Trí tuệ nhân tạo sẽ tấn công thị trường lao động như ‘sóng thần’

Cuộc sống số - Ngày đăng : 07:21, 16/05/2024

Đây là nhận xét của Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với thị trường việc làm tại một sự kiện tổ chức ở Zurich, Thụy Sĩ.

Kể từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời, các chuyên gia đã tranh luận về ưu và nhược điểm của nó đối với lực lượng lao động. Theo bà Kristalina Georgieva, AI có thể làm tăng năng suất đáng kể nếu được quản lý tốt nhưng cũng có thể dẫn đến nhiều thông tin sai sự thật hơn và bất bình đẳng hơn trong xã hội.

Trong báo cáo hồi tháng 1 của IMF do bà Georgieva làm đồng tác giả, bà thể hiện giọng điệu lạc quan về những hứa hẹn của công nghệ. Bà cho rằng “kỷ nguyên AI đang đến với chúng ta và vẫn nằm trong tầm kiểm soát để bảo đảm mang lại sự thịnh vượng cho tất cả”.

Tuy nhiên, hiện tại bà có vẻ lo lắng hơn. Báo cáo kể trên dự đoán AI sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều công việc trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, khoảng 40% việc làm trên toàn thế giới. Ở các nền kinh tế tiên tiến, con số sẽ còn cao hơn, ước tính 60%.

Một nghiên cứu được lưu hành rộng rãi của tổ chức tài chính Goldman Sachs từ tháng 4/2023 dự đoán AI sẽ chạm tới 300 triệu việc làm ở Mỹ và châu Âu. Nghiên cứu của Goldman cố gắng phân biệt giữa những người lao động mà công việc bị thay thế hoàn toàn bằng tự động hóa và những người chỉ có một số nhiệm vụ nhất định được thay thế bằng AI.

Sự thay đổi lớn trong AI, so với những đổi mới công nghệ khác, là dường như nó tác động đến giới văn phòng hơn là sản xuất. Khả năng tái tạo các nhiệm vụ thông thường, có tính định kỳ của AI làm nó rất phù hợp với các loại công việc hành chính, dù chi phí tích hợp AI toàn diện trong toàn công ty đang làm chậm quá trình chuyển đổi này.

Tuy nhiên, những hứa hẹn về AI thúc đẩy “cơn sốt” đầu tư mạnh mẽ. Nói về AI, Giám đốc IMF nhận xét: “Chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi người và doanh nghiệp”.

z23ft6ld.png
Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, phát biểu tại hội thảo Milken ngày 6/5 tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Điều đó không ngăn cản một số công ty lập kế hoạch cho những gì họ xem là những thay đổi không thể tránh khỏi đối với thị trường việc làm. Chẳng hạn, IBM đóng băng tuyển dụng cho khoảng 7.800 vai trò mà họ nghĩ có thể thay đổi do AI. Dù CEO Arvind Krishna nói rằng IBM vẫn có kế hoạch tuyển thêm người, họ chỉ làm với các vai trò khác với trước đây.

Nhiều nhà phân tích tin rằng các hãng công nghệ thu hẹp lực lượng lao động là vì AI. Trong khi đó, các công ty tài chính gợi ý về mối liên hệ giữa sa thải và AI. Khi BlackRock sa thải 3% nhân viên vào tháng 1, họ đề cập một trong những lý do là vì "các công nghệ mới đã sẵn sàng để biến đổi ngành công nghiệp của chúng tôi và mọi ngành công nghiệp khác", theo một bản ghi nhớ của công ty.

Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 4 của công ty tuyển dụng Adecco với 2.000 giám đốc toàn cầu, 41% dự đoán quy mô lực lượng lao động thu hẹp trong 5 năm tới do AI. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng ngày số lượng lớn nhân sự mất việc do AI sẽ lâu hơn dự kiến. Mark Warner, CEO hãng tư vấn AI Faculty, nhận định nhiều khả năng của AI đang bị đánh giá quá cao so với thực chất. “Hãy nhìn vào thời điểm chúng ta được hứa hẹn về những chiếc xe tự lái hoàn toàn. Nó đã mất nhiều thời gian hơn chúng ta mong đợi”, ông nói trong sự kiện Brainstorm AI của Fortune tháng trước.

Ngay cả khi sa thải hàng loạt xảy ra, sẽ có những công việc mới tốt hơn ra đời trong tương lai. Diễn đàn kinh tế thế giới dự đoán AI sẽ tạo ra 97 triệu việc làm mới dù loại bỏ 85 triệu việc làm. Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman cho rằng AI sẽ "phá hủy việc làm ở một số lĩnh vực", nhưng cuối cùng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn.

Trong lúc này, các chuyên gia AI đang được săn đón trên thị trường việc làm hiện tại, được hứa hẹn mức lương hàng triệu USD và được đích thân các CEO hàng đầu tuyển dụng.

(Theo Fortune)