ổ bánh mì chợt mở rộng biên độ giá như thể “ton sour ton” với cái sự đắt đỏ của khu trung tâm Sài Gòn. Giá bán chỉ cách một cây cầu mà đội lên gấp đôi, thậm chí gấp 3! Dĩ nhiên, phần lớn những tiệm bánh mì gây chú ý ồn ào đều ở khu trung tâm, ở Q.1, Q.3. Chuyện bánh mì Huynh Hoa đang gây xôn xao trên mạng xã hội là một thí dụ, suýt soát 60 ngàn đồng! Nếu là thực khách mới tới Sài Gòn, chưa được tư vấn kỹ, chỉ cần đi lạ địa bàn, cầm 20 ngàn đồng bạn chắc chắn mua được gói xôi, mớ khoai, sắn ăn sáng, chứ chưa chắc là mua được ổ bánh mì.

h-4.jpg
Bánh mì Sài Gòn, dù là vỉa hè, nhưng nếu ở khu trung tâm, dễ có giá cao hơn so với các khu vực khác trong thành phố

Mà ổ bánh mì ở khu trung tâm thành phố luôn đầy ứ hự hơn các nơi khác. Nhiều khi mua ở cầm ổ bánh mua ở Huynh Hoa, Sáu Minh, Như Lan…, phải nói quá một chút là có… khi trĩu cả tay vì nhân bánh kẹp trong đó quá nhiều! Tôi cứ thấy lạ, là sao người ta cứ phải cho một tập hợp các loại nhân vào chiếc bánh mì nhỏ. Cảm tưởng như cái gì có thể nhét được là dấn hết vào, làm ổ bánh mì rạn vỡ và ọp ép vì phải làm cái kẹp bất đắt dĩ cho bao nhiêu là chả, thịt, thịt quay, thịt nguội, chà bông, pa tê, jambong, xúc xích… Nhiều người hóm hỉnh gọi những chiếc bánh đắt tiền ấy không phải bánh mì khẹp thịt chả mà là… thịt chả kẹp bánh mì! Mà không ít người mua về ăn không hết nửa ổ, phải đi cậy nhờ người khác ăn ké, nhứt là chị em phụ nữ!

Trông ổ bánh tội nghiệp như cái vali bị chủ nhân ráng sức nhồi nhét quần áo vào cho chuyến đi xa mà mãi vẫn không kéo khóa được!

Hẳn nhiên, nhân càng nhiều loại thì bánh càng nhiều tiền và thực khách thì thích ăn bằng mắt! Cái bánh mì bình dân phổ cập ai cũng được ăn bỗng nhiều lúc trở thành một dấu hiệu khẳng định sự sành điệu. Chiếc bánh thân thiết bỗng nhiên vô tình trở thành “công cụ” để phân biệt mức sống và độ sành ăn, hợp trend của thực khách.

h-1.jpg
Tiệm bánh mì Huynh Hoa, dù đã thay tên đổi chủ, thời gian này vẫn luôn đông khách gửi xe xếp hàng chờ tới lượt để mua, kể cả các shipper, dù giá không hề rẻ!

Nhiều khi tôi tặc lưỡi sao mình nhiều chuyện thế, thôi nghĩ tích cực đi, như vậy là ở Sài Gòn, ai cũng ăn được và được ăn bánh mì vậy. Ổ bánh mì vốn rất bao dung và dễ kết hợp, cái gì ăn, kẹp với nó cũng ngon cả. Nghĩa là, vốn tự thân nó đã ngon và dễ ăn, chứ không phải chỉ mua ở tiệm nổi tiếng, đắt đỏ, được cho là sành điệu, mới là ngon.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bánh mì Sài Gòn và 2 thứ thấy 'kì kì'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO