1. Học cách nhận trách nhiệm
Đổ lỗi thường xuất phát từ việc bạn không muốn đối diện với những sai lầm của mình. Khi đó, bạn tìm cách chuyển hướng trách nhiệm sang bạn đời. Việc đổ lỗi dễ làm tổn thương đối phương và tạo ra khoảng cách, mâu thuẫn khó giải quyết. Hãy nhận thức tác hại của thói quen này, từ đó học cách nhận trách nhiệm.
Điều này không phải để tự trách mình, mà để bạn hiểu mọi mối quan hệ đều là sự tương tác hai chiều. Học cách nhận trách nhiệm, bạn không chỉ giải tỏa căng thẳng mà còn khuyến khích đối phương cũng làm điều tương tự, để có thể tìm ra giải pháp chung cho vấn đề.
2. Kiềm chế cảm xúc
Khi kỳ vọng không được đáp ứng, bạn dễ dàng trút giận lên người bạn đời. Lúc này, tức giận chính là kẻ thù của lý trí và bạn thường có xu hướng nói những lời cay đắng làm tổn thương đối phương. Kết quả là tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Bởi vậy, bạn không nên phản ứng tức thời, nóng vội mà hãy hít thở sâu, cho bản thân thời gian để bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo. Khi cảm xúc đã được kiểm soát tốt hơn, ổn định hơn, bạn sẽ dễ dàng tìm ra giải pháp thay vì trách cứ.
3. Giao tiếp không phán xét
Giao tiếp đóng một vai trò hết sức quan trọng để tránh những tổn thương không cần thiết cho cả hai. Khi giao tiếp, bạn nên tránh sử dụng những lời lẽ chỉ trích hoặc quy chụp. Hãy thể hiện cảm xúc cá nhân một cách rõ ràng, chân thành và tôn trọng đối phương. Cách giao tiếp này sẽ tạo không gian để cả hai đối thoại chứ không phải tranh cãi.
4. Tập trung vào vấn đề
Thói quen đổ lỗi thường xuất phát từ nhu cầu bảo vệ bản thân khỏi cảm giác thất bại hoặc tổn thương. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến mối quan hệ của bạn thêm căng thẳng, bởi bạn đời cảm thấy không thấy được tôn trọng.
Không nên quá tập trung vào lỗi của đối phương, bạn hãy hướng tới vấn đề thực sự cần giải quyết. Khi chuyển sự chú ý từ con người sang vấn đề, bạn thực sự tạo ra môi trường hợp tác thay vì đối đầu, để cả hai hướng đến một mục tiêu chung.
5. Lắng nghe chủ động
Khi mâu thuẫn xảy ra, cảm giác bị phớt lờ thường khiến căng thẳng leo thang. Bởi vậy, việc lắng nghe lúc này rất cần thiết. Không chỉ nghe bạn đời nói mà hãy thấu hiểu đối phương đang muốn truyền đạt điều gì.
Tập trung lắng nghe để bạn có thể đặt câu hỏi làm rõ vấn đề và cố gắng nhìn nhận vấn đề từ góc độ, cảm xúc, suy nghĩ của đối phương. Điều này giúp giảm thiểu hiểu lầm, tăng cường sự gắn kết.
6. Tìm kiếm giải pháp
Thay vì tập trung vào việc xác định ai đúng ai sai, hãy chuyển hướng sang việc tìm kiếm giải pháp. Đây là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, hợp tác, thấu hiểu và sẵn sàng thay đổi của cả hai. Nên cùng nhau miêu tả vấn đề một cách cụ thể, chi tiết nhất có thể.
Khi đã xác định vấn đề một cách rõ ràng, nên tìm nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của vấn đề. Như vậy, cả hai mới có thể cùng nhau đưa ra ý tưởng giải quyết vấn đề phù hợp và cùng chia sẻ trách nhiệm thực hiện các giải pháp đã đưa ra. Việc làm này không chỉ giúp cải thiện tình huống mà còn củng cố mối quan hệ vợ chồng.
7. Văn hóa hợp tác
Để xây dựng lòng tin và sự tôn trọng, hãy tập trung vào văn hóa hợp tác. Xem mỗi xung đột như một cơ hội để bạn và đối phương học hỏi và thay đổi. Hãy tạo thói quen thảo luận thường xuyên để cải thiện mối quan hệ của cả hai. Khi bạn và bạn đời tập trung vào tinh thần "chúng ta", mọi vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn.
8. Cải thiện bản thân
Cuối cùng, sự thay đổi nên được bắt đầu từ chính bạn. Ngừng đổ lỗi không phải là việc dễ dàng nhưng đó là hành trình đáng giá để đạt được hạnh phúc lâu dài.
Thay đổi cách suy nghĩ và hành động sẽ giúp bạn cải thiện bản thân, cải thiện chất lượng mối quan hệ, mang lại sự bình yên và hài lòng trong cuộc sống. Hãy bắt đầu thay đổi từ hôm nay để hôn nhân của bạn hạnh phúc hơn.
Theo Phụ nữ Việt Nam