Theo đó, Dạo bước qua vùng đất của sơn mài sẽ trưng bày gần 30 tác phẩm sơn mài tiêu biểu từ sự đóng góp của 10 họa sĩ là những cái tên không còn xa lạ trong giới mỹ thuật như: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My.
Giám tuyển Vân Vi chia sẻ thêm, tranh sơn mài được tôn vinh là đặc sản của mỹ thuật Việt. Triển lãm này sẽ giúp công chúng tìm hiểu về lĩnh vực một cách nhẹ nhàng, như cách ta thư thả đi bộ, vừa thưởng thức, vừa đủ thời gian để nhận thấy nhiều cách tiếp cận nghệ thuật sơn mài trên con đường phát triển chung của nó.
"Những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân mình. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hay bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hay hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hay là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp…", nữ giám tuyển Vân Vi cho biết.
Tại triển lãm cũng có thể thấy sự trưởng thành của họa sĩ Đỗ Thị Kim Đoan qua những tác phẩm của mình. Kim Đoan đã dành 28 năm vừa qua chỉ chuyên tâm sáng tác trên chất liệu sơn mài. Tranh của Kim Đoan vẽ theo lối ước lệ, đồng hiện, thể hiện mỹ cảm Á Đông rõ rệt. Thế mạnh của Kim Đoan là sử dụng những mảng màu đen trơn nhẵn, dùng chính sức mạnh chiều sâu của sơn then một cách đơn giản để tạo ra phần nền tự có cảm giác rất "Việt Nam ta".
Sự kiện cũng sẽ trưng bày 2 bức tranh tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Thị Quế. Nguyễn Thị Quế vẽ theo lối sơn mài truyền thống, thay vì các họa sĩ hiện đại có thể vẽ trực tiếp lên mặt vóc và ứng tác với sơn mài, thì họa sĩ Quế nghiên cứu trên phác thảo chì, và phác thảo màu nhiều lần rồi mới chuyển thành tranh.
Sự nghiên cứu kỹ lưỡng này cho phép tranh đạt được độ hoàn thiện rất cao, tưởng chừng như lối này có thể làm giảm sự phóng khoáng đường nét, nhưng chính sơn mài đã giúp cho nữ họa sĩ thoát khỏi cái bẫy ấy. Không thể dùng lời mà nói hết được về tranh tĩnh vật, có lẽ chỉ có sự chứng kiến mới làm sáng tỏ được những gì ta sẽ cảm nhận được.
Họa sĩ Phạm Trà My cũng có những tác phẩm rất riêng ở triển lãm này. Cô vẽ thường bao gồm muôn vàn chi tiết, hình dấu dưới lớp lớp, được thể hiện tỉ mỉ, kỹ lưỡng; cũng là một lối vẽ mà sơn mài sẽ cộng hưởng sức mạnh cho nó. Nhìn vào tranh của My, ta thấy một thế giới tinh thần mơ mộng của riêng cô.
Giám tuyển Vân Vi chia sẻ, tranh sơn mài đang được tôn vinh là đặc sản của mỹ thuật Việt. Với triển lãm Dạo bước qua vùng đất của sơn mài này, công chúng có thể tìm hiểu tranh sơn mài một cách nhẹ nhàng, như một cuộc đi bộ thư thái, để có thể thấy những ngả đường phong cách sơn mài khác nhau.
Triển lãm diễn ra từ ngày 2-8/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.