“Thỉnh Thánh”...
“Thỉnh mời Đệ Nhất Thánh Tiên
Sắc phong Chế Thắng xe loan ngự về”
(Trích văn Mẫu Đệ Nhất)
“Thỉnh mời Cô Bé suối ngang
Anh linh chắc giáng điện đường hôm nay”
(Trích văn Cô Bé Suối Ngang)
Trên đây là hai trong rất nhiều làn điệu thỉnh Thánh của cung văn trong mỗi giá hầu. Trong nghi lễ hầu đồng, cung văn phải lần lượt dâng nhiều bản văn khác nhau ứng với các vị Thánh trong điện thần Tam phủ/Tứ phủ theo thứ tự từ cao xuống thấp. Bắt đầu từ ba vị Thánh Mẫu đến ngũ vị Tôn Ông, hàng chầu, hàng ông Hoàng, hàng Cô, hàng Cậu. Những nơi thờ Trần triều thì thỉnh mời đức Đại Vương cùng nhị vị Vương Cô, các quan Triều Trần sau khi thỉnh mời Thánh Mẫu.
Người dân đang vỗ tay theo làn điệu hát của cung văn và điệu múa của thanh đồng. (ảnh: Nhất Nam) |
Mỗi bản văn ứng với một vị Thánh - gọi là giá hầu hoặc giá đồng. Mỗi cuộc hầu đồng bao gồm nhiều giá hầu. Giữa các giá hầu, âm nhạc luôn được kết nối liên tục không ngừng nghỉ. Giá trước vừa kết thúc, giá sau phải bắt vào ngay lập tức với giai điệu thỉnh mời vị Thánh tiếp theo. Nếu ngài không giáng, thanh đồng xua tay ra hiệu, cung văn lại hát thỉnh mời vị Thánh kế tiếp. Giá nào Thánh chỉ giáng rồi thăng ngay thì thanh đồng vẫn để nguyên khăn và cung văn sẽ tiếp tục hát thỉnh cho đến khi có vị Thánh kế tiếp nhập hồn. Lúc này, thanh đồng tung khăn phủ điện thì cung văn bắt đầu diễn tấu bản văn mới.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Thư, nhận định: Giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đối với xã hội là tôn vinh người Mẹ, những người có công với dân với nước. Biểu tượng của tình yêu bao la, sự bao dung, che chở của người Mẹ. Lời ca, tiếng nhạc có ý nghĩa thiết thực trong sự kết nối giữa những cá nhân, nhóm người, cộng đồng người Việt ở trong nước, hải ngoại và các dân tộc khác trên thế giới. |
Sau điệu hát thỉnh, Thánh nhập, thanh đồng mở khăn phủ điện ra, tẩy mặt trang điểm, ăn trầu,... lúc này thường là điệu hát Dọc (hầu các giá Quan lớn, ông Hoàng). Nếu hầu các giá chầu, các Cô Sơn Trang, Thượng Ngàn thì điệu hát Xá. Sau đó là các vị Thánh “làm việc”, thì tùy theo mà hát các điệu khác cho phù hợp.
Theo các nghệ nhân cung văn, những lời văn trữ tình thường hát điệu Cờn. Lời thơ bảy chữ hoặc chữ Hán thì dùng điệu Phú. Các vị Thượng Ngàn và những khi múa hay ban tài phát lộc thì hay dùng điệu Xá, điệu Nhịp một, có khi là nhạc lưu không (thường đánh bài lưu thủy). Riêng Cô Bơ Thoải có điệu Chèo đò để Cô du ngoạn. Tuy nhiên, cung cách trên chỉ là thông lệ. Còn thực tế, khi hát văn lại phải linh hoạt, có khi phải thay đổi làn điệu do sự diễn biến của thanh đồng.
Âm nhạc có vai trò thỉnh Thánh và.... (Ảnh Nhất Nam) |
Ấy là khi Thánh nhập đồng và làm việc. Nhưng khi Thánh hồi cung, mà cung văn đang hát dở bản văn thì phải tức thời hát câu kết thúc mỗi giá đồng và diễn tấu phân đoạn chuyển tiếp. Hay có trường hợp Thánh nấn ná mãi chưa chịu hồi cung thì cung văn phải hát thêm văn (có thể hát lại một đoạn nào đó hoặc sáng tác tại chỗ).
Theo cung văn Nguyễn Văn Năm (Ninh Bình), tùy theo từng vị Thánh mà việc ban tài phát lộc, phán truyền nhanh hay lâu rồi thăng đồng. Cung văn cũng vì thế mà “nới văn”, “đảo văn”, “biến điệu” cho phù hợp. Khi Thánh hồi cung, thanh đồng thường ngồi lặng, rùng mình, hai tay bắt chéo trước trán, hoặc che quạt lên đầu để báo hiệu. Lúc này, hầu dâng phải nhanh chóng phủ khăn, cung văn đồng thời hát câu kết thúc giá hầu: Xe loan Thánh giá hồi cung.
....làm cho thanh đồng thêm hưng phấn. (ảnh Nhất Nam) |
“Nịnh đồng” và...
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Đức Thọ, thông thường, trong mỗi giá hầu, sau khi múa xong, các Thánh thường ngồi tựa bên gối xếp nghe văn, nghe hát ca ngợi sắc đẹp hoặc tài danh. Khi nào ưng ý thì vỗ tay xuống gối rồi ban thưởng tiền, hoa quả, rượu, trầu thuốc cho cung văn, cho con nhang đệ tử và mọi người tham dự quanh chiếu hầu.
Tiến sĩ Trần Hải Minh, nhận định: Nhìn từ góc độ văn hoá, thông qua nội dung các bài chầu văn, đã làm thức dậy trong ta lòng biết ơn, tưởng nhớ tới những người có công với đất nước. Từ đó có ý thức, trách nhiệm trong việc nối tiếp, gìn giữ truyền thống của ông cha ta để lại. Đồng thời giáo dục thế hệ trẻ kế thừa và phát huy, với đạo lý uống nước nhớ nguồn. |
Lúc này, việc ứng diễn giữa cung văn và thanh đồng được đề cao lên hàng đầu. Tuỳ theo sự hưng phấn tại chỗ của thanh đồng, cung văn sẽ co giãn bản văn theo tình huống diễn xướng, thậm chí việc bỏ hẳn một phần cũng được chấp nhận. Tính khuôn thước, bài bản và làn điệu thường bị phá vỡ hoặc cắt đứt. Chẳng hạn, cung văn có thể điệp câu, điệp từ, kéo dài câu văn, đệm thêm từ hoặc sáng tác tại chỗ khi thanh đồng hứng khởi nghe văn. Có thể ví lời ca tiếng hát của các nghệ nhân cung văn Tam phủ/Tứ phủ là “chất xúc tác” có lực tác động mạnh mẽ vào tinh thần các thanh đồng, làm cho thanh đồng bay vào trạng thái hư ảo.
Chả thế mà trong mỗi giá hầu, sau mỗi làn điệu hát, chúng ta thường nghe các từ mang tính biểu cảm rất cao như: lạy Cô! Cô đẹp quá! Cô xinh quá!; hoặc tiếng xuýt xoa: lạy Thánh! lạy Thánh! – đấy là lúc cung văn đang “nịnh đồng”.
Âm nhạc luôn là điểm thu hút đông đảo người xem tại lễ hầu đồng. (ảnh: Nhất Nam) |
Nhưng không phải cung văn nào cũng “nịnh đồng” tốt. Theo các nghệ nhân cung văn thì, người “nịnh đồng” tốt phải có thâm niên cả chục năm trong nghề, phải đạt được tầm cao về nghệ thuật hát chầu văn. Ở đây, không chỉ đàn ngọt hát hay mà phải có sự “linh cảm” với thanh đồng trong mỗi giá hầu. Bởi chỉ cần ánh mắt, nụ cười, biểu cảm khuôn mặt hay một cử chỉ tay của thanh đồng là cung văn có thể “nịnh” cho thanh đồng đạt đến độ thăng hoa khi hầu Thánh. Rồi múa quạt, lắc lư người, rồi uống rượu, hút thuốc, rồi mỗi lần ưng ý, thanh đồng lại đập tay bộp bộp xuống gối xếp và ban tài, phát lộc cho cung văn cho mọi người cận Thánh.
