ASEAN-EU: Đối tác tiềm năng và tin cậy, vì thịnh vượng chung của hai khối

Phương Hà| 19/07/2022 09:52

Việc ASEAN và EU nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 12/2020 đã tạo ra nhiều cơ sở để hai bên tiếp tục đưa hợp tác đi vào thực chất, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

ASEAN-EU
Việc ASEAN và EU nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược đã tạo ra nhiều cơ sở để hai bên tiếp tục đưa hợp tác đi vào thực chất.

Vừa hợp tác vừa kết nối

Hãng tin Reuters ngày 15/7 cho biết, EU và ASEAN sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầy đủ lần đầu tiên vào tháng 12 tới.

Các cuộc họp trước đây giữa 27 quốc gia EU và ASEAN thường không có sự tham dự của toàn bộ các lãnh đạo nước thành viên ASEAN. Thông thường cuộc họp chỉ có sự hiện diện của nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm diễn ra cuộc họp.

Theo Reuters, nếu được công bố chính thức, đây sẽ là lần đầu tiên các lãnh đạo ASEAN và EU cùng dự một cuộc họp giữa hai bên.

Năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại giữa ASEAN và EU. Dựa trên các giá trị và lợi ích chung, cũng như việc nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 12/2020, hợp tác giữa ASEAN và EU ngày càng toàn diện, năng động, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai khu vực.

Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU bao gồm các thỏa thuận hợp tác về nhiều vấn đề, như kinh tế, hội nhập ASEAN, ứng phó với dịch bệnh Covid-19, phát triển bền vững, hợp tác hàng hải và an ninh mạng.

EU đã cam kết bổ sung 20 triệu Euro vào gói hỗ trợ trị giá 800 triệu Euro mà “Nhóm châu Âu” đã viện trợ cho ASEAN trước đây để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kết nối toàn diện với các sáng kiến phát triển của ASEAN, như khuôn khổ kết nối phục hồi toàn diện của ASEAN; hệ thống quá cảnh hải quan; quy hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025; thúc đẩy đàm phán hiệp định vận tải hàng không toàn diện; đầu tư hỗ trợ dự án thành phố xanh và thông minh, các dự án thương mại, quản lý và bảo vệ rừng…

EU khẳng định tiếp tục triển khai kết nối và hợp tác với ASEAN thông qua việc tích cực tham gia các hội nghị cấp cao, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU, Đối thoại cấp cao ASEAN - EU về hợp tác an ninh trên biển...

Hai bên đạt được nhất trí cao về việc bảo đảm một môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, chia sẻ tầm nhìn và khẳng định cam kết đề cao luật pháp quốc tế và xu thế đa phương; ủng hộ thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình hay gia tăng tranh chấp, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

ASEAN-EU
Cuộc họp lần thứ 29 Ủy ban hợp tác chung ASEAN-EU. (Nguồn: asean.org)

Hướng tới FTA toàn diện

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của ASEAN. Hàng hóa giao dịch giữa ASEAN và EU lên tới 189 tỷ Euro vào năm 2020, trong khi thương mại dịch vụ năm 2019 vượt quá 93 tỷ Euro.

EU hiện cũng là nhà tài trợ lớn nhất của ASEAN trong lĩnh vực giảm nghèo và hội nhập khu vực. Một loạt gói hỗ trợ hội nhập của EU, mới đây nhất là Chương trình Hỗ trợ hội nhập ASEAN (ARISE Plus) là một ví dụ. Cả hai bên đều nhấn mạnh lợi ích trong việc hình thành nên các quy tắc toàn cầu về kinh tế và môi trường, tiếp cận bền vững thông qua các tuyến đường mở trên biển, trên bộ và trên không với sự tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế.

EU cũng đang thực hiện chương trình Cổng toàn cầu của EU tại ASEAN hứa hẹn sẽ thu về 300 tỷ Euro cho các khoản đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm. Chương trình này sẽ tập hợp các tổ chức tài chính và phát triển của khối như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), cũng như đòn bẩy với khu vực tư nhân để khuyến khích đầu tư công tư.

EU đang nỗ lực dành các hỗ trợ trong việc thiết lập tiêu chuẩn, tạo thuận lợi thương mại và các lĩnh vực khác để giúp loại bỏ các rào cản phi thuế quan. Giữa ASEAN và EU hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai thác, vì vậy, EU muốn hướng tới mục tiêu chung là đạt được thương mại tự do hoàn toàn trong khu vực này.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU là kỳ vọng của các bên trong thời gian qua nhưng vẫn cần thêm thời gian để tiến tới đàm phán. Chính sách của EU là xây dựng các khối hợp tác cho FTA ASEAN-EU toàn diện.

Hiện tại, EU đã có FTA song phương với Singapore và Việt Nam, đồng thời đang đàm phán với Indonesia, Thái Lan và Philippines. Việc đàm phán các FTA nói chung thường mất nhiều thời gian, như FTA ASEAN-Nhật Bản cũng đã mất hàng thập kỷ để đàm phán. Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược của EU trong việc kết nối Châu Âu và Châu Á phần nào bị ảnh hưởng, nhưng cần thiết phải tăng gấp đôi khả năng kết nối và hội nhập nếu muốn thấy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của cả hai bên trong những thời gian tới.

Sự tham gia ngày càng sâu rộng của các nước EU vào Đông Nam Á được các nước trong khu vực chào đón, bên cạnh những lợi ích kinh tế là những quy chuẩn cao, phù hợp xu thế về phát triển bền vững, môi trường, luật pháp, thể chế…, là những cam kết bảo vệ vị trí trung tâm và ủng hộ tiến trình hội nhập của ASEAN. Những điều này đã thúc đẩy ASEAN coi EU là một trong những đối tác hợp tác đáng tin cậy nhất, khuyến khích EU hợp tác thúc đẩy các mục tiêu của Hiệp hội trên cơ sở tăng cường lòng tin, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
ASEAN-EU: Đối tác tiềm năng và tin cậy, vì thịnh vượng chung của hai khối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO