Đó là những dòng phẫn uất của trung vệ Antonio Rudiger trên The Players Tribune cách đây 2 năm, sau khi cùng Chelsea vô địch Champions League.
Câu chuyện Vinicius của Real bị phân biệt chủng tộc làm rúng động bóng đá Tây Ban Nha tuần qua, khiến cả Chính phủ Brazil phải lên tiếng. 7 người bị bắt, 6 trọng tài bị sa thải, Valencia bị phạt nặng.
Có lẽ Rudiger là người thấu hiểu Vinicius nhất, với tư cách đồng đội, đồng nghiệp, cùng màu da. Bài tự thuật cảm động của Rudiger cho thấy nạn phân biệt chủng tộc tại châu Âu nghiêm trọng hơn tưởng tượng, và việc chống phân biệt vẫn chỉ là…hình thức.
‘Mọi thứ lại như cũ. Chẳng có gì thay đổi’
Họ hét lên: "Mẹ kiếp, đi ăn chuối đi”. Họ gọi tôi là ‘con khỉ’. Mỗi khi tôi chạm bóng, những tiếng khỉ kêu vang khắp khán đài. Không chỉ một vài người mà rất nhiều cổ động viên Lazio trong trận Derby della Capitale 2017 đã làm vậy.
Đây không phải là lần bị phân biệt chủng tộc đầu tiên mà tôi từng trải qua, nhưng đó là lần tồi tệ nhất.
Thế giới bóng đá phản ứng ra sao khi có vụ phân biệt chủng tộc? Mọi người nói, "Ahhh, nó thật kinh khủng". Các CLB và các cầu thủ đăng sẽ có thông điệp trên mạng: “Chấm dứt phân biệt chủng tộc!!!”. Rồi sẽ có một cuộc điều tra, nhưng chẳng đi đến đâu. Thỉnh thoảng, chúng ta có một chiến dịch truyền thông xã hội lớn và mọi người đều cảm thấy hài lòng về bản thân, sau đó mọi thứ lại như cũ. Chẳng có gì thay đổi!
Hãy nói cho tôi biết, tại sao báo chí, người hâm mộ và các cầu thủ đều hăm hở ngăn chặn Super League chỉ sau 48 giờ nó ra đời. Nhưng khi có phân biệt chủng tộc rõ ràng tại một sân vận động, thì nó lại trở nên ‘phức tạp’?
Tôi rất hay nghĩ về Daniele De Rossi. Anh ngồi xuống cạnh tôi sau trận đấu với Lazio và nói điều tôi chưa bao giờ nghe: “Toni, tôi biết mình không bao giờ bị giống cậu. Nhưng hãy để tôi thông hiểu”. Anh ấy không tweet, không đăng hình vuông màu đen, mà chỉ quan tâm.
De Rossi luôn khác. Anh là một biểu tượng của Roma. Lần đầu vào phòng thay đồ của Roma và nhìn thấy anh ấy, tôi đã có cảm giác mình là một đứa trẻ hay lo lắng. Nhưng trong thời khắc khó khăn nhất của tôi, De Rossi quan tâm đến tôi như một con người.
‘Luật ngầm’ ở khu nhập cư
Nếu bạn lớn lên ở Berlin-Neukölln như tôi, hoặc ở khu ngoại ô Paris, hoặc bất kỳ khu nhập cư nào trên thế giới, sẽ biết một điều: nếu thấy người phụ nữ nào trên phố khệ nệ với một đống đồ từ chợ, đừng dại mà giúp.
Một ngày nọ, tôi đang đi bộ trên con phố gần nhà thì thấy một phụ nữ Đức xách những túi hàng tạp hóa. Cô ấy yếu ớt và chật vật như một bà cụ. Tôi nhanh nhảu nói: “cháu sẽ giúp cô mang chúng lên”.
Tôi không bao giờ quên bà ấy quay sang đầy sợ hãi vì nghĩ tôi là cướp. Đó là khi tôi nhận ra: ‘Ồ, đây là cách một số người đang nghĩ về dân da màu?”. Tôi sinh ra ở đây, nhưng sẽ không bao giờ là người Đức đối với một số người Đức.
