Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuốc lá sẽ đắt đến mức nào?
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 16:18, 16/07/2024
Thất thu thuế từ thuốc lá lậu có thể tăng vọt
Sáng 16/7, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp cùng Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính - Bộ Tài chính tổ chức hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá”, đề cập vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá.
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, hoàn thiện. Các nội dung như Bộ Tài chính đề xuất hướng đến việc hạn chế sản xuất và điều tiết tiêu dùng nhằm đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế hỗn hợp, gồm thuế tương đối - hay còn gọi là thuế theo tỷ lệ phần trăm, giữ nguyên ở mức 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ năm 2026 đến năm 2030.
Với mức thuế tuyệt đối, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án. Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2, tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thông qua mô hình phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho thấy, vào năm 2030, sản lượng thuốc lá hợp pháp ở cả hai phương án do Bộ Tài chính đề xuất đều giảm mạnh, trong khi lượng thuốc lá lậu tăng mạnh.
Điều này dẫn đến tổng lượng thuốc lá tiêu thụ giảm không đáng kể, chỉ ở mức 7% ở cả hai phương án so với năm 2025.
Với hai phương án tăng thuế được đề xuất, thu ngân sách nhà nước sẽ tăng trung bình khoảng 13%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ trốn thuế do thuốc lá lậu tăng trung bình khoảng 33-34%/năm do người tiêu dùng chuyển đổi hành vi tiêu dùng do tăng nhanh thuế.
Đại diện nhóm nghiên cứu, bà Tô Kim Huệ, nêu rõ: Mô hình phân tích cũng cho thấy các nhà sản xuất thuốc lá bắt buộc phải chuyển toàn bộ tác động của thuế tăng sang người tiêu dùng bằng việc tăng giá sản phẩm, từ đó người tiêu dùng sẽ chuyển sang thuốc lá lậu.
“Điều này sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành thuốc lá, các doanh nghiệp có thể phá sản trong thời gian ngắn khi doanh thu sụt giảm khoảng 32-35%”, bà Huệ nói.
Ở góc độ doanh nghiệp tư vấn, nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và soi vào câu chuyện của Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, cho rằng nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng quá nhanh tại Việt Nam, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại; thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030.
“Thất thu từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40.000 tỷ đồng vào năm 2030, so với mức 5.000-6.000 tỷ đồng/năm hiện tại. Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng các tác động từ mọi khía cạnh; giãn tiến độ tăng thuế, tránh tăng sốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và ngành. Đồng thời, cần có biện pháp chống buôn lậu hiệu quả”, bà Vân bày tỏ quan điểm.
Ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giúp điều tiết hành vi người dùng và tăng thu ngân sách, song ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương), cũng bày tỏ lo ngại khi thuế đối với sản phẩm thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột, giá bán thuốc lá hợp pháp cũng tăng cao, người tiêu dùng sẽ tìm đến thuốc lá lậu để thay thế.
Cân nhắc mức thuế và lộ trình phù hợp
Cho rằng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã tới lúc cần điều chỉnh, sửa đổi, song bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý và kinh tế trung ương), nhấn mạnh: “Quốc hội đã đưa dự án luật này vào chương trình để sửa đổi, nhưng chúng ta cũng cần cân nhắc bối cảnh hiện nay; mức thuế suất, lộ trình điều chỉnh, tăng thuế ra sao”.
Vị này phân tích, nếu tháng 5/2025 ban hành, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ thực hiện từ năm 2026. Chưa khi nào doanh nghiệp lại khó khăn như giai đoạn 2023-2024, nếu áp dụng từ năm 2026 là áp lực rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Tài chính cần nghiên cứu cân nhắc, có đề xuất, làm sao đưa ra mức thuế và lộ trình tăng thuế phù hợp.
“Với dự án luật này, ngoài thuốc lá cũng có nhiều ngành hàng khác phản ánh lộ trình gấp gáp, dồn dập quá, doanh nghiệp không kịp phản ứng. Các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, chiến lược kinh doanh dài hạn. Xây dựng pháp luật nên chăng cần cân nhắc để đảm bảo ổn định đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp”, bà Thảo nói.
Với lộ trình và mức áp thuế cụ thể, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt bằng cách thực hiện áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối ở mức vừa phải với lộ trình tăng thuế hợp lý đến năm 2030.
Cụ thể, các đại diện đề xuất mức thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo; đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao.
Phương án này tạo ra mức tăng thuế hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Khẳng định sự cần thiết phải sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nói chung, trong đó đề cập tới mức thuế với mặt hàng thuốc lá, ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách (Văn phòng Quốc hội), cho rằng cần làm rõ hơn về tính cấp bách, cấp thiết. Theo đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân đối nhiều yếu tố. Phải đánh giá tác động kỹ lưỡng cả về nguồn thu ngân sách, các khía cạnh kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...