4 biến thể phụ của Omicron gia tăng ca mắc COVID-19, vaccine vẫn có tác dụng

Lệ Hà| 25/08/2022 17:07

Việt Nam đang có 4 biến thể phụ của chủng Omicron trong cộng đồng được cho rằng gia tăng ca mắc mới và có khả năng lẩn tránh miễn dịch.

4 biến thể phụ của Omicron gia tăng ca mắc COVID-19, vaccine vẫn có tác dụng
Các biến thể COVID-19 mới - BA.4 và BA.5 - đang lan nhanh ở nhiều nước. Ảnh: AFP

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam xuất hiện biến thể phụ mới BA.2.74 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn.

Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác, trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76. Các biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, tại Việt Nam ngoài biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.12.1, đã ghi nhận thêm biến thể phụ mới BA.2.74. Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1. Thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: “Virus có thể tồn tại lâu dài, có thể tiến hoá theo chiều hướng nhẹ đi và lưu hành lâu dài như cúm mùa, nhưng có thể biến chủng nặng hơn hoặc vô hiệu hoá vaccine, thực tế đang diễn biến phức tạp, khó lường”.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tốc độ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 còn chậm, đặc biệt là tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Địa phương có tỉ lệ thấp là Đà Nẵng (20,7%); Quảng Nam (19,1%); Khánh Hòa (34,5%); TP.Hồ Chí Minh (31,5%); Bình Dương (27,2%).

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trẻ em vẫn bị mắc COVID-19, mặc dù khi nhiễm bệnh nhẹ, tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nặng như đã ghi nhận trẻ mắc hội chứng MIS- C (viêm đa hệ thống hậu COVID-19).

Trẻ em vẫn tiêm rất nhiều loại vaccine. Từ lúc lọt lòng trẻ đã tiêm vaccine viêm gan B ngay tại bệnh viện, sau đó tiêm vaccine lao, sởi, bại liệt, bạch hầu… Việc  tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép và tiêm cũng an toàn, phụ huynh không nên lo lắng quá mà cần phải cho trẻ đi tiêm để phòng bệnh.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, COVID-19 không biến mất, có thể trở thành bệnh cúm mùa, vì thế người dân không nên chủ quan mà lơ là các biện pháp phòng dịch. Thời gian qua ghi nhận nhiều ca tái nhiễm, thậm chí có người nhiễm lần thứ 3, thứ 4. Sau 4-6 tháng tiêm vaccine, miễn dịch giảm đi, kể cả miễn dịch tự nhiên (đã mắc COVID-19) nên vẫn tái nhiễm. Do vậy cần phải tiêm vaccine và cần phải tiêm nhắc lại.

"Không giống như vaccine cúm mùa chúng ta phải tiêm hằng năm, phải sản xuất lại vaccine theo biến chủng mới, vaccine COVID-19 không phải là vaccine sản xuất theo biến chủng mới, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vaccine vẫn có tác dụng với các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Vì vậy, tôi nhấn mạnh một lần nữa là việc tiêm mũi nhắc lại hoàn toàn cần thiết để phòng bệnh.

Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền". PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
4 biến thể phụ của Omicron gia tăng ca mắc COVID-19, vaccine vẫn có tác dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO