Hình ảnh lấp sông chiều ngày 24/3
UBND tỉnh Đồng Nai: lấp sông không gây ảnh hưởng dòng chảy
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, toàn bộ khu vực ven sông từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến đình Phước Lư thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nằm trong diện quy hoạch giải tỏa để thực hiện dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai theo quy hoạch được duyệt năm 1997.
Trong quá trình triển khai, tỉnh Đồng Nai đã cho lập dự án một số đoạn bờ kè và công viên ven sông theo quy hoạch tại khu vực trên, chỉ với 2 dự án thành phần đã phải giải tỏa hơn 120 hộ dân với chi phí bồi thường chiếm hơn 67% tổng chi phí. Các dự án này chưa thực hiện được do khó khăn về ngân sách và ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân. Hiện trạng toàn bộ bờ sông từ đường CMT8 đến sông Đồng Nai đều là các công trình, nhà dân; người dân thành phố không có khả năng tiếp cận và thụ hưởng cảnh quan ven sông, đồng thời cũng không thể kết nối để hoàn thiện toàn tuyến đường ven sông công viên cảnh quan từ cầu Hóa An đến cầu Rạch Cát theo quy hoạch được duyệt.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2007 tỉnh đã mời các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp kè lấn sông và đã có những nghiên cứu cẩn trọng đánh giá tác động của phương án này. Qua đó, các cơ quan nghiên cứu kết luận việc xây dựng kè cách 50m, 70m, 100m tại vị trí đoạn sông mở rộng trên 800m ăn sâu vào bờ không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không gây ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận. Vị trí kè lấn sông đã được phê duyệt trong điều chỉnh quy hoạch phường Quyết Thắng vào năm 2009, được thực hiện công khai theo đúng quy định.
Hơn nữa, ngày 06/12/2011 tại UBND phường Quyết Thắng các cơ quan ban ngành đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại địa phương về phương án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án. Tham dự có lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ phường, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, đại diện Trưởng KP2. Kết luận cuộc họp thống nhất phương án quy hoạch, đề nghị đẩy nhanh tiến độ và có quan tâm đời sống các hộ dân có đất bị quy hoạch.
UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc hình thành dự án cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai là từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đem lại sự phát triển phù hợp quy hoạch và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân trong khu vực; được sự nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan khoa học chuyên ngành có chức năng; được tiến hành thực hiện, phê duyệt theo đúng thẩm quyền.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc phát triển như định hướng trên giúp giảm vốn đầu tư của ngân sách, góp phần an dân do hạn chế tối đa bồi thường giải tỏa; đồng thời góp phần cải tạo và bảo vệ bờ sông Đồng Nai, cải tạo cảnh quan, không gian kiến trúc, nâng cao môi trường sống, tăng mảng cây xanh và tiếp cận mặt nước cho đô thị; phát triển thương mại dịch vụ, tạo điểm nhấn cho TP Biên Hòa.
Bên cạnh đó, việc Công ty Toàn Thịnh Phát đăng ký thực hiện dự án (năm 2011) là căn cứ theo quy hoạch phường Quyết Thắng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (năm 2009); không phải là dự án do Công ty đề xuất. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai thỏa thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện dự án là đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền theo quy định.
Dự án trong tương lai của Toàn Thịnh Phát
Đề nghị rút giấy phép dự án
Trên dự án 8,4ha có đến 7,72 ha vùng đất ngập nước ven sông và mặt nước sông kéo dài 1,3km từ sở Giáo dục đào tạo đến đình Phước Lư. Công ty Toàn Thịnh Phát được giao trách nhiệm chủ đầu tư dưới hình thức công trình cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị.
Theo Mạng Lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), thực chất đây là một hoạt động xây dựng lấn chiếm và tạo nên hạ tầng lớn cản trở dòng chảy, nắn dòng sông, chiếm mặt nước tự nhiên trên sông, chảy tự nhiên của sông Đồng Nai. Hậu quả từ hệ lụy này sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nước, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ, gây xói lở bờ sông.
Chính vì vậy - VRN khuyến cáo - chính quyền Đồng Nai cần xem xét lại vấn đề tuân thủ luật Tài nguyên Nước, luật Bảo vệ Môi trường và nhiều quy định khác liên quan đến quản lý đất ngập nước. Vị trí của dự án nằm trong khu vực đông dân cư và mang tính nhạy cảm về môi trường cho nên cần phải có những tham vấn sâu rộng ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ dự án. Đồng thời, dự án cũng cần phải được tham vấn cẩn thận ý kiến của các Bộ ngành như Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, các ủy ban lưu vực sông, UBND các cấp ở các tỉnh đang sử dụng chung tài nguyên nước trong lưu vực sông Đồng Nai cũng như các tỉnh nằm trong vùng hạ lưu sông Đồng Nai, các cù lao ven sông, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ...
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam mong muốn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai và Công ty CP đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát dừng mọi hoạt động xây dựng cho đến khi các nghiên cứu về tác động được thực hiện một cách thấu đáo và có sự tham vấn rộng rãi.
Phản ứng trước quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: nguyên tắc xây dựng, thiết kế ven sông, biển, bao giờ cũng phải có đất làm hành lang bảo vệ. Đây là điều bắt buộc phải có và không một dự án nào, nhất là dự án thương mại, có thể vi phạm. Trên thực tế, trong khi chính quyền tỉnh Đồng Nai cấm tuyệt đối người dân không được xâm phạm hành lang bảo vệ sông Đồng Nai thì chính họ lại cho phép công ty Toàn Thịnh Phát vi phạm.
Theo ông Sơn, việc cho rằng việc lấp sông không ảnh hưởng tới dòng chảy chỉ là quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai: "Nếu dự án này được chấp thuận sẽ tạo tiền lệ cho những dự án khác, khi đó tất cả các con sông đều bị lấp thì rất nguy".
Xem thêm: Bài 2: Lấp sông Đồng Nai chưa hề hỏi ý kiến dân!
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 25/03/2015
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bat-chap-phan-ung-dong-nai-van-lap-song-227511.html