Ăn Tết truyền thống hay hiện đại?

An Thanh| 06/02/2024 09:15

Từ xa xưa, ông bà ta quan niệm, Tết là phải có "mâm cao, cỗ đầy" cúng gia tiên, đồ ăn thịnh soạn chiêu đãi mời khách khứa, bạn bè. Tuy nhiên, khi cuộc sống dần trở nên hiện đại, quan niệm đón Tết của một số người của dần thay đổi.

z5137777598931_af45077c20e0f8b3e48dfef4d9e6d3b6.jpg
Tết truyền thống vẫn ở đó nhưng quan niệm ăn Tết của người Việt đang dần thay đổi.

Cho đến nay, xét về mặt giá trị văn hóa tâm linh của người Việt chưa có lễ tết nào được xếp trên Tết Nguyên đán. Trong tâm trí của mỗi người Việt, hình ảnh của những ngày Tết truyền thống vẫn ấn tượng và đẹp đẽ, từ việc chuẩn bị những mâm cỗ đầy ắp, đến việc cầu nguyện cho một năm mới may mắn, sung túc.

Tuy nhiên, không phủ nhận rằng quan điểm về cách ăn Tết đang dần thay đổi trong xã hội hiện đại. Theo dòng thời gian, Tết Nguyên đán có những biến đổi ít nhiều để phù hợp với trình độ phát triển xã hội, hoàn cảnh đất nước, lối sống con người. Song, ý nghĩa cốt lõi vẫn được lưu giữ.

"Ăn Tết" truyền thống

z5137777616033_e908ca2c1f9de239a23d037877603b69.jpg
Trong lòng mỗi người Việt Nam, hình ảnh của Tết truyền thống vẫn luôn tồn tại, như một dấu ấn văn hóa sâu đậm.

Mọi sinh hoạt văn hoá cộng đồng trong dịp Tết đều có hai phần: lễ và hội. Dưới góc nhìn văn hoá truyền thống, phần lễ được chú trọng và thực hiện nhiều hơn.

Tháng Chạp là khoảng thời gian nước rút, việc lo thăm viếng, chỉnh trang, tôn tạo lại phần mộ tổ tiên được nhà nhà ưu tiên hàng đầu. Trong mâm cơm tất niên, nhang đèn, hoa trái cùng với lòng thành kính dâng, bái vọng tổ tiên, tri ân một năm đã qua và cầu mong cho một năm sắp đến an khang, thịnh vượng.

Đêm trừ tịch, bàn thờ luôn rực sáng hoa đèn. Đúng giao thừa, mọi người trong nhà thắp hương dâng lên bàn thờ mừng tuổi tổ tiên, hy vọng một năm mới tốt lành, may mắn sẽ đến với mọi nhà. Sang ba ngày Tết, là dịp để thể hiện lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, và cũng là lúc tỏ rõ tình cảm hữu hảo với bạn bè, láng giềng. Từng lời nói, hành vi trong những ngày đầu năm đều hướng tới sự sạch sẽ, tinh tươm, tốt đẹp.

z5137777611818_ec50f18f4496766656af4aba9bf51731.jpg
Tết là khoảnh khắc sum vầy, kết nối gia đình và thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Nói đến Tết xưa, người ta hay nhắc đến câu thơ: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" để gom góp miêu tả phong vị của Tết Việt. Từ lễ vật thờ cúng, ăn uống trong dịp đầu xuân như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành đến câu đối đỏ - mang giá trị văn hóa tinh thần hay thể hiện giá trị tâm linh khi nhắc đến cây nêu trừ quỷ, và vui chơi bằng tràng pháo.

Bên cạnh đó, bánh chưng, bánh dày không chỉ mang quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa: "Trời tròn đất vuông", mà còn phản ánh tâm thức của dân tộc về đạo lý sống: Phải biết yêu thương và tri ân.

Ngoài ý nghĩa văn hóa, tâm linh, ba ngày tết còn là dịp để thỏa sức ăn uống với nào bánh, kẹo, thịt, cá…. Những thứ mà ngày thường ít có. Do vậy, mỗi lần đến Tết chúng ta thường quen miệng gọi là "ăn Tết". Vô hình trung, Tết đã trở thành một “bữa đại tiệc” để người người nhà nhà được thưởng thức ẩm thực vào mỗi dịp xuân về.

Tuy nhiên, âm hưởng truyền thống được truyền lưu qua các thế hệ ít nhiều đã có sự vơi phai và thay đổi. Nhịp điệu cuộc sống thời nay gấp gáp, dồn dập khác xa với sự dềnh dàng, chậm rãi của những tháng năm xưa cũ. Chuyện sắm Tết, ăn Tết, chơi Tết không còn như thời xưa cũ.

"Chơi Tết" hiện đại

z5137779229159_888b2ce4bb9a89ef71017095f98ca273.jpg
Tết hiện đại đang trở thành xu thế.

Thay vì tất bật với những sắm sửa, lọ mọ chuẩn bị cỗ bàn từ đêm 30 đến tận mùng 3, ngày nay, nhiều gia đình lựa chọn một cái Tết đơn giản, nhẹ nhàng, không quá cầu kỳ.

Khi cuộc sống được nâng lên, khi cái ăn, cái mặc không còn là mối quan tâm trọng yếu thì con người ta lại quan tâm đến "chơi Tết", "đón Tết" thay vì "ăn Tết".

Trước đây, nhà nào tết đến mà mổ lợn, mổ bò ăn tết thì được gọi là “ăn tết to”. Ngày nay, chợ truyền thống cùng với hệ thống siêu thị ăm ắp các mặt hàng giúp các mẹ, các chị nội trợ sắm Tết dễ dàng. Không chỉ vậy, nhiều người tìm đến sự tiện lợi và linh hoạt bằng các hình thức mua sắm trực tuyến. Từ đồ trang trí cho nhà cửa đến việc chọn lựa món quà Tết, tất cả đều có thể được thực hiện thông qua một chiếc điện thoại hoặc máy tính.

Sự chuyển hóa từ "ăn no, mặc ấm" sang "ăn ngon, mặc đẹp" là cả một quá trình vận động của quy luật phát triển, không chỉ thể hiện qua hình thức chuẩn bị mà còn được thấy thông cách thức đón Tết của nhiều người.

Giờ đây, khi mạng xã hội phát triển, kết nối rộng rãi, chúc Tết online trở thành phương thức tiện lợi và ít tốn kém tiền của nhất. Lời chúc, hoa tươi, quà mừng, rộn ràng, rực rỡ, hào phóng trên mạng xã hội.

Thương mại điện tử, công nghệ, thiết bị di động, mạng internet… tất cả đã tạo nên một thế hệ người Việt đón tết theo phong cách hoàn toàn mới, gỡ bỏ được nhiều tất bật trong tết truyền thống.

Bên cạnh đó, mọi người có nhiều lựa chọn hiện đại hơn trong chơi Tết. Ngoài các địa điểm tổ chức lễ hội, vui chơi các "bộ môn: truyền thống thường thấy, người trẻ có thêm sự lựa chọn cho hình thức giải trí phong phú như xem phim, nghe nhạc, chơi game,... Không chỉ vậy, thời gian gần đây, thay vì tụ tập cùng gia đình, nhiều người trẻ chọn đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động giải trí ngoại ô.

Tết vẫn vẹn nguyên

z5137789617451_9fbb02deb1a49c9a67d3b1f958807755.jpg
Tết truyền thống và Tết hiện đại đều mang lại những trải nghiệm riêng biệt cho người Việt Nam trong dịp đặc biệt này.

Những điều này phản ánh sự thay đổi trong cách thức tương tác xã hội và sự phát triển của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, dẫu Tết nay có hiện đại, có thêm nhiều cách thức tổ chức và trải nghiệm thì những phong tục của Tết truyền thống như: tục mừng tuổi, chúc Tết, hái lộc, các trò chơi như đánh đu, kéo co, đánh cờ người… vẫn còn đó, chưa từng bị lãng quên.

Sự vận động từ "ăn Tết" sang "chơi Tết" khiến nhiều người cho rằng, Tết ngày nay nhạt hơn, Thiếu ý nghĩa hơn tết xưa… Song, dù ở thời đại nào, bản thân tết luôn mang một giá trị tâm linh, tinh thần to lớn, trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam.

Trong khi Tết truyền thống vẫn giữ vững những giá trị văn hóa, tinh thần đặc trưng, thì Tết hiện đại đem lại sự tiện lợi và đơn giản hóa trong việc chuẩn bị và ăn Tết. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại chính là điều mà người Việt đang dần hình thành trong cách ăn Tết của mình.

Việc này tạo ra một bức tranh đa dạng về cách ăn Tết của người Việt, từ việc giữ gìn những nét truyền thống đến việc thích nghi với lối sống hiện đại, mở ra một không gian cho sự đa dạng và phong phú.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ăn Tết truyền thống hay hiện đại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO