Rau ngót nên vò xong mới rửa hay rửa xong mới vò?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 18:05, 26/08/2024
Rau ngót là loài rau được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á, có tên khoa học là Sauropus androgynus. Nó còn được gọi với nhiều cái tên khác như rau bồ ngót hay rau tuốt.
Rau có màu xanh đậm, giàu vitamin và khoáng chất, bao gồm vitamin C, B1, B6, magiê, kali, canxi, phốt pho. Ngoài ra, loại rau xanh này còn chứa một lượng đạm (protid) dồi dào.
Rau ngót nên vò xong mới rửa hay rửa xong mới vò?
Canh rau ngót là món ăn quen thuộc trong mâm cơm của nhiều gia đình Việt bởi nó vừa ngon vừa bổ dưỡng, ngọt nhất là khi chế biến cùng thịt bằm, tôm...
Trong việc sơ chế, có người vò rau ngót xong mới rửa, có người rửa xong mới vò; cách làm nào đúng hơn là điều vẫn gây tranh cãi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc vò nát rau sẽ làm giảm một số chất dinh dưỡng trong rau ngót, nhất là các vitamin. Muốn rau mềm hơn khi nấu, trước hết bạn nên rửa sạch rau dưới vòi nước.
Khi nồi nước nấu canh sôi, bạn mới nắm rau, vò nhẹ rồi bỏ ngay vào nồi nấu. Cách này vừa đảm bảo rau mềm ngọt vừa giảm tối đa lượng hao hụt vitamin.
Lưu ý, rau ngót sau khi vò không rửa lại với nước nữa mà nên chế biến luôn để giữ hương vị và đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất.
Rau ngót nên vò xong mới rửa hay rửa xong mới vò? (Ảnh minh hoạ: Istock)
Lợi ích sức khoẻ của rau ngót
Rau ngót rất giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ, đặc biệt tốt với phụ nữ sau sinh nhờ giúp loại bỏ sản dịch ra khỏi tử cung một cách nhanh chóng.
Loài rau này cũng là nguồn cung cấp chất xơ quý báu, giúp cải thiện sức khoẻ của hệ tiêu hoá, chống táo bón va phòng xơ vữa động mạch.
Theo bài đăng trên website của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, rau ngót có hàm lượng vitamin A, C cao hơn so với một số loại cam, chanh, bưởi... Đây là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, vận chuyển chất béo, điều chỉnh nồng độ cholesterol và miễn dịch.
Hàm lượng vitamin C có trong rau ngót còn giúp vết thương mau lành, chống lão hoá;còn vitamin A cần thiết cho sự tăng trưởng và cho thị lực, chống nhiễm khuẩn và duy trì làn da khỏe mạnh.
Theo Đông y, rau ngót có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt...
Bà bầu ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối thai kỳ nên hạn chế ăn rau ngót bởi nó chứa papaverin - một chất gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non (chính chất này giúp tử cung tăng co bóp để loại trừ sản dịch cho các bà mẹ mới sinh con).