Chế độ ăn nhiều natri gây hại như thế nào cho cơ thể?

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 19:51, 08/06/2024

Cơ thể bạn cần một lượng nhỏ natri hằng ngày để dẫn truyền các xung thần kinh, co bóp và thư giãn cơ bắp, đồng thời duy trì sự cân bằng hợp lý giữa nước và khoáng chất. Tuy nhiên, việc vượt quá lượng natri khuyến nghị có thể gây hại.
Chế độ ăn nhiều natri gây hại như thế nào cho cơ thể?
Natri chứa nhiều trong các loại hải sản. Ảnh AI: Thiện Nhân

Natri có phải là muối không?

Theo huấn luyện viên, nhà dinh dưỡng lâm sàng người Ấn Độ - Gauri Anand, cần phải phân biệt được muối và natri là khác nhau. Bởi, 40% lượng natri được đưa vào cơ thể là từ muối, nhưng natri cũng có nhiều trong các loại thực phẩm khác. Một thìa cà phê muối có khoảng 2.300 miligam (mg) natri.

Có rất nhiều tác dụng phụ của chế độ ăn nhiều natri mà bạn nên biết từ việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tăng huyết áp cho đến đầy hơi hoặc tăng cân.

Tăng huyết áp

Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của chế độ ăn nhiều natri là tăng huyết áp hoặc huyết áp cao. Bà Gauri Anand giải thích : “Natri khiến cơ thể giữ nước, tạo thêm áp lực lên thành động mạch”.

Áp lực gia tăng này có thể dẫn đến huyết áp cao, một yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ.

Sưng phù chi dưới

Hấp thụ quá nhiều natri có thể dẫn đến phù nề, tức là sưng các mô do cơ thể giữ nước. Điều này xảy ra do natri giữ nước, làm tăng chất lỏng trong mạch máu và rò rỉ vào các mô xung quanh. Phù nề dễ nhận thấy nhất ở các chi dưới, chẳng hạn như chân, mắt cá chân và bàn chân, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở tay và mặt. Bà Anand khẳng định, bệnh phù nề mạn tính có thể gây khó chịu và dẫn đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hơn do tiêu thụ nhiều natri.

Tăng cơn khát

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, natri ảnh hưởng đến sự cân bằng chất lỏng của cơ thể và tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng khát nước gia tăng. Cơ thể báo hiệu cần nhiều nước hơn để pha loãng lượng natri dư thừa trong máu, duy trì nồng độ chất điện giải ổn định.

Đầy hơi và tăng cân

Lượng natri cao thường liên quan đến đầy hơi và tăng cân. Nhà dinh dưỡng Gauri Anand giải thích, trọng lượng này không phải là mỡ mà là chất lỏng khiến cơ thể có cảm giác nặng nề, đầy hơi. Bất kể bạn đang theo chế độ ăn kiêng nào, lượng natri cao sẽ làm tăng nguy cơ đầy hơi, có thể gây khó chịu về thể chất.

Vấn đề về thận

Thận chịu trách nhiệm lọc máu và duy trì cân bằng chất lỏng và điện giải. Khi lượng natri nạp vào cao, thận phải làm việc nhiều hơn để bài tiết lượng natri dư thừa qua nước tiểu. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến căng thận và giảm chức năng thận.

Tăng nguy cơ loãng xương

Bà Anand cho biết, chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Natri ảnh hưởng đến sự cân bằng canxi của cơ thể, làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu. Vì canxi rất quan trọng đối với sức khỏe của xương.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nội tiết và Chuyển hóa Lâm sàng , lượng canxi bài tiết cao hơn có liên quan đến mật độ xương thấp hơn và xương yếu đi theo thời gian. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn, đặc biệt là sau khi mãn kinh và lượng natri cao có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ này.

Nên ăn bao nhiêu natri trong một ngày?

Một số loại hải sản chứa nhiều natri gồm cá tuyết, tôm, cua, sò, bạch tuộc, tôm hùm và hàu. Một số loại gia vị như mù tạt, ớt bột, đinh hương, thì là, hạt tiêu, bột nghệ, bột cà ri và bột hành cũng chứa nhiều natri.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, lượng natri khuyến nghị hằng ngày cho người lớn là dưới 2.000 miligam. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đề xuất, giới hạn lượng natri lý tưởng là không quá 1.500 miligam mỗi ngày đối với hầu hết người lớn, đặc biệt đối với những người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim.

NGỌC THÙY (THEO HEALTHSHOTS)