Điểm tin Kinh doanh 23/7: Giá vàng: Vàng trong nước tăng theo đà thế giới
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 23/07/2024
- Giá vàng: Vàng trong nước tăng theo đà thế giới
Tại thị trường trong nước, sau một loạt các biện pháp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC đã ổn định hơn. Chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng thế giới có lúc đã được rút ngắn xuống chỉ còn hơn 1 triệu đồng/lượng.
Mở cửa phiên giao dịch chiều 22/7, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 78 - 80 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào bán ra ở mức 75,8 - 77,2 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên tuần trước.
Vàng Doji Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 78 - 80 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào so với chốt phiên tuần trước. Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 đứng ở mức 75,95 - 77,2 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên liền trước.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,5 - 80 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 75,7 - 77,19 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 78,5 - 80 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 được niêm yết ở mức 75,9 - 77,2 triệu đồng/lượng (mua-bán).
Công ty Bảo Tín Minh Châu hiện đang niêm yết giá vàng ở mức 78,5 - 80 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long đứng ở mức 75,88 - 77,18 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, thời điểm 8 giờ 30 sáng ngày 22-7 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.410 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với chốt phiên tuần trước.
- Chứng khoán VNDirect (VND) lợi nhuận giảm 18%, về đáy 5 quý gần nhất
CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) lợi nhuận sụt giảm 18%, về đáy thấp nhất trong 5 quý trở lại đây.
CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 2/2024 với doanh thu hoạt động đạt 1.458 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL giảm mạnh nhất, từ gần 949 tỷ xuống chỉ còn 810 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giảm 14,6%. Nghiệp vụ môi giới cũng giảm 10,4% xuống chỉ còn 182 tỷ đồng. Lãi từ các khoản đầu tư HTN giảm 4,4% xuống còn 116 tỷ. Riêng lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 9,4% lên mức 299 tỷ đồng.
Doanh thu sụt giảm nhưng chi phí hoạt động trong kỳ lại gia tăng đáng kể đã gây nên gánh nặng cho VNDirect.
Cụ thể, Lỗ các tài sản tài chính FVTPL trong kỳ tăng tới 35,6% lên mức 538 tỷ đồng. Chi phí tự doanh cũng tăng hơn gấp đôi, chiếm gần 20 tỷ đồng. Điểm sáng duy nhất là chi phí môi giới chứng khoán giảm 25,5% còn 98 tỷ đồng.
Chi phí tài chính, chi phí quản lý công ty đều giảm nhưng vẫn không bù đắp được lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL, lần lượt ghi nhận 156 tỷ và 79 tỷ đồng. Kết quả VND ghi nhận lãi sau thuế 345 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.
So với các kỳ kinh doanh trước, đây là quý hoạt động kém hiệu quả của VNDirect, lợi nhuận về đáy thấp nhất trong 5 quý trở lại đây.
Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 2.843 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Dù lợi nhuận Quý 2 sụt giảm nhưng nhờ kết quả tích cực của Quý 1, VND vẫn báo lãi 962 tỷ đồng, tăng 71% trong nửa đầu năm 2024.
Với kết quả trên, VND đã hoàn thành được 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
- Được loạt trụ cột nâng đỡ, VN-Index vẫn giảm hơn 10 điểm
Nhờ có lực đỡ của một số cổ phiếu lớn như MSN, TCB, VCB, CTG… ,VN-Index chỉ giảm hơn 10 điểm. Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bị bán tháo.
Kết thúc tuần từ 15 – 19/7 khá tiêu cực khiVN-Index giảm 1,2% về 1264,78 điểm với khối lượng giao dịch tăng 11,61%, nhiều mã chứng khoán nhóm vốn hóa trung bình nhỏ đứng trước áp lực bán mạnh. Bước sang phiên giao dịch đầu tuần mới, áp lực bán ngay lập tức dâng cao và đẩy các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tương tự các phiên trước, áp lực bán tiếp tục diễn ra rất mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhóm ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hãm đáng kể đà giảm của thị trường chung.
Hàng loạt nhóm ngành như bất động sản, chứng khoán, phân bón và hóa chất, thép… đều ghi nhận rất nhiều cổ phiếu lao dốc, thậm chí nhiều mã bị bán tháo. Ở nhóm chứng khoán, các cổ phiếu như CTS hay VDS đều bị kéo xuống mức giá sàn. Cổ phiếu MBS cũng không tránh khỏi áp lực bán mạnh khi giảm đến 6,78%. AGR giảm 4,89%. Ở hướng ngược lại, SHS và HCM là hai mã chứng khoán hiếm hoi giữ được sự tích cực. Trong đó, SHS tăng 2,89% còn HCM tăng 1,92%. Hai cổ phiếu chứng khoán lớn khác là SSI và VCI đều giảm khá nhẹ ở phiên hôm nay.
Mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước chính thức đăng tải Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán. Dự thảo kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt Prefunding cho nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường. Thông tin trên được cho là tác động tốt đến nhóm cổ phiếu chứng khoán top trên thị trường.
