Bài 1: Theo vợ bán xúc xích vỉa hè Sài Gòn

Trần Chánh Nghĩa| 06/12/2022 08:02

Chiếc quạt trên tay anh phe phẩy. Những cây xúc xích trên bếp than hồng chín đều bung lớn. Chị xẻ từng ổ bánh mì cho vào đó khi xà lách lúc cà chua và xịt lên tương ớt. Cây xúc xích nóng nổi anh vừa nướng xong được chị gắp cho vào ổ bánh mì sắp sẵn rồi kẹp lại cho vào hộp trao cho khách ...

Quán ven đường

Quán xúc xích Đức - Hamburger nằm trên một con đường tại quận 8 (TPHCM) đông khách. Đứng nướng xúc xích là một người đàn ông cao lớn, da trắng mắt xanh gốc Hà Lan. Chị người Việt bé nhỏ nhưng rất lanh lẹ - đứng cạnh anh - chế biến những ổ bánh khi có khách yêu cầu.

Quán nhỏ bên lề đường Dương Bá Trạc

Quán nhỏ và gọn nằm ngay vạch sơn cho phép sử dụng lề đường. Toàn bộ cơ ngơi của quán được đặt trên một chiếc xe tay ga. Bếp than ở phía đuôi xe. Trên yên xe là bàn chế biến. Nguyên vật liệu được sắp thứ tự trong cốp xe. Một tấm thực đơn với những món ăn chế biến từ xúc xích kèm theo đơn giá để khách hàng lựa chon được treo trên một thanh inox phủ kín phía trước. Chỉ thế thôi đã thành quán ven đường.

Quán bán sáng từ 6g - 9g30 và chiều từ 15g - 21g. Khách lúc nào cũng đông nhưng buổi chiều đông hơn buổi sáng. Chiều có thêm một phụ nữ đứng tuổi và một thanh niên phụ bán.

Tất cả quán nằm gọn trên chiếc xe tay ga

Quán không có chỗ ngồi. Khách chỉ đến mua về có khi đứng chật cả một đoạn lề đường. Họ thích bánh mì của quán vì nhiều lý do. Ngon, lạ miệng. Rẻ và sạch. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất của quán là một anh Tây đứng nướng xúc xích với bộ dáng hiền lành luôn mỉm cười với khách đã thu hút được nhiều người. Đúng thế. Cái nghề buôn bán ở vỉa hè, lề đường trong TP.HCM chỉ nơi đây duy nhất có người nước ngoài đứng bán. Nghề này không cần người có học, không cần người có vốn lớn thế nhưng chủ quán - đôi vợ chồng không còn trẻ này - cần mẫn hết ngày này qua ngày khác nhặt nhạnh từng đồng lãi để mưu sinh.

Chúng tôi đến quán vào buổi chiều. Cả 2 người đang tất bật. Người phụ nữ ngoài 60 tuổi, bà Trần Thị Ngọc Liên cho biết bà là mẹ của chị Phạm Thị Lan Trinh, người đứng bán cùng chồng là anh Cliford Alexander Van Toor (40 tuổi người Hà Lan)...

Đầu bếp chính, anh Cliford Alexander Van Toor

Bà Liên kể lại, quán bắt đầu bán từ năm 2014. Lúc đầu, quán được bày bán trước sân vận động Hoa Lư (P. Đa Kao, Q.1). Nơi đây trống trải. Chiếm lề đường, quán bung dù che nắng mưa. Rất nhiều lần trật tự đô thị phường đến hốt, phạt và cũng như bao người lao động lam lũ khác, Cliff tên thường gọi của anh rể người Hà Lan của bà, cũng tháo chạy. Cũng có lúc bị tịch thu, bị văng tung tóe ... nghĩa là mặc dù là người nước ngoài, Cliff cũng tảo tần nắng mưa như bất cứ một người VN nào.

