Nam Định: Di dời hàng trăm hộ dân sống ven đê sông Đáy
Nhịp sống - Ngày đăng : 05:53, 11/09/2024
Theo báo cáo của huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), do ảnh hưởng của mưa bão và xả lũ từ thượng nguồn, mực nước trên sông Đáy dâng cao khiến nhiều tuyến đê bối ở địa bàn các xã: Hồng Quang, Yên Khang, Yên Phúc có hiện tượng thẩm lậu, sủi mạch nước, rò rỉ trên thân đê.
Hiện nay, tại các vùng bối của huyện Ý Yên có dân cư sinh sống như: Yên Trị 12 nghìn người, Yên Đồng 900 người, Yên Nhân 686 người, Yên Phúc 3.945 người...
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Ý Yên, các tuyến đê bối này chỉ bảo đảm an toàn chống lũ ở mức báo động 2, nếu mực nước trên báo động 2 và tiếp tục lên cao phải di dời người dân, tài sản ở vùng bối đến nơi an toàn.
Trong ngày 10/9, một số điểm trên các tuyến đê trên đã xảy ra sự cố; trong đó, bờ bao sản xuất ở các thôn Ninh Mật, Ngô Xá, xã Hồng Quang, huyện Ý Yên, xảy ra tràn cục bộ khoảng 200m.
Hiện, xã Yên Phúc đã đắp chống tràn ở nhiều đoạn khoảng 200m; một số vị trí đê bao bị rò đã cho xử lý đắp bao tải cát đồng thời tổ chức di dời tài sản và khoảng trên 60 hộ dân.
Xã Hồng Quang đã thông báo và thực hiện di dời 326 hộ dân với khoảng 1.450 nhân khẩu cùng tài sản đến nơi tránh trú an toàn; xã Yên Khang tổ chức di dời gần 400 người dân và tài sản vùng ngoài đê. Di dời 21 hộ dân sinh sống ngoài đê thuộc địa phận xã Phú Hưng đến nơi an toàn. Người già và trẻ em của 85 hộ dân xã Yên Lộc cũng đã được di dời đến nơi tránh trú an toàn.
Hà Nam: Nước sông Hồng vượt mức báo động II, sẵn sàng di dân
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Lý Nhân, do ảnh hưởng của mưa lũ, nước trên sông Hồng, sông Châu Giang lên cao, gây ngập lụt toàn bộ bãi sông Hồng ngoài đê bối Hồng Lý, Nhân Long, Nhân Hòa và một số vùng trũng giáp sông Châu Giang.
Tính đến 16h ngày 10/9, toàn huyện Lý Nhân đã di chuyển 17/596 hộ dân thuộc diện cần sơ tán ngay ở các xã Nhân Thịnh, Chân Lý, Phú Phúc, Nguyên Lý, Chính Lý, Hợp Lý, Văn Lý đến khu vực an toàn.
Các lực lượng chức năng phối hợp với nhân dân di chuyển nhiều tài sản, vật nuôi của những hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến các sân vận động và nhà người thân. Số hộ còn lại chưa thực hiện di chuyển vì chưa bị ảnh hưởng, nhưng cũng đã chủ động phương án và cam kết di dời khi mực nước tiếp tục dâng cao.
Đến 17h ngày 10/9, theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Hà Nam, lũ trên sông Hồng đã lên trên báo động II.
Thái Bình: Cấm các loại xe cơ giới đi trên đê
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình, hiện nay mực nước các trạm trên hệ thống sông tỉnh Thái Bình đang rất cao và sẽ còn tiếp tục lên, có diễn biến phức tạp.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình đê điều khi xả lũ hồ thủy điện cũng như phục vụ công tác kiểm tra, cứu hộ đê, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) cấm tất cả các loại xe cơ giới đi trên đê (trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa).
Đối với các xe cơ giới phục vụ công tác giải phóng các bãi vật liệu, hàng hóa bãi sông gây cản trở thoát lũ theo nội dung của các công điện thì chỉ được sử dụng xe có tổng tải trọng không vượt quá 12 tấn.
Tỉnh Thái Bình cũng sẽ di dời ngay các hộ ngoài đê vào nơi an toàn, chủ động rà soát, kiểm tra, nắm chắc số hộ, số nhân khẩu ở các điểm xung yếu, nơi có nguy cơ ngập lụt để sẵn sàng phương án, bố trí địa điểm, bố trí lực lượng sẵn sàng di dời người dân tránh trú khi không bảo đảm an toàn.