Ngô Lê Huy Hiền (sinh năm 1998 tại Đà Nẵng), từng theo học ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK), Đại học Đà Nẵng. Tốt nghiệp thủ khoa đầu ra VNUK, 9X lựa chọn theo học chương trình thạc sĩ liên kết Erasmus Mundus GENIAL tại Anh, Pháp, Thụy Điển, với học bổng toàn phần từ Ủy ban châu Âu.
Erasmus Mundus GENIAL là chương trình quy tụ rất nhiều sinh viên giỏi từ khắp nơi trên thế giới. Sau 2 năm học tập, năm 2022, Huy Hiền một lần nữa tốt nghiệp xuất sắc 4 bằng thạc sĩ các ngành: Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật hệ thống phức tạp, Mạng máy tính xanh và điện toán đám mây, với điểm GPA cao nhất khóa.
Tài năng toàn cầu ở tuổi 26
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Huy Hiền lựa chọn sinh sống và công tác tại Anh trong 2 năm qua. Tuy nhiên chỉ vài tháng trước, khi thị thực Anh sắp hết hạn, 9X phải tích cực tìm những công ty khác có khả năng bảo lãnh để tiếp tục ở lại làm việc.
Trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, dù rất ấn tượng với năng lực của chàng trai trẻ người Việt, nhưng các đơn vị lại đưa ra lời từ chối bởi vấn đề thị thực. “Lúc đó, tôi thấy tinh thần khá đi xuống và bắt đầu nghĩ đến việc rời Anh, tìm kiếm cơ hội ở những quốc gia khác”, Huy Hiền nói.
Cánh cửa tại nước Anh tưởng chừng khép lại, thế rồi cuộc gặp tình cờ với nữ giáo sư từng dạy ở đại học giúp chàng trai trẻ xoay chuyển tình thế. Biết chuyện, nữ giáo sư khuyên Huy Hiền nộp hồ sơ theo diện Tài năng toàn cầu để có được thị thực. Mặc dù đây là diện khó nhất, nhưng cô tích cực động viên và tin tưởng học trò cũ sẽ đạt được.
Chứng nhận Tài năng toàn cầu được trao cho những cá nhân có thành tích và đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực trên quy mô toàn cầu, gồm: Học thuật/Nghiên cứu, Nghệ thuật và Văn hoá, Công nghệ kỹ thuật số. Đây cũng là chứng nhận dành cho những cá nhân đã có các giải thưởng danh giá quốc tế như Nobel, Fields, Oscars, Grammy…
Cơ quan của Chính phủ Anh sẽ xét duyệt lịch sử thành tích và đóng góp của ứng viên trong nhiều năm trước khi đưa ra chứng nhận.
Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực chuyên môn của Huy Hiền. Để đạt được chứng nhận danh giá, 9X phải bảo đảm nhiều tiêu chí khắt khe như: sự đổi mới trong vai trò người lãnh đạo công ty công nghệ số, có tài liệu xuất bản trong các ấn phẩm chuyên ngành, đóng góp đáng kể cho những cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu vượt trội và thành tích học thuật xuất sắc.
Theo hồ sơ gửi tổ chức, tính đến nay, chàng trai trẻ Huy Hiền có 12 bài báo nghiên cứu quốc tế được xuất bản trong lĩnh vực AI với h-index. 9X từng lãnh đạo dự án hợp tác công nghệ quốc tế về AI với các giáo sư ở Anh và Pháp, đồng thời nhận được các quỹ hỗ trợ từ Liên minh châu Âu và nhiều tổ chức khác cho các nghiên cứu về AI.
Anh còn là người đánh giá (reviewer) cho các tạp chí nghiên cứu khoa học quốc tế có thứ hạng cao trong lĩnh vực AI, như Journal of Big Data (Q1), Information Retrieval (Q1), International Journal of Computational Intelligence Systems (Q2)... và các hội nghị khoa học quốc tế lớn. Ngoài ra, Huy Hiền cũng là người hướng dẫn cho nhiều cá nhân đến từ các quốc gia khác nhau, trong các dự án nghiên cứu về công nghệ kỹ thuật.
Thông thường, hồ sơ chứng nhận sẽ được cơ quan chính phủ Anh xử lý trong vòng 8 tuần. Chỉ những ứng cử viên nào thuộc diện đặc biệt xuất sắc (như đã có giải thưởng Nobel, Oscars, Grammy) mới được xử lý theo diện xét duyệt nhanh trong 3 tuần. Tuy nhiên, chỉ sau 7 ngày, chàng trai trẻ bất ngờ nhận thông báo đạt đủ điều kiện, thành công thuyết phục cơ quan chứng nhận.
“Tôi vỡ òa khi biết tin hồ sơ được thông qua và chính thức được chứng nhận là Tài năng toàn cầu và là Nhà lãnh đạo mới nổi trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật số. Cầm thư trên tay, tôi bật khóc, biết bao cố gắng của bản thân cuối cùng đã được ghi nhận”, Huy Hiền xúc động nói.
Theo thống kê của chính phủ Anh, mỗi năm chỉ có khoảng 4 cá nhân ở Đông Nam Á được chứng nhận ở hạng mục mà Huy Hiền vừa đạt được. Với chứng nhận Tài năng toàn cầu, 9X được phép làm việc và cư trú vĩnh viễn tại Anh mà không có ràng buộc nào thêm đến khi nhận quốc tịch. Ngoài ra, anh có thể thành lập và đứng tên công ty tại Anh, đồng thời bảo lãnh cho gia đình và người thân.
Đặt chân tới 48 quốc gia
Tính đến đầu tháng 12/2024, Huy Hiền đã đặt chân đến 48 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 5 châu lục. Trong đó có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, 9X tới nhờ vào tài trợ và học bổng toàn phần mà bản thân đạt được trong 6 năm học đại học, thạc sĩ.
Sở hữu bảng thành tích học thuật đáng nể, thế nhưng Huy Hiền luôn khiêm tốn nói bản thân không quá xuất sắc. Điều giúp anh gặt hái được thành quả như ngày hôm nay là nhờ vào những chiến lược do bản thân đề ra và sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt nhiều năm qua.
“Nhìn lại hành trình đã qua, từ một chàng trai xuất phát trong gia cảnh không mấy khá giả, vươn mình ra thế giới, đặt chân đến 48 quốc gia và giờ đây được công nhận là Tài năng toàn cầu, tôi thật sự rất biết ơn tất cả cơ duyên đã xảy đến, những người đã gặp”, Huy Hiền bày tỏ.
9X trải lòng, so với lúc 18 tuổi, anh thấy bản thân hiện tại đã thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều về tính cách, suy nghĩ và nhân sinh quan. Với Huy Hiền, điều khiến bản thân cảm thấy ý nghĩa nhất, không phải là đạt được những thành tích gì, mà là đã mang lại giá trị gì cho mọi người và cộng đồng.
Cơ hội làm việc và học tập tại nhiều quốc gia giúp Huy Hiền mở rộng vốn kiến thức về lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo anh, không có giải pháp công nghệ nào tuyệt đối. Mỗi quốc gia sẽ có cách tiếp cận riêng đối với từng vấn đề. Điều quan trọng là ứng dụng linh hoạt và giải pháp đưa ra phải hướng tới khía cạnh toàn diện, bền vững.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Huy Hiền mong muốn có thể hỗ trợ và là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam được phát triển nhiều hơn tại nước Anh nói riêng và và châu Âu nói chung.