5 'bóng hồng' quyền lực của làng công nghệ thế giới

06/03/2024 07:00

Thế giới công nghệ khô khan ngày càng xuất hiện nhiều 'nữ tướng' nổi bật như tân CEO X Linda Yaccarino, CEO AMD Lisa Su hay Reshma Saujani, CEO Girls Who Code.

Theo tạp chí Forbes, chỉ có khoảng 8% CEO các hãng công nghệ đám mây trong danh sách Cloud 100 là nữ giới. Một báo cáo khác của Fortune Global 500 – xếp hạng 500 công ty theo doanh thu – cho thấy chỉ có 5% CEO các hãng lớn trong tất cả các ngành là phái đẹp.

Bất chấp sự chênh lệch giới tính trong vị trí lãnh đạo công nghệ, thực tế ngày càng có nhiều phụ nữ nổi bật và có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong mọi lĩnh vực: truyền thông, mạng xã hội, bán dẫn hay lập trình.

CEO Twitter Linda Yaccarino

s6maq98r.png

Gần một năm trước, tỷ phú Elon Musk bổ nhiệm Linda Yaccarino làm CEO Twitter (nay là X), phụ trách điều hành kinh doanh tại “chim xanh” để ông có thời gian tập trung vào thiết kế sản phẩm và công nghệ mới. Ông kỳ vọng sẽ cùng với tân CEO chuyển đổi Twitter thành X, “ứng dụng cho mọi thứ”.

Trước đó, Yaccarino là Giám đốc tiếp thị tại NBC Universal. Bà bắt đầu sự nghiệp truyền thông với tư cách thực tập sinh ở đây và dành hai thập kỷ ở Turner Broadcasting trước khi quay lại NBC Universal năm 2011. Bà là sếp của mảng kinh doanh quảng cáo 13 tỷ USD của nhà đài và nổi tiếng với phong cách đàm phán “lạt mềm buộc chặt”.

Bà nhậm chức trong bối cảnh hàng loạt nhà quảng cáo quay lưng với mạng xã hội này. Từ 1/4 đến tuần đầu tháng 5/2023, doanh thu quảng cáo tại Mỹ của Twitter giảm 59% so với cùng kỳ năm 2022, theo NYT. X cũng gặp vô số rắc rối từ khi về tay ông chủ Musk. Do đó, nhiều người đánh giá Yaccarino đã lãnh “công việc khó nhất giới công nghệ”.

Tuy nhiên, nhà phân tích Dan Ives nhận xét ít người được trang bị đầy đủ như bà để đảm nhận chức vụ này. “Bà ấy không phải người dễ lùi bước trước thách thức”, Ives nói.

CEO Canva Melanie Perkins

melanie perkins photo 696x456 6200 1551940127 1200x0.jpg

Melanie Perkins là nhà sáng lập kiêm CEO nhà sản xuất phần mềm thiết kế Canva, được định giá 40 tỷ USD hồi tháng 9/2021. Canva ra đời năm 2013 dưới bàn tay của Perkins, Cliff Obrecht và Cameron Adams tại Sydney, Australia. Cô nắm khoảng 18% cổ phần công ty nhưng đã cùng chồng (Obrecht) cam kết chuyển hơn 80% cổ phần cho quỹ Canva làm thiện nguyện.

Bất chấp những hoài nghi ban đầu, Canva thu hút hơn 60 triệu người dùng hằng tháng. 500.000 nhóm từ các hãng như Intel, Zoom cũng trả tiền để sử dụng công cụ này. Phần mềm của Canva cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh hấp dẫn một cách đơn giản, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Theo Fortune, Perkins từng bị 100 nhà đầu tư mạo hiểm “lắc đầu” và Canva thành lập khi bà không hề có mối quan hệ nào với Silicon Valley. Dù vậy, hiện tại Canva chính là startup giá trị nhất thế giới do một phụ nữ sáng lập và dẫn dắt.

Perkins cho biết tham vọng của Canva là “trao quyền cho mỗi một con người trên thế giới khả năng thiết kế bất kỳ thứ gì mà họ có thể tưởng tượng ra bằng mọi ngôn ngữ trên mọi thiết bị”.

