Tạo 'đơn tố cáo' giả quảng cáo cờ bạc, ra mắt phần mềm chống lừa đảo cho người dân
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:25, 12/05/2024
Tạo "đơn tố cáo" giả để quảng cáo cờ bạc
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – A05 thuộc Bộ Công an vừa cập nhật thông tin về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng.
Theo đó, thời gian gần đây, hoạt động của loại tội phạm này ngày một tinh vi, liên tục thay đổi tên miền truy cập, sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài để tránh sự phát hiện, truy vết, ngăn chặn của các đơn vị chức năng.
Các đối tượng sử dụng các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đăng tải thông tin quảng cáo về hoạt động đánh bạc qua mạng.
"Một số đối tượng còn phát tán “đơn tố cáo” sai sự thật về công tác đấu tranh, xử lý các “trang mạng”, đường dây tổ chức đánh bạc của cơ quan chức năng. Đây thực chất là thông tin xấu độc, sai sự thật nhằm thu hút dư luận xã hội, công kích, hạ uy tín các đơn vị chức năng để nhằm mục đích quảng cáo về các trang mạng, đường dây đánh bạc”, A05 lưu ý.
Trước tình hình trên, A05 hiện đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành xác minh, truy vết các đối tượng có hành vi tán phát thông tin quảng cáo hoạt động đánh bạc qua mạng, “đơn tố cáo” sai sự thật để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
A05 cũng khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức về hậu quả, tác hại của tội phạm đánh bạc qua mạng; Cảnh giác trước các thủ đoạn, hoạt động lôi kéo, dụ dỗ tham gia hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng.
Trường hợp phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động quảng cáo, tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng, người dân cần báo tin tố giác ngay tới cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Sắp ra mắt phần mềm chống lừa đảo cho người dân
Được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chủ trì tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công an, hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” là sự kiện nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp.
Diễn ra trong ngày 13/5, hội thảo về "Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng" sẽ mang đến những nội dung mang tính thời sự, nổi bật, cập nhật các công nghệ an ninh mạng mới, các xu hướng và kinh nghiệm của quốc tế, thực tiễn tốt của các nước về việc phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt là hình thức lừa đảo tài chính công nghệ cao.
Đáng chú ý, trong mục tiêu xây dựng cộng đồng phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, tại hội thảo ngày 13/5, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia sẽ giới thiệu về phần mềm phòng, chống lừa đảo dành cho người dân, cài trên smartphone.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, phần mềm phòng, chống lừa đảo là sản phẩm được phát triển dựa trên các nghiên cứu kỹ lưỡng về nguy cơ với người sử dụng tại Việt Nam, hỗ trợ các hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android và iOS.
"Dự kiến, phần mềm này sẽ ra mắt vào tháng 7/2024 và kết nối với cơ sở dữ liệu về phòng, chống lừa đảo của các bộ, ngành, cũng như các công ty an ninh mạng thành viên của Hiệp hội để phát huy sức mạnh tổng hợp", ông Vũ Ngọc Sơn thông tin thêm.
Lên kế hoạch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ GD&ĐT lên kế hoạch đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Ý kiến chỉ đạo nêu trên là một nội dung trong thông báo ngày 5/5 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 24/4, ở trụ sở Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Cùng với việc chỉ rõ 3 quan điểm và 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, thông báo ngày 5/5 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 24/4 cũng nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể mà người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp cùng các chủ thể có liên quan cần tập trung trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào việc hình thành thị trường lao động cho ngành bán dẫn; Tích cực tham gia vào quá trình đào tạo của các cơ sở đào tạo; Phối hợp với các cơ sở đào tạo để đặt hàng, thu hút nguồn nhân lực; Đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng nhà nước trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực CNTT. Đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
Công bố chất lượng dịch vụ bưu chính năm 2023
Trong năm 2023, Bộ TT&TT đã tổ chức thu thập dữ liệu của một số doanh nghiệp bưu chính để đánh giá thực tế chất lượng dịch vụ bưu chính ngoài công ích của các doanh nghiệp. 10 doanh nghiệp được lựa chọn đánh giá có thị phần sản lượng, doanh thu chiếm trên 80% sản lượng, doanh thu toàn thị trường.
Các doanh nghiệp này bao gồm: Công ty TNHH Best Express (Best); Tổng công ty chuyển phát nhanh bưu điện - Công ty cổ phần (EMS); Công ty cổ phần dịch vụ Giao Hàng Nhanh (GHN); Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK); Công ty TNHH một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong (J&T); Công ty TNHH giao hàng Flex Speed (Flex Speed); Công ty TNHH Nin Sing Logistics (Nin Sing); Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post); Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost); Công ty TNHH SPX Express (SPX).
Kết quả cho thấy, J&T là doanh nghiệp bưu chính có tỷ lệ bưu gửi đáp ứng thời gian toàn trình cam kết ở mức cao nhất (100%). Bốn doanh nghiệp tiếp theo đều có tỷ lệ đáp ứng thời gian toàn trình cam kết ở mức cao là Best (99,68%), Viettel Post (99,33%), Flex Speed (99,32%) và Nin Sing (99,1%).
Kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ bưu chính của một số doanh nghiệp bưu chính năm 2023 được Bộ TT&TT công bố để người sử dụng dịch vụ biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ phù hợp với nhu cầu.