Chị Lan Trinh chế biến bánh mì

Nhiều lần tôi khuyên vợ chồng chúng nó nên tìm việc gì khác để làm nhưng Cliff nói "đã lỡ mang cái nghiệp vào thân thì phải tới luôn". Chính vì thế mà gần đây, vợ chồng nó mới dọn về địa điểm này.

Câu chuyện tình hiếm có

Câu chuyện chồng Tây vợ Việt buôn bán lề đường khiến nhiều người hiếu kỳ muốn xem tận mắt khiến cho công việc buôn bán của Cliff và Trinh thuận lợi hơn. Ban đầu là hiếu kỳ bà con mua ăn thử. Rồi thì dư vị của xúc xích kèm theo công thức chế biến và cung cách phục vụ đã thu hút khá nhiều người.

Giao hàng

Song kiếm hợp bích

Bà Liên kể lại, từ ngày về địa điểm mới, công việc làm ăn của vợ chồng Cliff khắm khá hơn. Thức dậy từ 4g sáng khi Trinh còn đang ngủ, Cliff chuẩn bị phụ liệu như tương ớt, xà lách, cà chua. Tất cả cho lên xe một cách gọn gàng. Rồi sau đó mỗi người một xe cùng nhau di chuyển đến địa điểm bán hàng để đúng 5g là có thể phục vụ khách.

Dọn sạch trước khi về

Dọn hàng

Bà tâm sự với chúng tôi: "Cả nhà tôi ai cũng thương Cliff. Nó không nề hà bất cứ một việc gì, sẵn sàng gánh vác nặng nhọc cho vợ được nhẹ nhàng hơn. Cliff hòa nhập với cuộc sống người Việt khá nhanh. ăn uống dễ dàng và đôi khi kham khổ. Các loại mắm như mắm tôm, mắm nêm, mắm ruốc đều dùng được.

Trong công việc, Cliff rất nghiêm túc. Toàn bộ các phụ liệu Cliff đều mua của những nhãn hàng có uy tín. Không mua hàng trôi nổi cho dù rẻ đến bao nhiêu. Cliff không chịu nướng bằng than củi mà phải mua than gáo dừa. Loại than này có nhiều ưu điểm, không khói, không nổ, không văng bụi bám vào xúc xích, không cháy ra lửa ngọn v.v...

Nhưng có lẽ thương Cliff nhất là cứ mỗi lần bán xong, Cliff quét dọn vỉa hè như quét dọn nhà mình. Nhiều người góp ý cứ để thế một lát có nhân viên quét đường sẽ quét sạch hết rác nhưng Cliff nhất quyết không chịu và quét dọn rất chu đáo trước khi rời khỏi nơi đây.

Trở về sau một ngày vất vả

Chuyện một người nước ngoài mưu sinh tại Việt Nam bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ quả là chuyện hiếm có. Chuyện, một phụ nữ Việt Nam chấp nhận làm vợ một người nước ngoài mà không đòi hỏi phải về nước và chấp nhận cuộc sống kham khổ cũng là một trường hợp khá lạ. Thế nhưng, trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mối tình Cliff và Lan Trinh đến nay vẫn là câu chuyện khiến nhiều người suy gẫm. Cái giá trị vĩnh cữu vẫn là tình yêu. Vật chất, địa vị và cuộc sông hào nhoáng chẳng qua là nhất thời...

Chúng tôi gặp Lan Trinh khi chị đang bận rộn công việc. Chị xin khất lại, chủ nhật nghỉ bán, vợ chồng con mời chú đi cà phê. Chú cháu mình trò chuyện thoải mái hơn.

Chúng tôi rât vui chấp nhận lời mời của cả 2 người và đợi đến cái ngày chủ nhật nhiều hứa hẹn ấy...

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày10/03/2016
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/chong-tay-ha-lan-theo-vo-ban-xuc-xich-via-he-sai-gon-292962.html

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Theo vợ bán xúc xích vỉa hè Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO