Quân sự thế giới hôm nay (10-9): Nga xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-57
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:45, 10/09/2024
*Nga “đặt cược” xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-57
Mặc dù phương Tây đưa ra những biện pháp trừng phạt nhằm gây tổn hại cho Nga, ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn đang nỗ lực cạnh tranh để giành được các đơn đặt hàng từ nước ngoài.
Máy bay chiến đấu Su-57. Ảnh: EurAsian Times |
Tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Ai Cập 2024 diễn ra từ ngày 3 đến 5-9, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport đã giới thiệu phiên bản xuất khẩu của máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 thế hệ thứ 5.
Sukhoi Su-57 được thiết kế và phát triển nhằm thay thế các mẫu cũ hơn và cạnh tranh trực tiếp với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của phương Tây như F-22 Raptor và F-35 Lightning II. Máy bay được trang bị các công nghệ tàng hình tiên tiến, bao gồm vật liệu hấp thụ sóng radar và khả năng siêu hành trình, cho phép máy bay bay ở tốc độ siêu thanh mà không cần đốt sau (afterburner).
Được trang bị 2 động cơ AL-41F1, chiến đấu cơ này có thể đạt tốc độ Mach 2 (tương đương 2.472km/giờ), phạm vi chiến đấu hơn 2.000km. Su-57 được trang bị nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất và bom dẫn đường. Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến của máy bay gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) có khả năng phát hiện, theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Buồng lái cũng được tích hợp bộ tác chiến điện tử tinh vi, giúp tăng cường khả năng sống sót trong môi trường đối phương.
Việc chế tạo Su-57 không chỉ thể hiện tham vọng nâng cao ưu thế trên không của Nga mà còn nhằm thúc đẩy xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia khác. Nga hy vọng rằng Su-57 sẽ là một đối thủ chủ chốt trên thị trường máy bay chiến đấu quốc tế, cung cấp một giải pháp thay thế khả thi cho các máy bay chiến đấu của Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, việc tích hợp Su-57 vào Không quân Nga được coi là một bước quan trọng hướng tới hiện đại hóa lực lượng vũ trang của nước này.
Dù nhiều chi tiết chưa được tiết lộ, nhưng từ năm ngoái, nhiều nguồn tin cho biết Tập đoàn chế tạo máy bay Nga UAC đang nghiên cứu phát triển phiên bản xuất khẩu của Su-57, còn gọi là Su-57E. Ở châu Phi, Algeria và Ai Cập là những quốc gia có đủ khả năng để mua máy bay chiến đấu này.
Tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Ai Cập 2024, Su-57E đã được giới thiệu cùng với tên lửa hành trình không đối đất Kh-69 (X-79). Kh-69 là tên lửa hành trình thế hệ mới của Nga được thiết kế cho các hoạt động chính xác tầm xa. Với tầm bắn hiệu quả lên tới 400km từ điểm phóng, Kh-69 có thể tấn công các mục tiêu chiến lược với độ chính xác cao nhờ hệ thống dẫn đường tiên tiến, kết hợp dẫn đường vệ tinh và cảm biến hồng ngoại để bay ở độ cao thấp.
* Ấn Độ - Pháp tập trận hải quân trên biển Địa Trung Hải
Ấn Độ và Pháp vừa kết thúc cuộc tập trận hải quân chung Varuna lần thứ 22 kéo dài 3 ngày trên biển Địa Trung Hải.
Ấn Độ - Pháp tập trận hải quân chung Varuna lần thứ 22 trên biển Địa Trung Hải. Ảnh: X.com |
Tham gia cuộc tập trận chung lần này, Ấn Độ cử tàu khu trục lớp Talwar INS Tabar cùng máy bay tuần tra biển P-8I Neptune. Phía Pháp cử khinh hạm tàng hình FS Provence, tàu ngầm lớp Suffren và các máy bay Atlantique 2, MB-339, NH90 và Dauphin.
Cuộc tập trận Varuna lần thứ 22 bao gồm các nội dung diễn tập chiến thuật nâng cao, tập trận tác chiến chống ngầm, FLYEX, tập trận phòng không và các hoạt động hàng hải khác.
Tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ và Pháp lần đầu được tổ chức vào năm 2001 và được đặt tên chính thức là Varuna. Hai bên cho biết, các cuộc tập trận Varuna giúp Ấn Độ và Pháp tăng cường năng lực hải quân, đồng thời thúc đẩy hợp tác vì trật tự tốt đẹp trên biển cũng như cam kết của cả hai quốc gia đối với an ninh, an toàn và tự do của các vùng biển chung toàn cầu.
* Australia sản xuất xe địa hình DAGOR
Mới đây, Australia vừa ký hợp đồng trị giá 14,6 triệu USD với công ty Polaris Australia nhằm sản xuất xe địa hình DAGOR.
Xe địa hình DAGOR. Ảnh: Polaris |
DAGOR sẽ được chuyển giao cho Lực lượng Phòng vệ Australia với nhiều biến thể khác nhau như vận tải (tăng cường khả năng cơ động chiến thuật và khả năng phòng thủ tốt hơn), trinh sát (tăng khả năng cơ động và tàng hình trong điều kiện khắc nghiệt) và chở hàng (với ghế sau được thay thế bằng phần thùng xe mở rộng để tăng khả năng chịu tải chiến đấu).
DAGOR được biết đến với sự cân bằng tối ưu giữa khả năng vận chuyển hàng nhanh chóng, khả năng chịu tải và khả năng cơ động tiên tiến, định vị. Khung gầm và hệ thống treo của xe được thiết kế để hoạt động trên địa hình gồ ghề với tải trọng 1,8 tấn. Xe có khả năng mang vũ khí hạng nặng. Trọng lượng và kích thước của xe cho phép vận chuyển bằng nhiều loại máy bay như CH-47, C-17 và C-130.
Thiết kế độc đáo của DAGOR giúp xe dễ dàng vận hành, bảo trì và duy trì trong các hoạt động chiến đấu. DAGOR hiện cũng đang được sử dụng trong quân đội Mỹ, Canada và một số quốc gia châu Âu. Việc sản xuất xe địa hình DAGOR đang được tiến hành và việc giao hàng sẽ diễn ra trong 2 năm tới.
QUỲNH OANH (tổng hợp)