Nịnh đồng như Nhà văn biên khảo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Phan Kế Bình từng đề cập trong cuốn Việt Nam Phong Tục (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin năm 2003 rằng: “Bọn cung văn đàn ngọt hát hay thì đồng ban thưởng cho tiền cho lộc. Nịnh hót khéo nữa thì có khi đồng cởi cả ruột tượng ban cho”.
… “Dẫn hồn”
Theo những “con nhang” lớn tuổi kể lại, trường hợp rủ nhau từng nhóm 7 – 8 người đi xem hầu đồng, hay các cô gái trẻ bỏ nhà đi theo anh cung văn là hiện tượng không hiếm. Về chuyện này hãy nghe Nhà văn Nguyễn Dậu (1970, Tiếng hát, giọng hát chầu văn, đăng trên Tạp chí Văn hóa, số tết), ông kể lại: “… lúc còn thơ dại, sống trong một xóm thợ khốn đốn bên cạnh nhà máy xi măng Hải Phòng, tối nào tôi cũng lội qua đầm Thượng Lý, chui qua hàng rào xương rồng, tả xung hữu đột với đàn chó dữ, rồi mon men đến trước cửa đình của mụ đồng Cao, mụ ký Cách, mụ cai Điền mà mê mẩn nghe hát suốt đêm. Tôi nghe. Tôi ngắm. Tôi thèm thuồng và ước ao sao cho mình sau này trở thành một bác cung văn có đôi môi lem lẻm nhường kia. Người lớn trong xóm thợ thường nói rằng dân cung văn nó quyến gái đi như gió quyến lá. Điều đó hình như cũng có. Một bà dì, em mẹ tôi, cũng vì say đắm cái điệu tích tịch tình tang ứ ư … kia mà bỏ làng Cam Lộ đi biệt tích. Kế đó thì thiên hạ có đồn rằng đâu như thấy dì tôi cùng với một bác cung văn sứt răng cửa đàn hát tại vùng đền Sòng Phố Cát… Ông bà tôi buồn bực. Còn tôi, lạy thánh mớ bái, chứ cái hồi bé dại ấy, tôi lại mừng cho dì tôi”.
Người dân chen nhau để được vị trí tốt xem thanh đồng Vũ Thanh Bình, giá hầu Cô Bé Thượng (ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng) |
Có lẽ, nhờ Nhà văn Nguyễn Dậu, tôi mới lý giải được những băn khoăn từ khi dự lễ hầu đồng tại đền Cô Bơ (Thanh Hóa), đền Cô Ba Nhà Gác (Hòa Bình), chùa Bàn Long (Ninh Bình), đền Bảo Lộc (Nam Định),… hay ở một nơi nào đó. Là thường có một cô gái trẻ xinh đẹp, hay ngồi trò chuyện thân mật cùng một số bác cung văn. Lúc đầu cứ tưởng đó là người phụ giúp, nhưng khi được nghe cung văn hát, rồi nghe Nhà văn Nguyễn Dậu mô tả và được nghe các cụ cao tuổi trong làng kể lại, tôi mới hiểu được cái hay, cái đắm đuối của hát văn như thế nào. Và có lẽ cô gái mà tôi nhìn thấy trong những lần hầu đồng kia cũng bị quyến đi như vậy?
Một đặc trưng quan trọng của tín ngưỡng Thờ Mẫu là không hướng về đời sống sau cái chết mà là đời sống thực tại với ước vọng sức khoẻ, tài lộc và may mắn. |
Chia sẻ với Thời Đại, ông Trần Văn Hoàng (Bảo Lộc, Nam Định) cho biết, xem hầu đồng, đặc biệt là âm nhạc, nó làm cho tôi cảm thấy khoan khoái tinh thần, quên đi những mệt mỏi trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi có nhóm khoảng chục người, hễ ai biết chỗ nào có lễ hầu đồng, sắp xếp công việc, thời gian là rủ nhau đến xem. Không chỉ xem biểu diễn ở đền, phủ, các bài hát chầu văn là thể loại âm nhạc chính tôi thường nghe ở nhà.