Tại nhóm thép, diễn biến cũng không khá hơn khi SMC bị bán xuống mức giá sàn. TVN giảm đến 12%, HSG giảm 3,8%, NKG giảm 3,1%. Ở nhóm bất động sản và khu công nghiệp, HDG, TIP hay QCG đều giảm sàn. QCG không những bị ảnh hưởng bởi thị trường chung mà còn bị ảnh hưởng bởi thông tin CEO Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan bị bắt. Cùng với đó, GVR cũng giảm hơn 5%. NVL có thời điểm giảm sàn nhưng lực cầu bắt đáy ở đây rất mạnh giúp cổ phiếu này còn giảm 6,3%. DXG nay là điểm sáng của dòng bất động sản khi bật tăng 2,59% lên 13.850 đồng/cp. DIG cũng tăng trở lại 0,84%.
Ngoài ra, các cổ phiếu như DGC, HVN, DBC… cũng lao dốc. HVN tiếp tục “cứng” sàn và chỉ còn 24.350 đồng/cp, như vậy, cổ phiếu này đã giảm khoảng 30% chỉ sau 6 phiên giao dịch. DGC bất ngờ giảm mạnh 6% dù công bố BCTC không mấy tiêu cực. Cụ thể, Doanh thu thuần quý II/2024 đạt 2.504,5 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Công ty về 870,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ gần 1% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, công ty mang về 1.574 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 7,6% so với nửa đầu năm 2023.
GVR và HVN là 2 cổ phiếu lấy đi của VN-Index nhiều nhất với lần lượt 1,7 điểm và 0,97 điểm. Các mã như FPT, DGC, GAS… cũng có đóng góp tương đối lớn trong việc gây áp lực đến chỉ số.
Ở hướng ngược lại, MSN bất ngờ tăng 1,7% và là nhân tố quan trọng nhất giúp kìm hãm đà giảm của thị trường chung khi đóng góp 0,44 điểm cho VN-Index. Các cổ phiếu ngân hàng như TCB, CTG, VCB, HDB… đều có biến động tích cực. TCB tăng 1,07%, HDB tăng 1,4%, VCB tăng 0,23%, CTG tăng 0,75%...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,14 điểm (-0,8%) xuống 1.254,64 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 350 mã giảm và 53 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,14 điểm (-0,89%) xuống 238,38 điểm. Toàn sàn có 60 mã tăng, 118 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,13 điểm (-1,17%) xuống 95,65 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 923,6 triệu cổ phiếu, tăng 16% so với phiên cuối tuần trước, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 21.115 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.760 tỷ đồng và 995 tỷ đồng.
NVL đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với 39 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, MBB và TPB khớp lệnh lần lượt 33,8 triệu đơn vị và 32,7 triệu đơn vị.
Khối ngoại mua ròng trở lại hơn 400 tỷ đồng trên HoSE, trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã SBT với 375 tỷ đồng và được thực hiện thông qua thỏa thuận. FPT được mua ròng trở lại 62 tỷ đồng. Trong khi đó, DGC bị bán ròng mạnh nhất với 97 tỷ đồng. VPB cũng bị bán ròng 54 tỷ đồng.
- 6 tháng đầu năm, Techcombank đạt 15,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế
Quý II/2024, Techcombank tiếp tục gặt hái những kết quả kinh doanh tích cực, với lợi nhuận trước thuế đạt 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần (NII) tăng lên 18,0 nghìn tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II, NII đạt 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với quý trước (tương đương mức tăng 50,6% so với quý II năm 2023).
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) tăng trưởng 32,0% so với cùng kỳ lên 5,8 nghìn tỷ đồng. Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ. Riêng quý II, Techcombank ghi nhận phí dịch vụ IB đạt kỷ lục 1 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức thu nhập của giai đoạn 2021 - 6 tháng đầu năm 2022.
Kết quả này phản ánh niềm tin trở lại của nhà đầu tư với sản phẩm trái phiếu cũng như sự phục hồi của thị trường cổ phiếu và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ của TCBS. Thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HOSE và HNX của công ty lần lượt tăng lên mức 7,5% và 7,9% trong quý II/2024.
Ngân hàng ghi nhận 1.420 tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác, với mức tăng trưởng cao 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu dẫn dắt bởi lãi từ hoạt động kinh doanh trái phiếu.
- Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu Vietnam Airlines?
Giá cổ phiếu HVN liên tục giảm mạnh 2 tuần gần nhất khiến vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines giảm hơn 1 tỷ USD chỉ trong thời gian ngắn.
Kết thúc phiên giao dịch 22/7, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines tiếp tục giảm kịch biên độ xuống mốc 24.350 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, đây đã là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp và là phiên giảm sàn thứ 4/5 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu này. Trong gần 2 tuần qua, cổ phiếu HVN chỉ giữ xu hướng giảm.
Chỉ trong nửa tháng, thị giá HVN đã bốc hơi 33% và lùi về vùng thấp nhất kể từ cuối tháng 5. Vốn hóa thị trường của hãng bay vì thế cũng giảm từ 80.500 tỷ đồng xuống gần 54.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm ròng 26.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Đà giảm liên tục gần đây của cổ phiếu Vietnam Airlines diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này đã tăng rất mạnh từ đầu năm.