Buồn vui lẫn lộn vì nước Đức đã cho gia đình tôi tất cả. Cha mẹ tôi là những người tị nạn từ cuộc nội chiến ở Sierra Leone. Mà cũng chẳng nhiều người quan tâm điều gì đã xảy ra ở đó. Châu Phi là gì? Chỉ là những hình ảnh trên TV về những đứa trẻ đói khát với cái bụng ỏng. Bạn cảm thấy tồi tệ về nó trong một giây và sau đó bạn chuyển kênh. Châu Phi, với một số người, là thế giới bị lãng quên.
Ở một nơi tốt đẹp như Đức, người ta huy động cả cứu hỏa, y tế để cứu một con mèo mắc kẹt trên cây, cho nó sữa, thức ăn. Mọi người trầm trồ, nhưng ở châu Phi đói khổ người ta sẽ bật khóc vì thân phận thua cả chú mèo.
Nhưng tôi vẫn muốn sòng phẳng: cha mẹ tôi biết ơn khi được sống ở Đức. Họ không xem Neukölln là là địa ngục mà luôn là “thiên đường trên trái đất”. Không còn tiếng súng tiếng bom nổ trong đêm. Không còn hoảng loạn sợ hãi hay nỗi tuyệt vọng bao trùm.
‘Giàu có với người nhập cư chỉ là có cái ăn cái uống’
Khái niệm giàu có với chúng tôi, những đứa trẻ nhập cư là có cái ăn, cái uống mỗi ngày. Đối với tôi, bóng đá không phải là giấc mơ vui chơi, mà là kiếm sống, giống như lựa chọn trở thành thợ sửa ống nước, thợ làm bánh hay luật sư. Bóng đá là ước mơ để tôi đưa gia đình ra khỏi Neukölln. Có buổi sáng tôi vào bếp xin mẹ ít tiền để đi học. Chỉ vài euro thôi. Nhưng bà không xu dính túi.
Khi Thomas Tuchel trở thành HLV của Chelsea, ông ấy hỏi tôi một câu thú vị: “Toni, tôi thấy cậu năng nổ trên sân cỏ, vì sao thế?”. Tôi nói một từ…. “Neukolln”. Tôi đã từng mải mê chơi bóng trên mặt sân bê tông đến nỗi giày thủng lỗ chỗ.
Tôi sẽ không bao giờ quên ngày tôi rời gia đình năm 15 tuổi để gia nhập học viện Borussia Dortmund. Mẹ tôi đã khóc suốt cả tuần vì không muốn tôi đi. Nhưng tôi đã nói với mẹ: “một ngày nào đó, tất cả những điều này sẽ được đền đáp. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ lại ở bên nhau”. Tôi nhớ mình đã đóng cửa trước.
Đừng chống phân biệt chủng tộc bằng những dòng tweet
Cảm giác như chúng ta đã làm được điều gì đó chỉ qua vài dòng tweet. Không đâu. Những gì tôi nhận được trên mạng vẫn thật điên rồ.
Tôi không nghĩ rằng báo chí Anh chỉ trích tôi vì xuất thân hay màu da. Nhưng tôi muốn mọi người hiểu điều gì sẽ xảy ra khi những điều như thế này được viết về mình? Đi sâu vào nó, bạn sẽ thấy mặt trái đen tối của loài người. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài, rất dài phía trước, với tư cách là một xã hội văn minh.
Tôi không có bất kỳ sự căm ghét nào với những người đó. Nhưng tôi muốn nói với họ: nếu bạn thật lòng chống phân biệt chủng tộc, không cần xin lỗi và không cần gửi cho tôi một dòng tweet nào cả. Bỏ điện thoại xuống đi. Và tự vấn bản thân. Đọc một cuốn sách về lịch sử da đen và thực sự mở lòng trước những nỗi đau kỳ thị. Điều này có ý nghĩa hơn nhiều.
Tôi không mong đợi thế giới bóng đá sẽ cùng nhau tiêu diệt nạn phân biệt chủng tộc trong 48 giờ giống như họ đã chống Super League. Bởi chúng ta không thể giải quyết vấn đề này bằng một chiến dịch truyền thông xã hội, hoặc qua vài bài viết.