Ngày 27/8 trao đổi với phóng viên, bác sĩ Võ Thanh Nhân, Trưởng khoa Ung bướu phụ khoa, (TPHCM) cho biết, ông cùng các đồng nghiệp vừa cứu sống một trường hợp bị ung thư xâm lấn rất nặng.
Cô gái bị ung thư nguy kịch sau 2 năm mang thai trứng
Trước đó vào khuya 2/8, cô gái tên Đ.T.Tr. (20 tuổi, quê Bình Thuận) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, xuất huyết âm đạo lượng nhiều, thiếu máu cấp, da xanh, niêm mạc mắt trắng nhợt.
Ê-kíp trực nhanh chóng cấp cứu, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn và cho bệnh nhân nhập vào khoa ICU. Đó cũng là thời điểm bắt đầu chuỗi ngày thập tử nhất sinh, giành giật sự sống cho Tr. từng giờ, từng phút.
Khai thác bệnh sử, vào năm 2020 Tr. được chẩn đoán mắc bệnh thai trứng, phải điều trị hút nạo thai và theo dõi nghiêm ngặt theo phác đồ trong 2 năm. Dù đã được nhân viên y tế dặn dò rất kỹ lưỡng, thậm chí gọi điện nhiều lần nhưng cô gái không tái khám.
Hậu quả là sau mùa dịch Covid-19, Tr. chuyển từ tình trạng thai trứng sang bệnh ung thư nguyên bào nuôi giai đoạn 3.
Khi quay lại Bệnh viện Từ Dũ, khối u của nữ bệnh nhân đã xâm lấn, di căn khắp các cơ quan nội tạng, ăn thủng tử cung gây xuất huyết ồ ạt trong bụng, xâm lấn toàn bộ 2 lá phổi gây xẹp phổi, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp dữ dội. Tiến hành hội chẩn liên tục, các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu khẩn để lấy khối ung thư, nếu không được thì phải cắt tử cung cầm máu khẩn cấp.
Sau cuộc mổ bóc tách khối u kéo dài trong 2 giờ, bệnh nhân tiếp tục hôn mê, phải thở máy do phổi bị xẹp kèm tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng huyết, tràn dịch màng phổi lượng nhiều. Tình trạng nữ bệnh nhân mỗi lúc một xấu hơn, tiên lượng khó qua khỏi.
Hóa trị cứu bệnh nhân ngay trong lúc hôn mê
Ngày 4/8, Bệnh viện Từ Dũ hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm hy vọng sống cho bệnh nhân nhưng sau nhiều lần bàn bạc, không có khả năng chuyển viện vì quá nặng. Bệnh nhân tiếp tục diễn tiến xấu, xuất huyết phổi nặng, chảy máu kéo dài, ngày nào cũng phải truyền máu và hút ống nội khí quản liên tục.
Bệnh viện Từ Dũ lại tiếp tục liên hệ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để hỗ trợ nội soi phế quản cho bệnh nhân, nhưng vẫn không thể chuyển viện vì nguy cơ tử vong trên đường đi.
Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Trưởng khoa Ung bướu phụ khoa hội chẩn Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ một lần nữa, quyết định điều trị hóa chất theo phác đồ EMCO mong ngăn chặn được sự tiến triển của ung thư.
Theo bác sĩ Võ Thanh Nhân, thông thường điều trị hóa chất trong bệnh lý ung thư sẽ có nhiều tác dụng phụ, đòi hỏi sức khỏe người bệnh phải ổn định mới sử dụng được.
Nhưng với trường hợp của Tr., các bác sĩ phải thực hiện trong tình trạng hôn mê, thở máy, xẹp phổi, xuất huyết phổi, nhiễm trùng huyết. "8 năm về bệnh viện, đây là lần đầu tiên tôi thực hiện vô thuốc cho bệnh nhân đang hôn mê, xẹp phổi" - bác sĩ Nhân nói.
Song song với việc hóa trị, bệnh nhân tiếp tục được truyền máu, dùng kháng sinh phối hợp liều cao, thuốc an thần, nâng đỡ dinh dưỡng kèm với vật lý trị liệu hỗ trợ toàn diện. Bác sĩ sản khoa, gây mê hồi sức, ung bướu phụ khoa, bác sĩ dinh dưỡng và dược sĩ lâm sàng, nữ hộ sinh..., tất cả đều chăm sóc tận tụy ngày đêm cho bệnh nhân.
Sau 3 ngày hóa trị, tình trạng bệnh nhân bắt đầu có cải thiện, đáp ứng mở mắt và nhận biết được. Sau 6 ngày, Tr. tỉnh táo hơn, tiếp xúc khá. Đến ngày 18/8, bệnh nhân rời khoa ICU, chuyển về khoa Ung bướu phụ khoa.
Hiện tại, Tr. đã có thể đi lại, ăn uống như người bình thường trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cả bác sĩ và gia đình. Bệnh nhân được cho về thăm nhà 1 tuần, sau đó quay trở lại để tiếp tục điều trị đầy đủ các đợt hóa chất.
Bác sĩ Nhân cho biết, nguyên nhân gây ra thai trứng là do sự kết hợp bất thường giữa trứng và tinh trùng khi thụ tinh. Thai trứng có 2 dạng, là nguy cơ thấp và nguy cơ cao, tùy thuộc vào các yếu tố như kích thước tử cung, tuổi tác bệnh nhân, nồng độ Beta HCG... Nếu rơi vào trường hợp nguy cơ cao, tỷ lệ biến chứng sang ung thư nguyên bào nuôi lên đến 60-70%.
Bác sĩ khuyến cáo, vấn đề giáo dục giới tính rất quan trọng. Ở những người nữ trẻ tuổi chưa lập gia đình, việc quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ có thể bị thai trứng.
Khi đã xác định mắc bệnh, cần tuân thủ chặt phác đồ điều trị của bác sĩ, hút nạo thai trứng, hóa trị (nếu thuộc trường hợp nguy cơ cao). Đặc biệt, phải theo dõi tái khám định kỳ để phát hiện, can thiệp kịp thời nếu có dấu hiệu chuyển sang ung thư.