Sự cạnh tranh ngầm giữa các cuộc thi hoa hậu
Showbiz - Ngày đăng : 06:15, 25/06/2024
Từ lâu, giới sắc đẹp hay nhắc tới Big 6 bao gồm những cuộc thi sắc đẹp uy tín, đầu tư chỉn chu và được xem là lớn nhất hành tinh đó là Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái Đất, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế.
Để giữ vững được thanh thế của mình so với các đối thủ, những cuộc thi này đều đưa ra quy định riêng mà các quốc gia muốn cử đại diện tham gia phải tuân theo.
Hoa hậu Thế giới
Bà Julia Morley - chủ tịch Miss World.
Ngày 18/6, chuyên trang sắc đẹp Missosology đăng tải bài viết về các quy định mới của ban tổ chức Hoa hậu Thế giới. Chuyên trang này cho biết kể từ năm 2025, cuộc thi Miss World sẽ không cho phép những người đẹp từng tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế khác được dự thi.
Missosology cũng cho biết trong hơn 20 năm qua, bà Julia Morley - Chủ tịch Miss World - chưa trao vương miện cho bất kỳ cô gái nào từng tham dự các cuộc thi quốc tế khác trước đó.
Hồi tháng 5, ban tổ chức Miss Namibia cho biết tại cuộc họp các giám đốc quốc gia, tổ chức Hoa hậu Thế giới đã ra thông báo họ sẽ chỉ cho những người giành chiến thắng ở các cuộc thi cấp quốc gia được phép dự thi.
Bà Julia Morley - chủ tịch Miss World từng tuyên bố: "Chúng tôi không phải là Chúa. Chúng tôi ở đây với tất cả sự tôn trọng nhưng chúng tôi sẽ giữ luật lệ của mình. Chúng tôi không gây rối với các bạn. Các bạn biết mình sẽ nhận được gì, và chúng tôi biết mình nhận được gì. Và nó là như vậy. Xin lỗi vì đã lỗi thời".
Hoa hậu Hoàn vũ
Bà Anne Jakrajutatip - chủ sở hữu Miss Universe.
Sau khi tiếp quản cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vào năm 2022, nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrajutatip khẳng định tham vọng biến cuộc thi Miss Universe trở thành sân chơi nhan sắc đẳng cấp, uy tín nhất thế giới bằng cách đưa ra nhiều quy định mới.
Trong chuyến công tác tại Indonesia hồi tháng 2/2023, bà Anne yêu cầu các quốc gia chỉ được cử hoa hậu đăng quang tới tham dự Hoa hậu Hoàn vũ, các á hậu không có quyền tham dự.
Thông thường, các cuộc thi cấp quốc gia sẽ cử người chiến thắng tới Hoa hậu Hoàn vũ, trong khi đó các Á hậu được cử đi thi Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu Hòa bình hay Hoa hậu Trái Đất. Tuy nhiên, với quy định mới của bà Anne, á hậu của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia không được tham dự cuộc thi khác. Ngoài ra, những người đẹp giành danh hiệu tại Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia không được phép tham dự các cuộc sắc đẹp quốc tế khác.
Bên cạnh đó, bà Anne cũng tham vọng biến Hoa hậu Hoàn vũ thành cuộc thi độc nhất khi bỏ giới hạn độ tuổi dự thi, cho phép phụ nữ đã kết hôn, sinh con, chuyển giới được dự thi. Tuy nhiên tham vọng này đã nhận về kết quả không mong muốn khi nhiều người cho rằng đây chỉ là một chiêu trò để đánh bóng tên tuổi của bà Anne.
Hoa hậu Siêu quốc gia
Ông Gerhard von Lipinski - chủ tịch của cuộc thi Nam vương & Hoa hậu Siêu quốc gia.
Tháng 6/2023, ban tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia công bố những quy định mới. Ban tổ chức cho biết người giành chiến thắng phải ký hợp đồng 1 năm và gia hạn sau nhiệm kỳ 2 năm. Người chiến thắng không được tham gia bất kỳ cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, quốc tế nào khác.
Nếu vi phạm, người chiến thắng phải đền bù cho ban tổ chức số tiền 100.000 USD (khoảng hơn 2,3 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các á hậu cũng phải ký hợp đồng 1 năm và không được tham gia bất kỳ cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, quốc tế nào khác cho đến khi cuộc thi Miss Supranational tiếp theo được diễn ra.
Quy định này được cho là ban hành sau khi Hoa hậu Siêu quốc gia 2019 Anntonia Porsild quyết định từ bỏ danh hiệu để tham dự Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2023. Việc Anntonia Porsild từ bỏ danh hiệu đã động chạm đến tự ái của ông Gerhard von Lipinski - chủ tịch của cuộc thi Nam vương & Hoa hậu Siêu quốc gia khiến ông đưa ra quy định mới này.
Hoa hậu Hòa bình
Ông Nawat - Chủ tịch Miss Grand International.
Ngay từ khi khai sinh ra cuộc thi Miss Grand International, ông Nawat đã sáng tạo ra khẩu hiệu cho cuộc thi của mình "We are Grand - The One and Only" (Tạm dịch: Chúng tôi là Grand - số một và duy nhất).
Ông Nawat cũng không giấu tham vọng biến cuộc thi Miss Grand International thành thương hiệu sắc đẹp số 1 thế giới, vượt qua các cuộc thi khác như Miss Universe hay Miss World.
Vị chủ tịch này cấm các người đẹp từng giành danh hiệu tại cuộc thi của mình đăng ký tham dự sân chơi nhan sắc khác. Vào năm 2015, ông Nawat tước vương miện của Claire Elizabeth Parker - Hoa hậu Hòa bình 2015 khi cô quyết định dự thi Miss Universe Australia 2019 để tìm kiếm cơ hội tham gia Hoa hậu Hoàn vũ.
Gần đây nhất, ông Nawat gây tranh cãi khi ra thông báo những thí sinh từng tham dự Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan sẽ không còn cơ hội dự thi Hoa hậu Hòa bình Thái Lan 2023. Ông Nawat cũng cho biết các cuộc thi Miss Grand cấp tỉnh tại Thái Lan đều phải chấp hành nội quy mới này. Nếu giám đốc của đơn vị địa phương nào vi phạm đều sẽ bị rút giấy phép.
Hoa hậu Quốc tế
Tuy không đưa ra những quy định khắt khe như ông Nawat hay bà Anne Jakrajutatip nhưng ban tổ chức Hoa hậu Quốc tế từng nhiều lần ngầm khẳng định mong muốn các quốc gia cử đại diện là những người đẹp giành danh hiệu cao nhất ở các cuộc thi cấp quốc gia đến dự thi.
Gần đây nhất khi Hoa hậu Thanh Thủy được công bố là đại diện Việt Nam Hoa hậu Quốc tế, trang chủ của cuộc thi này cũng đăng bài giới thiệu, nhấn mạnh sự tự hào vì cô là người đẹp xuất thân từ cuộc thi nhan sắc uy tín, danh giá.
Ông Stephen Diaz - giám đốc truyền thông Hoa hậu Quốc tế cũng từng khẳng định sự tự tin vào vị thế của Hoa hậu Quốc tế khi cho rằng bà Anne Jakrajutatip cảm thấy bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của các cuộc thi khác.
Theo Tiền Phong