CEO AMD Lisa Su

ceo amd.jpg

Lisa Su là Chủ tịch kiêm CEO hãng bán dẫn Advanced Micro Devices (AMD), công ty có tên trong danh sách Fortune 500. Từ năm 1994 đến 1995, bà là nhân viên kỹ thuật tại hãng chip Texas Instruments. Sau đó, bà cống hiến 13 năm tại IBM trong nhiều vị trí khác nhau liên quan đến kinh doanh và kỹ thuật, bao gồm Phó Chủ tịch Trung tâm R&D bán dẫn.

Năm 2007, bà gia nhập Freescale Semiconductor với tư cách Giám đốc công nghệ rồi tiếp tục trở thành Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc bộ phận Mạng và Đa phương tiện. Tháng 1/2012, bà đầu quân cho AMD, lần lượt đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, phụ trách kinh doanh các sản phẩm và giải pháp; Giám đốc điều hành phụ trách sáp nhập các mảng kinh doanh, bán hàng, hạ tầng vào một tổ chức duy nhất. Từ đó đến nay, bà đã dẫn dắt công cuộc chuyển đổi của AMD sang điện toán thích ứng và hiệu suất cao. AMD cũng là một trong những hãng bán dẫn phát triển nhanh nhất thế giới.

Một điều khá thú vị được Lisa Su tiết lộ năm 2020 là họ hàng xa của CEO Nvidia Jensen Huang.

CEO Girls Who Code Reshma Saujani

1 wx5vpikqh1z5pquerqid7q.jpg

Là nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Girls Who Code (tạm dịch: Những cô gái lập trình), Reshma Saujani dành hơn một thập kỷ để đấu tranh cho tiếng nói của nữ giới trong nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực công nghệ. Gần đây nhất, bà vận động các chính sách hỗ trợ các bà mẹ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Reshma là tác giả của cuốn sách ăn khách “Dũng cảm, không hoàn hảo” và bài nói chuyện truyền cảm hứng với chủ đề tương tự, đạt hơn 5 triệu lượt xem trên toàn cầu. Trước đó, bà từng là luật sư và hoạt động tại Đảng Dân chủ (Mỹ). Năm 2010, bà bước vào chính trường với tư cách là người phụ nữ gốc Ấn đầu tiên tranh cử vào Quốc hội Mỹ.

Trong thời gian này, bà đến thăm các trường học địa phương và chứng kiến khoảng cách giới trong các lớp học máy tính. Đây là lý do thôi thúc bà bắt đầu Girls Who Code. Từ đó tới nay, tổ chức đã hướng dẫn 300.000 cô gái thông qua chương trình giảng dạy khoa học máy tính trực tiếp. Năm 2019, Girls Who Code được tạp chí Fast Company trao giải thưởng Tổ chức Phi lợi nhuận sáng tạo nhất.

CEO Oracle Safra Catz

oracle ceo.jpg

Một “nữ tướng” công nghệ khác không thể không nhắc tới là CEO Oracle Safra Catz. Bà bắt đầu điều hành Oracle từ tháng 9/2014, khi nhà sáng lập Larry Ellison từ chức. Bà gia nhập hãng phần mềm năm 1999 và là người dẫn đầu chiến lược M&A quyết liệt của công ty, giúp hoàn tất hơn 130 thương vụ thâu tóm.

Sinh ra tại Israel, bà học Luật tại Đại học Pennsylvania và làm việc tại Phố Wall trong 14 năm, phụ trách ngành công nghiệp phần mềm.

Safra Catz là hiện thân của sự bền bỉ, kiên trì và đam mê để đạt được mục tiêu dài hạn bất chấp trở ngại. Mục đích của bà rất rõ ràng: đưa Oracle theo hướng tăng trưởng và đổi mới trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển. Bà không chỉ muốn Oracle duy trì vị trí dẫn đầu mà còn muốn thúc đẩy công ty hướng đến những tầm cao mới và phù hợp với thời đại số.

Dưới sự lãnh đạo của bà, Oracle đã mở rộng các dịch vụ của mình vượt ra ngoài các giải pháp phần mềm truyền thống để nắm bắt điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác. Thông qua ưu tiên nhu cầu khách hàng và đầu tư vào R&D, bà đảm bảo rằng Oracle vẫn đi đầu về đổi mới.

(Tổng hợp)

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/5-bong-hong-quyen-luc-cua-lang-cong-nghe-the-gioi-2256337.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/5-bong-hong-quyen-luc-cua-lang-cong-nghe-the-gioi-2256337.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
5 'bóng hồng' quyền lực của làng công nghệ thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO