Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2023 vừa được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng ký gửi Quốc hội.
Chính phủ nhận định việc phòng ngừa tham nhũng có nhiều kết quả. Trong năm 2023, có 55 người đứng đầu và cấp phó bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Cụ thể, có 13 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong số này, 16 người bị khiển trách, cảnh cáo 13 người và cách chức 13 người).
"Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách", Chính phủ nhận định.
Về chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu thống kê các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác của 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng cũng quán triệt các bộ, ngành, địa phương kịp thời thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết thời hạn bổ nhiệm.
Ở khía cạnh khác, Chính phủ nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.
Báo cáo về việc khai tài sản, thu nhập cuối năm 2022, Tổng Thanh tra dẫn số liệu có 60.458 người kê khai tài sản thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản thu nhập hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.
Các cơ quan đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 với 13.093 người. Kết quả, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm,
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế.
Chính phủ dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh", báo cáo nêu.
Vì vậy, Chính phủ đưa ra hàng loạt nhiệm vụ như siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Chính phủ quán triệt ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…
Chính phủ cũng tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp…