![]() |
Hình ảnh người gom đồng nát in trong ký ức thế hệ (ảnh: phelieu.vn) |
Dễ chừng đã gần 30 năm, tôi không còn thấy bóng dáng của những người đạp xe khắp hang cùng, ngõ hẻm thu mua lông vịt nữa. Tiếng rao “Ai ve chai, lông vịt bán… hông?” chỉ còn trong ký ức. Những đứa con của tôi bây giờ, khi nghe ba mẹ kể chuyện đem lông con vịt đổi lấy bong bóng, cứ tròn mắt ngạc nhiên, tưởng đang nghe truyện cổ tích.
Ngày trước không có nhiều gà, vịt làm sẵn như bây giờ. Đời sống còn khó khăn, chỉ thi thoảng lúc nhà có đám tiệc hay khi ba mẹ lãnh lương, mâm cơm mới có thịt gà, thịt vịt. Mấy người làm nghề thu mua ve chai, ngoài giấy báo, sắt vụn… còn mua cả lông vịt.
Chính vì lông vịt có thể bán lấy tiền nên mỗi khi thịt vịt xong, đến khâu nhổ lông, mẹ luôn gom gọn mớ lông để dành trong cái thau nhôm. Thường thì khi nhổ lông vịt phải nấu nước sôi, khiến lông bị ướt nên để lông tơi, bán được giá, mấy đứa con nít sẽ nhận nhiệm vụ đem lông vịt đi rửa lại cho sạch rồi phơi cho khô ráo. Vịt Xiêm lông xám, đen thịt thường ngon hơn, nhưng vịt hãng lông trắng và nhiều thì bán lông được giá hơn. Lúc nhỏ, tôi đâu quan tâm thịt nào ngon, chỉ thích nhất lúc bán lông vịt, vì thường mẹ sẽ cho tôi tiền bán được.
Cũng có những ông ve chai không trả tiền, mà gánh ve chai của ông sẽ có thêm chồng thau nhựa, ca nhựa đủ màu để đổi. Không thích đổi đồ dùng thì có thể đổi bong bóng và đó là thứ tôi thích nhất. Cũng có dạo, nhà tôi không ăn vịt mà đổi sang ăn gà, tôi ấm ức lắm; không phải vì thịt gà không ngon, mà vì người ta không mua lông gà, nếu có mua cũng rất ít và dĩ nhiên là giá cũng không cao.
Năm tôi lên lớp Ba, thằng Bình - bạn ngồi gần tôi trong lớp, có mẹ làm nghề mua ve chai, lông vịt. Nghe nó kể, nhờ lông vịt, mẹ nó mới có tiền cho nó đi học. Những lúc được giá, lông vịt mua đi bán lại có thể lời hơn gấp đôi. “Có ngày trúng mánh, mẹ kiếm được đủ tiền ăn cho cả tuần” - thằng Bình khoe. Tuy nhiên, để mua được nhiều, mẹ thằng Bình phải đẩy xe ve chai đi từ sáng tới chiều tối.
Ngoài giờ học, thằng Bình phải ở nhà giặt, phơi lông vịt. Tôi hay tới nhà nó chơi. Đó là căn nhà tận trong hẻm sâu, lúc nào cũng đầy ắp những bao tải, giỏ cần xé lông vịt. Mỗi mẻ lông phơi nắng phải 2-3 ngày mới có thể đem bán lại kiếm lời. Tuổi nhỏ nghịch ngợm, không ít lần, tôi và thằng Bình bày trò… đấu kiếm gỗ, vung kiếm loạn xạ cho mớ lông bay mù mịt, giả làm đại hiệp trừ gian diệt bạo như trong phim kiếm hiệp. Kết quả là chiều hôm đó, khi mẹ thằng Bình đi mua ve chai về, nó bị đòn một trận nên thân. Hết cấp I, tôi chuyển lên thành phố học và không còn gặp lại Bình. 2 “đại hiệp lông vịt” cũng không còn cơ hội nào tỉ thí với nhau nữa.
Sau này lớn lên, qua tìm hiểu tôi mới biết, có một giai đoạn, lông vịt được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải xuất khẩu. Những năm sau này, nguyên liệu làm vải ngày một đa dạng, giá thành cạnh tranh nên chẳng còn ai dùng lông vịt nữa. Việc kinh doanh gia cầm sống cũng không còn phổ biến. Mấy bà nội trợ không còn thói quen ra chợ mua con gà, con vịt còn sống về nhà làm. Nghề mua lông vịt dạo dĩ nhiên biến mất.
![]() |
Ảnh minh họa (nguồn: phelieuviet.com) |
Bây giờ, vào sàn thương mại điện tử Shopee, thấy nhiều người rao bán lông gà, lông vịt theo kiểu… đếm lông tính tiền. Lông gà, vịt được bán theo set, theo combo giá vài chục ngàn đồng. Cũng có những công ty thu mua lông gia cầm với số lượng lớn, xuất sang nước ngoài làm mền, gối, áo giữ ấm.
Hôm nay, vô tình nghe lại tiếng rao “Ai ve chai, lông vịt bán… hông?” được tái hiện trong một bộ phim, những ký ức tuổi thơ lại ùa về. Trong vùng ký ức lấp lánh ấy có hình ảnh thằng Bình - thằng bạn đen nhẻm, gầy gò, lúc nào cũng vương vài cọng lông vịt trên tóc hay trên áo…
Thiếu Quân