Điệp viên huyền thoại giúp Israel giành thắng lợi trong cuộc chiến 6 ngày
Tin thế giới - Ngày đăng : 05:45, 14/06/2024
Điệp viên là "vũ khí bí mật" được nhiều bên tận dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới. Từ những anh hùng tình báo được vinh danh cho đến các điệp viên hai mang, gây tranh cãi... tất cả đều ẩn chứa câu chuyện đầy bất ngờ và hấp dẫn. Cùng điểm lại những câu chuyện "gây chấn động" của các điệp viên nổi tiếng dưới đây.
Bài 1: Chân dung anh hùng tình báo Liên Xô giúp thay đổi cục diện Thế chiến II
Bài 2: Cuộc đời của điệp viên 2 mang được cả hai bên tôn vinh
Bài 3: Cú lừa chấn động của siêu điệp viên Trung Quốc Thời Bội Phác
Theo IFCJ và Myjewish.com, trong cuộc chiến với liên minh các nước láng giềng Ảrập năm 1967, Israel đã có thể chinh phục Cao nguyên Golan một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chiến công này sẽ không thể có được nếu không có những thông tin do điệp viên Eli Cohen cung cấp.
Cohen đã hoạt động bí mật ở Syria trong nhiều năm trước khi bị bắt và danh tiếng là điệp viên vĩ đại nhất của Israel vẫn còn vang tới ngày nay.
Người trung thành với chủ nghĩa phục quốc Do Thái
Eli Cohen chào đời tại Ai Cập năm 1924 trong một gia đình Do Thái di cư từ Aleppo, Syria tới Alexandria, Ai Cập. Năm 1949, ngay sau khi Nhà nước Israel được thành lập, cha mẹ và anh em của Cohen đã chuyển tới Israel. Tuy nhiên, ông ở lại giúp điều phối các hoạt động của người Do Thái và chủ nghĩa phục quốc Do Thái ở Ai Cập dù đây là một hoạt động mạo hiểm.
Năm 1955, Cohen trải qua khóa đào tạo gián điệp chuyên sâu ở Israel rồi sau đó trở lại Ai Cập với hy vọng giúp đỡ Israel. Tuy nhiên, Cohen bị chính quyền Ai Cập giám sát ngay lập tức.
Năm 1956, khi Ai Cập và Israel giao chiến trong Chiến dịch Sinai, những người Do Thái còn lại ở Alexandria bị trục xuất và Cohen cuối cùng cũng trở về Israel. Ba năm sau, ông kết hôn với một người Do Thái gốc Iraq là Nadia Majald và có 3 con.
Gia nhập cơ quan tình báo Mossad
Năm 1960, cơ quan tình báo Israel Mossad tiếp cận Cohen để giao cho ông một nhiệm vụ ở Syria. Tình báo Israel đặc biệt quan tâm tới Cohen vì ông có những nét đặc trưng Ảrập, có kiến thức và nói tiếng Ảrập, Anh, Pháp thành thạo.
Ông được Mossad đào tạo trong 6 tháng và trở thành katsa - đặc vụ hiện trường. Với vỏ bọc là một doanh nhân người Syria, Cohen phải tới Argentina vào năm 1961 để ngụy tạo thân thế. Cohen lấy tên là Kamal Amin Ta'abet, sống một năm ở Argentina và được mọi người biết tới như một doanh nhân giàu có, có mối quan hệ rộng rãi với nhiều chính trị gia và nhà ngoại giao.
Tới 1962, Cohen tới Damascus, Syria. Dùng những mối quan hệ đã thiết lập ở Nam Mỹ, Cohen bắt đầu làm bạn với các thành viên trong ban lãnh đạo đảng Ba'ath, đảng đang sẵn sàng nắm quyền ở Syria.
Kamal Amin Ta'abet nổi tiếng là một chủ nhà hiếu khách, người luôn sẵn sàng mở cửa nhà cho các quan chức chính phủ Syria đến để gặp gỡ phụ nữ và uống rượu. Trong khi những người xung quanh say khướt và mất cảnh giác, thoải mái nói về các thông tin bí mật và nhạy cảm, Cohen giả vờ say và lắng nghe chăm chú. Cứ vài ngày một lần, Cohen sử dụng một chiếc máy phát sóng vô tuyến giấu kín trong phòng để gửi thông tin về Israel.
Năm 1964, Syria bắt đầu dự án nhằm chuyển dòng nước từ sông Jordan ra khỏi hồ Kinneret, nguồn cung cấp phần lớn nước cho Israel. Cohen đã thông báo cho các quan chức Israel và sau đó Lực lượng Không quân Israel đã ném bom các thiết bị được sử dụng để thực hiện việc chuyển hướng.
Đóng góp cho Chiến tranh Sáu ngày
Trong suốt 4 năm, Cohen đã thu thập những tin tức tình báo quý giá cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), gửi thông tin về nước qua sóng radio, thư mật.
Nhiệm vụ nổi bật nhất của Cohen là chuyến thăm Cao nguyên Golan, khi đó vẫn chịu sự kiểm soát hoàn toàn của Syria. Cao nguyên này là một phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Syria, vì gần như không thể bị các cuộc tấn công của Israel tác động. Chỉ những quan chức quân sự hàng đầu của Syria mới được phép đến đó để xem các hệ thống phòng thủ đã được thiết lập. Tuy nhiên, Cohen đã được các sĩ quan tham mưu cấp cao của Syria đưa đi thăm mọi vị trí phòng thủ.
Trong chuyến thăm, giả vờ giúp đỡ những người lính Syria đang chống chọi với cái nóng của mặt trời, Cohen đã đề xuất trồng cây ở những địa điểm cụ thể. Những cây này sau đó được IDF sử dụng làm điểm đánh dấu mục tiêu trong Chiến tranh 6 ngày, giúp Israel chiếm được Cao nguyên Golan chỉ trong 2 ngày.
Cohen còn chụp ảnh và vẽ phác thảo các vị trí quân sự của Syria, đồng thời biết được kế hoạch của Syria nhằm tạo ra ba tuyến phòng thủ (IDF cho rằng chỉ có một). Tất cả thông tin tình báo này về sau đã giúp Israel giành chiến thắng.
Chuyến đi không trở lại
Từ năm 1962 đến năm 1965, Cohen trở lại Israel để gặp gia đình 3 lần. Trong chuyến đi cuối cùng tới Israel vào năm 1964, Cohen bày tỏ quan ngại về chỉ huy mới của cơ quan tình báo Syria, Đại tá Ahmed Su’edani, người rõ ràng là không thích hoặc không tin tưởng ông. Cohen yêu cầu được nghỉ việc, nhưng các quan chức tình báo Israel đã thuyết phục ông quay trở lại Syria lần cuối.
Tháng 1/1965, với sự trợ giúp của các chuyên gia và thiết bị của Liên Xô, Syria đã theo dõi các đường truyền vô tuyến bí mật của Cohen tới Israel. Cohen bị bắt trong căn hộ của mình và cuối cùng bị treo cổ công khai ở Damascus vào ngày 18/5/1965.
Ba ngày trước khi bị hành quyết, người đàn ông giúp đảm bảo tương lai của Israel đã gửi thông điệp cuối cùng cho vợ: “Anh cầu xin em, Nadia thân yêu của anh, đừng dành thời gian để khóc lóc về một điều gì đó đã qua. Hãy tập trung vào bản thân, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn!".