Ngày 23-9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Còn cách xa thực tế
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết dự thảo đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật. Cụ thể, đã sửa đổi, bổ sung nội dung, tiêu chí và điều kiện cụ thể đối với một số khoản thu nhập được miễn thuế; quy định chi tiết các khoản thu nhập chịu thuế khác để bao quát các trường hợp trong thực tiễn. Dự thảo cũng sửa đổi quy định về việc nộp thuế đối với khoản thu nhập của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài theo hướng doanh nghiệp nộp thuế ngay trong kỳ tính thuế phát sinh khoản thu nhập thay cho việc nộp thuế tại thời điểm chuyển khoản thu nhập về Việt Nam.
Một trong những điểm mới khác của của dự thảo luật là việc thu thuế với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và trên nền tảng số. Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, dự thảo luật quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo hình thức kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh. Theo tìm hiểu của phóng viên, đến tháng 9-2024, có 106 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, tăng 10 nhà cung cấp so với tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (sở hữu Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...
Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ thực tiễn cho thấy sự bất cập về khái niệm "cơ sở thường trú" tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và các các hiệp định thuế. "Các quy định hiện nay chưa đáp ứng được thực tế của kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú "ảo" - không có hiện diện vật lý. Dự thảo luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành, do đó vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú về cơ bản chưa được giải quyết trong dự thảo luật" - ông Lê Quang Mạnh chỉ rõ.
Thậm chí, theo cơ quan thẩm tra, việc bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam - bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số - không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh "làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn, khó thực hiện". Thực tế, các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu thuộc các nước đã ký Hiệp định tránh thuế hai lần với Việt Nam, có nghĩa Việt Nam chỉ được quyền đánh thuế với thu nhập phát sinh của doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp họ có cơ sở thường trú tại đây. Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính hiệu quả của các quy định và nghiên cứu thêm các giải pháp, chính sách khác.
Lo ngại về "tuổi thọ" của luật
Tại phiên họp, nhiều ý kiến băn khoăn khi các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu được luật hóa từ các nghị định, thông tư hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng lo ngại điều này có thể dẫn đến tình trạng "tuổi thọ" của luật sau khi ban hành sẽ không cao, các quy định nhanh chóng lỗi thời, không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét dự thảo luật chưa cập nhật được các chính sách mới, quy định "vừa thiếu, vừa thừa", dễ chồng chéo với các luật khác. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý cần tiếp cận tổng thể các tiêu chí liên quan đến thuế, đánh giá kỹ về các sắc thuế, từ đó làm rõ các mục tiêu lớn một cách toàn diện hơn khi xây dựng dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn báo cáo thẩm tra cho thấy nội dung sửa đổi của luật là "chưa đáng kể", còn khoảng trống.
Nhấn mạnh phạm vi sửa đổi của luật cần phải có tính chất toàn diện hơn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cần làm rõ sửa điểm nào, vì sao phải sửa, với tinh thần "vướng cái gì thì sửa ngay cái đó; nội dung nào đã chín, đã rõ thì sửa ngay; nội dung nào chưa chín, chưa rõ thì nghiên cứu thêm". Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung sửa đổi phải tốt hơn nội dung cũ, tránh ban hành quy định mới lại khó thực hiện hơn quy định cũ, dẫn đến tình trạng "giữ cái cũ còn hay hơn". "Mục tiêu cuối cùng của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp là bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định, nâng cao tỉ lệ động viên thu nội địa, khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế xói mòn cơ sở thuế; bảo đảm công bằng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến thảo luận, làm việc tích cực, nếu bảo đảm chất lượng có thể trình dự án luật này ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2024, nếu chưa bảo đảm thì trình vào kỳ họp sau đó.
Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ
Dự thảo luật quy định thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ là 20% để thúc đẩy sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này. Riêng doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng thì được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỉ đồng đến không quá 50 tỉ đồng được áp thuế suất 17%.
Ưu đãi thuế suất ở mức 10% trong thời hạn 15 năm đối với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật, ươm tạo, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo dự kiến được giảm thuế suất về 17% trong 10 năm.
Xem xét báo cáo giám sát về thị trường bất động sản
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".
Dự thảo báo cáo kết quả giám sát đã đưa ra các nhận xét về kết quả đạt được trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, đã phân tích những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, nêu các kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan...