"Chị có thể giúp tôi đặt lời nhắn này vào Bức tường Than khóc được không?" Tôi cẩn thận nhận lấy một tờ giấy nhỏ có in hình Bức tường Than khóc, hay còn gọi là Bức tường phía Tây - nơi thiêng liêng nhất ở thành cổ Jerusalem. Ngay bên dưới hình vẽ là một dòng chữ được viết ngay ngắn: "Mong tìm lại được con trai Pieter của tôi".
Người ở chung trại tập trung với Anne Frank
"Đương nhiên rồi, nhất định tôi sẽ giúp chị", tôi nói với cô bạn Marti Nitrini. Khi biết tôi chuẩn bị đến Israel, cô ấy đã gửi gắm ước nguyện này cho tôi. Marti là người đã may mắn sống sót sau cuộc thảm sát Holocaust (cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành, dẫn tới cái chết của khoảng sáu triệu người Do Thái). Cách đây vài năm, tôi có viết một bài báo về quyển Nhật ký Anne Frank đăng trên tờ San Diego Union-Tribune. Sau khi đọc được bài viết ấy, Marti đã chủ động liên hệ với tôi qua điện thoại.
"Tôi từng ở chung trại tập trung với Anne Frank (nhà văn và tác giả hồi ký người Đức gốc Do Thái)", cô nhỏ nhẹ nói. Vì lòng hiếu kỳ, tôi đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh cuộc đời của Marti. Sau đó chúng tôi đã quyết định gặp nhau. Buổi sáng hôm ấy, khi chúng tôi cùng ngồi thưởng trà trong căn hộ ở thung lũng Mission của Marti, cô ấy đã thổ lộ với tôi câu chuyện kinh hoàng về cuộc đời mình, với những tình tiết mà trước giờ cô gần như chưa từng tiết lộ với ai.
Marti sinh năm 1918 ở thủ đô Praha của Cộng hòa Séc. Cô và hai người anh trai của mình đã có một tuổi thơ sung túc, đầm ấm bên gia đình. Cha cô là người Hungary còn mẹ là người Đức. Hai người làm chủ một số cửa hàng nhỏ chuyên bán đồ da và đồ trang sức theo yêu cầu. Cha mẹ muốn Marti học ở trường nữ sinh nên cô đã đến học ở một tu viện gần nhà.
"Đó là một ngôi trường Công giáo La Mã và tôi là người Do Thái duy nhất trong số năm trăm người ở đó", Marti kể. "Các sơ rất tốt bụng và dịu dàng. Tôi không bao giờ quên nơi ấy và vẫn thường ghé thăm trường mỗi khi có dịp về Praha."
Marti kết hôn năm mới mười lăm tuổi với một người đàn ông lớn hơn cô mười tuổi và yêu thương cô hết lòng. Dù ban đầu không nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ của Marti, nhưng sau đó đôi vợ chồng trẻ đã chung sống rất hạnh phúc. Năm 1938, con trai của họ - Pieter - ra đời.
Cuộc sống ấm êm, viên mãn của Marti tan vỡ vào một ngày năm 1942, khi gia đình cô nhận được lệnh tập trung tại một địa điểm để chuyển đến "khu nghỉ dưỡng đặc biệt" dành cho người Do Thái.
Vợ chồng Marti và đứa con trai nhỏ của họ bị đưa đến trại tập trung Theresienstadt ở Séc. Marti và Pieter sống trong một căn phòng tù túng rộng chưa tới ba mươi mét vuông cùng với bốn người mẹ và bảy đứa trẻ khác. Chồng cô thì bị đẩy sang một khu nhà khác, cách biệt với hai mẹ con.
Sau đó cả gia đình cô bị chuyển đến trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan.
Marti nhớ lại, khoảng thời gian đó mỗi người trong trại chỉ có một bát xúp loãng nấu với vỏ khoai tây và một lát bánh mì mỏng dính để cầm cự cả ngày. Vào mùa đông giá rét, cô chỉ mặc độc một chiếc váy và áo sơ mi bằng vải bông.
Cô hồi tưởng: "Đến lúc chuyển đến Auschwitz chúng tôi mới bắt đầu nhận ra… Khi nhìn thấy những ống khói, chúng tôi mới bàng hoàng hiểu ra mọi chuyện. Chị sẽ không tin nổi đâu. Một người bình thường sẽ không thể nào tin được chuyện như thế lại có thể xảy ra. Nhưng chúng tôi đã thấy các ống khói tỏa ra nghi ngút khói và ngửi thấy mùi thịt cháy thơm ngào ngạt".
Khi quân của đại tướng George S. Patton đến tấn công Hamburg, năm ngàn người ở trại Auschwitz đã được phái tới đó để dọn dẹp đống hoang tàn. "Chồng tôi đã lẻn đến gặp tôi và nói: 'Em ạ, nếu ở lại đây thì chắc chắn em sẽ không sống sót. Anh sẽ giữ Pieter, em hãy đi đi'."
Marti rùng mình nhớ lại cảnh tượng mình "trần truồng diễu hành trước mặt lính SS (Schutzstaffel một tổ chức bán quân sự trực thuộc Đảng Quốc xã dưới trướng Adolf Hitler)" để chúng "tuyển chọn", sau đó cô được chuyển đi bằng xe lửa đến Hamburg trong ba ngày. Ở đây, cô thường xuyên bị bỏ đói, đến mức phải bới thùng rác để tìm thức ăn.
"Một ngày nọ, tôi tìm được chiếc bánh kếp bị cháy mà có người đã vứt đi. Dù chỉ là một món đồ ăn thừa bị vứt bỏ, trong mắt tôi lúc ấy, đó chính là tia sáng hy vọng. Ngày đó, tìm được một củ cải để ăn còn quý hơn bắt được vàng. Chúng tôi thậm chí còn phải ăn cả gỗ cháy và lá cây."
Marti từng cố gắng bỏ trốn nhưng bị bắt lại và đánh đập tàn nhẫn, sau đó bị cưỡng ép lao động khổ sai. Đến ngày 1 tháng Tư năm 1945 (cũng là sinh nhật của cô), Marti bị chuyển đến trại Bergen-Belsen. Nơi này không hề có lấy một mẩu thức ăn nào, ngoại trừ một lát bánh mì mỏng dính được phát mỗi ngày, nhưng đã bị quân SS tẩm độc. Chính ở trại Bergen-Belsen, Marti đã nhìn thấy Anne Frank.
"Cô ấy nằm mê man trên giường", Marti thuật lại. "Tôi vẫn nhớ mái tóc đen và đôi mắt to tròn của cô gái đó. Cô ấy nằm lẻ loi ở đó một mình..."
Không lâu sau đó, Anne qua đời.
"Chúng ta phải kiên trì bước tiếp"
Đến ngày 15 tháng Tư, khi quân Anh giải phóng trại Bergen-Belsen, Marti đã hỗ trợ di chuyển những thi thể nằm la liệt khắp nơi để xe tăng của quân giải phóng chạy vào. Trong năm mươi ngàn tù nhân còn sống sót để đợi đến ngày tự do, có đến hai mươi lăm ngàn người đã qua đời chỉ trong vài ngày sau đó vì bệnh tật và suy kiệt.
Sau cuộc thảm sát Holocaust, Marti đã mất đi bốn mươi ba người thân, kể cả cha mẹ và chồng. Đến tận hôm nay, cô vẫn không biết được chuyện gì đã xảy ra với cậu con trai Pieter Reich của mình. Nếu Pieter còn sống thì năm nay anh đã năm mươi chín tuổi.
Năm 1945, cô chuyển đến Mỹ và từ đó đến nay đã tái hôn bốn lần, trong đó có một lần ly hôn và ba lần góa bụa. Nhưng cô không sinh con thêm lần nào nữa. Cách đây không lâu, công ty của đạo diễn Steven Spielberg (đạo diễn và đồng sản xuất bộ phimBản danh sách của Schindler - một trong những bộ phim nổi tiếng nhất nói về nạn diệt chủng Holocaust) tìm gặp Marti để quay một đoạn phỏng vấn.
Vài năm trước, Marti từng đến Israel để tìm kiếm tên Pieter ở Hall of Names - Sảnh Tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa Holocaust được xây dựng trong bảo tàng Yad Vashem tại Jerusalem. Cô đã tìm thấy tên con trai mình trong một danh sách, viết rằng lần cuối cùng người ta nhìn thấy anh là ở trại Bergen-Belsen. Đến tận hôm nay, Marti vẫn nuôi hy vọng rằng Pieter còn sống và vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm con trai.
Gần đây, khi có dịp đến thăm bảo tàng Yad Vashem, tôi đã ghé qua Sảnh Tưởng niệm trẻ em - nơi tưởng nhớ một triệu rưỡi trẻ em Do Thái đã thiệt mạng trong trận thảm sát Holocaust. Trong căn phòng tối, tĩnh mịch được lắp rất nhiều gương, sáu ngọn nến mặc niệm đang cháy phản chiếu qua những tấm gương và được nhân lên thành vô số ngọn nến, tượng trưng cho linh hồn của những đứa trẻ bất hạnh. Trong tiếng nhạc trầm buồn, huyền bí, tên tuổi và quê quán của từng đứa trẻ được đọc lên bằng giọng trang nghiêm. Tôi nghĩ đến Pieter - cậu con trai đã bị chia cắt với mẹ từ năm sáu tuổi của Marti và lắng nghe tiếng nấc nghẹn ngào của những người thuộc mọi tín ngưỡng và đến từ mọi quốc gia khi đi qua đài tưởng niệm.
Sau đó, khi đứng ở khu vực dành cho phụ nữ ở Bức tường phía Tây, tôi đã dừng lại giây lát để đọc lại lời cầu xin tha thiết mà Marti dành cho con trai mình. Làm sao một người mẹ có thể chịu nổi cảm giác không hay biết chuyện gì đã xảy ra với con mình? Làm sao Marti có thể chịu đựng được nỗi giày vò thấu tâm can đó trong suốt ngần ấy năm qua?
Tôi bước đến bức tường, gấp nhỏ tờ giấy của cô bạn lại rồi nhét vào một khe hở. Đây là điều bé nhỏ nhất mà tôi có thể làm giúp chị, Marti ạ. Tôi rì rầm đọc cầu nguyện cho bạn mình và cho Pieter. Kể từ ngày gặp Marti, tôi đã luôn ngưỡng mộ tinh thần mạnh mẽ, lạc quan bất chấp nghịch cảnh nghiệt ngã của cô.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi bỗng nhớ lại một câu mà Marti từng nói: "Chúng ta phải tiếp tục sống. Khi một cánh cửa đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra. Chúng ta phải kiên trì bước tiếp".