120.000 thí sinh từ chối vào đại học sẽ đi đâu?

19/09/2023 11:03

Cả nước có khoảng 120.000 thí sinh trúng tuyển nhưng đã từ chối vào đại học, vậy họ đi đâu và đây có phải là vấn đề bất thường?

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, năm nào cũng có tỉ lệ thí sinh bỏ trúng tuyển đại học do nhiều nguyên nhân nên việc này là bình thường.

“Việc bỏ học có nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan bởi đó là lựa chọn của thí sinh. Về số liệu khoảng 120.000 thí sinh bỏ trúng tuyển thoạt nhìn có vẻ lớn nhưng năm nay chỉ tiêu vào đại học của các trường nhiều hơn các năm trước, đồng nghĩa với số phần trăm bỏ học tăng nên chúng ta có cảm giác bất thường mà thôi”, ông Nhân phân tích.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP.HCM. (Ảnh: Tienphong)

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP.HCM. (Ảnh: Tienphong)

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thí sinh trúng tuyển đại học nhưng từ chối nhập học năm nào cũng có, nhưng lên đến khoảng 120.000 em thì cần phải xem xét lại vấn đề.

TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Phát triển thương hiệu và Tuyển sinh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, theo khảo sát của trường với thí sinh thì nhận thấy có 3 nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề trên.

Thứ nhất, có em trúng tuyển vào trường, ngành mà mình không mong muốn nên đã tìm cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung. Thứ hai, cũng có thí sinh chuyển hướng đi du học hoặc học các chương trình liên kết quốc tế trong nước. Và thứ ba, nhiều thí sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chuyển hướng học nghề.

TS Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia hướng nghiệp trong lĩnh vực du học cho rằng có nhiều yếu tố để học sinh chọn đi du học thay vì học tập trong nước. Chẳng hạn, một số em mong muốn trải nghiệm cuộc sống và học tập ở nước ngoài, cơ hội tạo lập mạng lưới quốc tế, hoặc chương trình học tập cụ thể không có tại Việt Nam.

Số người chọn du học vì tin rằng giáo dục ở nước ngoài có chất lượng tốt, có cơ hội học hỏi, cần sự đa dạng hóa trong học tập, hoặc muốn học các ngành chuyên môn cụ thể mà không có ở Việt Nam; trong khi tại một số quốc gia như Australia, Canada... có chính sách thu hút tạo điều kiện làm việc sau tốt nghiệp như trải nghiệm làm việc toàn thời gian trong vài năm.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM hồi giữa tháng 8 cho biết, tính đến tháng 7/2023, số học viên nghề ở thành phố là hơn 370.000, tăng hơn 150.000 người so với năm 2021 và vượt gần 2% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, trình độ cao đẳng chiếm nhiều nhất với hơn 177.000 người; trung cấp (hơn 126.000), còn lại là trình độ sơ cấp (hơn 33.800).

Cuối năm ngoái, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, các trường nghề tuyển được gần 2,45 triệu học viên, tăng 500.000 người so với năm 2021 và cao nhất trong 5 năm qua. Cơ quan này nhận định, lợi thế của giáo dục nghề nghiệp là số lượng ngành, nghề lớn. Hiện bậc trung cấp có khoảng 800 ngành, nghề, cao đẳng 400, chưa tính trình độ sơ cấp và các khóa học ngắn hạn, lấy chứng chỉ.

Anh Tiến làm việc trong một nhà hàng. (Ảnh: U.P)

Anh Tiến làm việc trong một nhà hàng. (Ảnh: U.P)

Cử nhân chật vật xin việc

Sau bốn - năm năm ngồi trên giảng đường đại học, không ít cử nhân ra trường phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, phải lao động tay chân để mưu sinh trong khi chờ tìm được việc làm đúng chuyên ngành.

Nhanh nhẹn dọn bàn ghế, bưng bê ly chén tại một quán hải sản nướng trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM), anh Huỳnh Phát Tiến (28 tuổi) cho biết, vừa làm công việc này được vài tháng nhưng đã thuần thục và thích nghi với môi trường mới. Vốn là sinh viên ngành công nghệ thông tin nhưng khi ra trường, anh Tiến gặp không ít khó khăn khi xin việc làm.

Để mưu sinh, anh nhận làm đủ nghề từ quảng cáo, tiếp thị, bán hàng… Lý giải lý do không làm đúng ngành nghề được đào tạo, Tiến cho biết, do không đam mê ngành học nhưng do gia đình nên anh cố gắng bám trụ. Ra trường, Tiến chật vật xin việc cộng với không có niềm đam mê với ngành học, anh chỉ có thể làm các nghề tự do.

Tốt nghiệp loại khá khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Tự nhiên TP.HCM nhưng ba năm qua, Nguyễn Bá Nam (27 tuổi, quê Nha Trang) vẫn làm trợ giảng bán thời gian cho một trường cấp ba ở TPHCM trong khi chờ tìm việc đúng chuyên ngành. Nam kể, đã “rải” CV (sơ yếu lý lịch) ở hàng chục công ty, doanh nghiệp nhưng vẫn chưa nơi nào “chốt đơn”.

Có hai bằng đại học nhưng chị Lê Thị Chinh (32 tuổi, quê Long An) hằng ngày vẫn làm nghề giao hàng, tiếp thị đồ chơi cho một doanh nghiệp sản xuất nhựa ở quận 8. Vốn là cử nhân kế toán, sau học thêm bằng cử nhân quản trị kinh doanh nhưng chị mãi vẫn không tìm được nơi làm phù hợp.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 82.500 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 7% so với cùng kỳ, tương đương 5.000 người); trong đó có trên 27.800 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 36%.

Theo Trung tâm, tỷ lệ lao động trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp xếp thứ hai trong tổng số người nộp hồ sơ toàn thành phố. Đứng đầu là nhóm không có bằng cấp chứng chỉ chiếm khoảng 53%, thứ ba thuộc về nhóm có cao đẳng, chiếm gần 6%.

(Nguồn: Tiền Phong)

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/120-000-thi-sinh-tu-choi-vao-dai-hoc-se-di-dau-ar820915.html
Copy Link
https://vtc.vn/120-000-thi-sinh-tu-choi-vao-dai-hoc-se-di-dau-ar820915.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
120.000 thí sinh từ chối vào đại học sẽ đi đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO